'Lụi tàn' dự án trồng cây kinh tế giá trị cao ở miền núi Con Cuông

Dự án trồng cây đinh lăng ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) từng được kỳ vọng sẽ mở ra tương lai mới, mang lại thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, sau hơn một năm triển khai, dự án đến nay đã sớm 'lụi tàn'. Dự án nằm trong hoạt động phát triển chuỗi giá trị cây đinh lăng, nhằm giúp bà con chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập.

Năm 2015, dự án trồng cây đinh lăng được triển khai thí điểm cho 17 hộ dân ở hai bản Tờ và Tân Hương, xã Yên Khê, huyện Con Cuông. Dự án do tổ chức Oxfam tài trợ, đơn vị triển khai là Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và phát triển nông thôn (RECERD), UBND huyện Con Cuông, UBND xã Yên Khê.

Vườn ươm cây đinh lăng ở hộ gia đình ông Tý giờ chỉ toàn bu đất

Dự án nằm trong hoạt động phát triển chuỗi giá trị cây đinh lăng, nhằm giúp bà con chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập. Tổ chức Oxfam đã tài trợ cho 17 hộ dân tại 2 bản Tân Hương và bản Tờ. Sau khi người dân được hướng dẫn cách chăm sóc, nghe thuyết trình về các bài giảng liên quan đến cây đinh lăng với giá trị kinh tế mang lại sau 3-4 năm trồng là rất lớn, dự án bắt đầu được triển khai đến các hộ dân.

Ông Lô Văn Duyệt ở bản Tân Hương cho biết, ngoài 2.100 cây giống do dự án cấp, gia đình ông còn bỏ vốn mua thêm 3.000 cây với giá 7.000 đồng/cây. Tuy nhiên, đến nay toàn bộ 5.000 cây đinh lăng đều chết, thiệt hại hơn 20 triệu đồng tiền giống, chưa kể công làm đất và chăm bón.

Chỉ còn một số ít cây đinh lăng sống sót là niềm hy vọng của gia đình

Ngoài hộ ông Duyệt, hộ ông Lô Văn Tý ở cùng bản cũng mua thêm gần 10.000 cây giống với tổng số tiền 100 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay còn khoảng 1.000 cây sống sót, song mức độ phát triển của cây chậm, đặc biệt cây dễ bị chết khi gặp phải thời tiết có sương muối. Ngoài hộ ông Duyệt, ông Tý, 15 hộ dân khác trồng đinh lăng cũng gặp phải tình cảnh tương tự.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Văn Đậu – Chủ tịch UBND xã Yên Khê cho biết: “Dự án trồng thí điểm cây đinh lăng được triển khai từ năm 2015 đến nay đã không thể mang lại kết quả như mong đợi, nhiều hộ dân đã bỏ ra một khoản tiền lớn để mua cây giống, tuy nhiên đến nay dự án đã thất bại”.

Đưa chúng tôi ra vườn ươm cây đinh lăng của gia đình trước đây, anh Lô Văn Mua (SN 1988) - con ông Tý cho biết: “Mới ngày nào, vườn ươm dày đặc cây giống, thế nhưng sau đó cây cứ chết dần chết mòn. Sau vụ trồng cây đinh lăng, gia đình tôi thiệt hại khoảng 100 triệu tiền giống cây. Giờ chỉ còn lại một ít cây sống sót, hy vọng những gốc cây còn lại sẽ mang lại thu nhập”.

Tấm biển mô hình vườn ươm giống cây đinh lăng được đặt ở nhà anh Mua trước kia

Nhìn những bu đất nằm chỏng chơ nơi góc vườn, với những gốc cây đã bị chết khô từ lúc nào, chúng tôi thấy xót xa làm sao khi một số tiền lớn của người dân được đầu tư nhưng đã không được các cấp ngành quan tâm, hướng dẫn chu đáo, dẫn đến tình trạng mô hình chết yểu.

Được biết, cây đinh lăng vừa để làm cảnh, vừa là thứ rau ăn kèm với một số món ăn như nem cuốn, gỏi cá... Hiện nay trên thị trường cây đinh lăng được tìm mua khá phổ biến, với giá trị kinh tế cao. Vì từ lá, thân, cho đến bộ rễ cây đinh lăng đều được tận dụng để làm thuốc, hay có nhiều tác dụng khác.

Đặc biệt, rễ đinh lăng được lấy ở những cây trồng từ 5 năm trở lên sẽ có giá trị kinh tế lớn. Chính vì vậy dự án trồng cây đinh lăng đã tạo cho bà con miền núi một hướng đi mới để phát triển kinh tế. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khác nhau nên dự án đã không đạt được kỳ vọng. Thêm một lần nữa, cũng giống như nhiều dự án đã được thực hiện trước đó, dự án trồng cây đinh lăng đã lụi tàn.

VĂN ĐỨC

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/lui-tan-du-an-trong-cay-kinh-te-gia-tri-cao-o-mien-nui-con-cuong-post187361.html