Lực lượng công an chống bão Haiyan

(CATP) Ngay khi có thông tin về hướng đổ bộ vào nước ta của cơn bão số 14 - siêu bão Haiyan, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương, tập trung cao nhất lực lượng, phương tiện giúp dân phòng chống bão. Ngay sáng 9-11-2013, Đoàn công tác tiền phương của Bộ Công an đã vào Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Nam. Văn phòng Bộ Công an lập Tổ công tác thường trực 24/24 giờ tại Trung tâm thông tin chỉ huy của bộ.

Lực lượng công an giúp dân phòng chống bão tại vùng xung yếu

Tại các đơn vị, địa phương, lực lượng công an luôn đảm bảo quân số trực và ứng trực 100%, tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, các cơ sở giam giữ. Tổng cục Hậu cần kỹ thuật Công an nhân dân đã thành lập đoàn đi kiểm tra các kho vật tư, xăng dầu; Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tăng cường 125 cán bộ Cảnh sát giao thông cho các tỉnh miền Trung. Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thành lập năm đoàn trực tiếp xuống các trại Đồng Sơn, Nghĩa An, Hoàn Cát, An Điềm, Trường 3, Bình Điền, Kim Sơn. Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động điều 350 cán bộ chiến sĩ đóng quân tại Đà Nẵng xuống giúp dân thuộc TP. Đà Nẵng chuẩn bị nhà bạt, nơi ở cho dân. Các đơn vị cơ động đóng quân ở Huế, Bình Định, Khánh Hòa ứng trực 100% tại đơn vị. Bộ tư lệnh đã cử hai Phó tư lệnh vào chỉ đạo công tác tại các tỉnh miền Trung. Công an Quảng Ngãi thành lập lực lượng Cơ động phản ứng nhanh của công an tỉnh gồm 200 cán bộ chiến sĩ do Phó giám đốc Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo; tổ chức bảy đoàn công tác trực tiếp đến các đơn vị, địa phương kiểm tra, hướng dẫn, huy động 20 ca nô, 40 xe ôtô, xe tải các loại và các phương tiện cần thiết như áo phao, đèn pin... phục vụ công tác phòng chống bão và mưa lũ; phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng kêu gọi 100% tàu thuyền vào bờ tránh bão, neo đậu an toàn.

Công an Bình Định phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các sở, ngành liên quan kêu gọi 2.700 lượt phương tiện tìm nơi tránh trú bão; hướng dẫn 1.699 tàu thuyền tại các cảng trên địa bàn tỉnh tìm nơi neo đậu tránh bão. Công an TP. Đà Nẵng thành lập ba tổ công tác chỉ đạo công tác phòng chống bão. Công an Thừa Thiên - Huế thành lập năm đoàn kiểm tra, bố trí 14 tổ Cảnh sát giao thông tại 14 điểm xung yếu trên tuyến QL1A, 49A; cán bộ Phòng Cảnh sát bảo vệ, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trực sẵn sàng làm nhiệm vụ. Công an Nghệ An phân công sáu đoàn xuống cơ sở đôn đốc công tác phòng chống lụt bão theo các tuyến.

Công an các tỉnh miền Bắc đều bố trí 100% quân số trực, tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng một cách nghiêm túc, bảo quản tài liệu, tránh mất mát; chuẩn bị về hậu cần, vật tư, kỹ thuật, xăng xe, thuốc chữa bệnh... Phòng Cảnh sát giao thông công an các tỉnh tăng cường phân luồng, hướng dẫn giao thông, đặc biệt ở tuyến quốc lộ chính và các tuyến đường xung yếu. Công an Hà Tĩnh đã tổ chức di dời hơn 54.000 hộ dân tại các vùng trọng điểm, hơn 72.000 nhân khẩu tại vùng rừng có nguy cơ lũ quét. Công an tỉnh Nghệ An sơ tán hơn 23.000 nhà dân ven biển, vùng sạt lở, ven hồ đập đến nơi an toàn. Tại Ninh Bình, ở huyện Kim Sơn và Gia Viễn, công an tỉnh điều động một trung đội Cảnh sát cơ động xuống giúp dân chằng chống nhà cửa, di dời dân vào trong đê, chuẩn bị các điều kiện để chống lũ. Công an tỉnh Thái Bình huy động bảy đại đội Cảnh sát cơ động xuống giúp dân tại huyện Thái Thụy và Tiền Hải; đã kêu gọi 1.380 tàu về nơi trú ẩn; công tác bảo vệ an toàn tàu được triển khai; khai thông hệ thống thoát nước tại trại tạm giam, đảm bảo tuyệ̣t đối an toàn cho 460 phạm nhân. Tại Nam Định, đã tiến hành di dời trên 500 hộ trong vòng nguy hiểm, 11.000 ngư dân vào nơi trú ẩn an toàn. Công an tỉnh Thanh Hóa tăng cường 1.000 cán bộ chiến sĩ xuống 52 xã trọng điểm ven biển, di dời 40.000 dân và 25.000 người khỏi vùng có nguy cơ lũ quét...

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=708&id=507032&mod=detnews&p=