Lực lượng Công an triển khai nhiều biện pháp đảm bảo ANTT

Ngày 24/2, tức mùng 6 tháng Giêng năm Ất Mùi 2015, Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chính thức khai mạc, gắn liền với hai hoạt động quan trọng: Đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt dành cho quần thể kiến trúc khu di tích đền Sóc và đón nhận Bằng chứng nhận Tượng đài Thánh Gióng đạt kỷ lục Việt Nam.

Hai sự kiện này được tổ chức gắn liền với hoạt động lễ hội truyền thống, vừa vinh danh giá trị di tích, vừa mang ý nghĩa giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa độc đáo của khu di tích, những tiềm năng, thế mạnh của huyện Sóc Sơn với du khách trong và ngoài nước; đồng thời, tôn vinh các giá trị văn hóa giàu truyền thống và khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước...

Đến hẹn lại lên, hàng vạn phật tử và du khách thập phương lại nô nức trẩy hội đền Sóc. Lễ hội đền Sóc được xem là một trong những “hội trận” độc đáo nhất tại khu vực phía Bắc, diễn ra trong ba ngày chính (từ mùng 6 đến mùng 8 tết).

Bên cạnh những hoạt động văn hóa tín ngưỡng độc đáo được gìn giữ cho tới ngày nay, lễ hội đền Sóc vẫn còn những nghi lễ khiến không ít du khách cảm thấy lạ lẫm, đặc biệt trong số đó phải kể đến là tục cướp “giò hoa tre”. Đây là một trong 8 lễ vật cung tiến thần linh tại lễ hội đền Sóc (cùng với voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, “nữ tướng trẻ”, “cầu húc” và ngựa Gióng), với ước vọng về một nền “Quốc Thái Dân An”.

Lễ rước voi chiến trong Lễ hội đền Sóc.

Trước thông tin một số báo chí đăng tải tại Lễ hội đền Sóc có hiện tượng "khi kiệu hoa tre vừa rước vào đến đền Thượng đã bị hàng chục thanh niên lao vào cướp để lấy may mắn cho cả năm. Nhiều người cầm cả gậy để vụt tới tấp vào đội bảo vệ kiệu. Một cụ ông bị xô rơi cả cặp kính đang đeo. Cảnh hỗn loạn trên sân đền diễn ra chỉ vài phút đồng hồ nhưng cũng đủ làm cho du khách tham dự thấy ngán ngẩm và kinh sợ. Nhiều thanh niên thấy đánh nhau còn hùa vào xem".

Trao đổi với phóng viên Báo Công an nhân dân, Đại tá Trần Quang Huy, Trưởng Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) khẳng định, tại Lễ hội đền Sóc năm nay không hề xảy ra hiện tượng xô xát, đánh nhau như một số trang báo mạng phản ánh. Công an huyện Sóc Sơn cũng chưa nhận được đơn trình báo của ai về việc bị gây thương tích. Đại tá Trần Quang Huy cho biết thêm, khai mạc lễ hội đền Sóc gồm phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, gồm 8 xã tổ chức rước lễ, cung tiến lên Phù Đổng Thiên Vương, gồm: rước voi, rước ngựa chiến, rước trầu cau, rước cỏ voi và rước giò hoa tre… Theo tập quán, sau khi dâng lễ trên đền Thượng xong, Ban tổ chức sẽ đưa các vật phẩm lễ xuống đền Hạ để sau khi kết thúc lễ hội sẽ hóa voi và ngựa. Riêng lễ phẩm trầu cau và giò hoa tre, theo quy định, sẽ tán lộc cho du khách. Khi đưa từ đền Thượng xuống, theo phong tục, phải có đội quân bảo vệ lễ vật, cầm gậy tre đi theo. Vì nguyện vọng của du khách mong muốn lấy được lộc đầu năm nên có hiện tượng du khách xô vào cướp lộc trầu cau và giò hoa tre. Điều này là hoạt động nghi lễ bình thường, mang nét đặc sắc riêng có của Lễ hội đền Sóc.

Ban Quản lý khu di tích đền Sóc cho biết, cùng với tục cướp “giò hoa tre”, lễ hội đền Sóc trước đây cũng ghi nhận nghi lễ “chém tướng”. Tuy nhiên, do sự lộn xộn, cũng như những nguy hiểm (có thể xảy đến) cho chính những người tham gia lễ hội nên hoạt động này nay chỉ còn được tổ chức tượng trưng. Riêng đối với tục “cướp giò hoa tre” là nghi lễ văn hóa đặc trưng cho lễ hội này nên duy trì.

Đại tá Trần Quang Huy nhấn mạnh, việc phát lộc “giò hoa tre” trước đây được thực hiện tượng trưng theo cờ lệnh. Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, việc phát lộc trở nên khó khăn hơn, do người dân, từ già tới trẻ (đặc biệt là thanh niên), ai nấy đều muốn có được một chiếc “hoa tre” sinh lộc đầu năm mới. Dù chỉ là một nghi lễ mang tính văn hóa cộng đồng nhưng hoạt động này cũng khiến không ít du khách thập phương lần đầu ghé thăm chính hội cảm thấy lạ lẫm, hoảng hốt vì tưởng nhầm là một cuộc "hỗn chiến", láo loạn, gây mất an ninh, trật tự đang diễn ra trước mắt, nhưng thực chất là không phải.

Để đảm bảo trật tự, an toàn cho lễ hội đền Sóc 2015, Công an huyện Sóc Sơn đã chủ động, lên kế hoạch, điều động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ của Công an huyện phối hợp với Công an các xã Phù Ninh, Quang Tiến, Hồng Kỳ, lực lượng Công an TP như Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, thanh niên tình nguyện phân bố khắp các đỉnh, triền núi, các khu vực diễn ra lễ hội để triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự. Nhiệm vụ của lực lượng Công an là không để xảy ra các hiện tượng móc túi, cướp, đánh nhau, trộm cắp, cờ bạc trá hình; đảm bảo trật tự công cộng như: không để xảy ra hiện tượng đổi tiền lẻ, chèo kéo khách, bắt chẹt khách gửi xe; đảm bảo giao thông trật tự thông suốt…

Trần Xuân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-hoa/luc-luong-cong-an-trien-khai-nhieu-bien-phap-dam-bao-antt-342367/