Lực lượng bảo vệ đông, rừng vẫn bị tàn phá tràn lan

Rừng ở Đà Nẵng chỉ hơn 50.000ha, trong đó 28.300ha rừng đặc dụng; lực lượng bảo vệ rừng đông đảo, được đầu tư khá nhiều trang thiết bị, kinh phí; thế nhưng rừng liên tục bị xâm hại...

Bị tàn phá nghiêm trọng nhất là rừng tự nhiên tại các tiểu khu 17, 20, 24, thuộc lâm phận xã Hòa Bắc (Hòa Vang). Đây là khu rừng thuộc loại khoanh nuôi tái sinh, song lâm tặc liên tục xâm hại làm cho tài nguyên lâm sản càng ngày càng cạn kiệt. Tại khu rừng này, vào trung tuần tháng 6/2014, Hạt Kiểm lâm (HKL) Hòa Vang đã phát hiện, thu giữ 140 phách gỗ lâu, tổng khối lượng hơn 14m3, đang trên đường vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Đột nhập vào khu rừng tự nhiên tiếp giáp với khu rừng trồng của Công ty CP Vinafor Đà Nẵng những ngày cuối tháng 6/2014, ghi nhận của chúng tôi có nhiều cây không lớn lắm, song bị lâm tặc chặt hạ, gỗ đã chuyển đi hết. Riêng tại khoảnh 4, tiểu khu 20, ít nhất 20 cây còn trơ gốc. Lội sang các khoảnh rừng bên cạnh cũng gặp tình trạng tương tự. Khá nhiều cây rừng chỉ nhỉnh hơn cột nhà chút ít đều bị chặt hạ không thương tiếc. Một số lối đi do lâm tặc mở, trượt gỗ từ núi cao xuống, vệt gỗ còn nguyên…

Anh Định Văn Hậu, nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng sông Nam cho hay: Các khu rừng này bị lâm tặc xâm hại từ nhiều năm nay. Hồi đường ôtô về thôn Tà Lang chưa nối thông (do bị sạt lở, hư hỏng), lâm tặc vận chuyển gỗ lậu trên sông Bắc về xuôi. Từ ngày Công ty CP Vinafor Đà Nẵng tiến hành khai thác rừng trồng tại hơn 600ha ở khu vực này, đường được sửa chữa, ôtô vận chuyển gỗ vào tận nơi, tình trạng phá rừng diễn ra hết sức phức tạp. Trạm có cử lực lượng tuần tra truy quét, song lâm tặc lắm thủ đoạn, hễ thấy bóng dáng bảo vệ rừng là né tránh, khi nào lực lượng tuần tra rút, việc phá rừng diễn ra như thường. Có thể nói, bảo vệ rừng ở khu vực này rất khó khăn cứ như cuộc rượt đuổi không hồi kết. Đường vận chuyển gỗ rừng trồng mở ra, đang là cơ hội rất lớn để lâm tặc phá rừng…

Rừng tại tiểu khu 20 Hòa Bắc bị lâm tặc tàn phá.

Không chỉ rừng tại các tiểu khu 20-24 phía Tây Bắc Đà Nẵng giáp Thừa Thiên- Huế bị tàn phá, mà tại tiểu khu 54 rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, giáp huyện Đông Giang (Quảng Nam) cũng liên tục bị xâm hại. Cách đây không lâu, lực lượng bảo vệ rừng xã Hòa Phú (Hòa Vang) và Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, phát hiện gần 20 cây gỗ cỡ 2 người ôm không xuể đã bị lâm tặc đốn hạ. Dấu vết tại hiện trường chỉ còn một số mảnh bìa, khu vực rừng rộng lớn, tan hoang. Chưa hết, khu rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 44 xã Hòa Ninh, cây rừng cỡ 30-40cm dày đặc lá; vậy mà bị chặt trắng để lấy đất… trồng rừng. Đây là vụ phá rừng gây sốc trong cán bộ, nhân dân địa phương. Trong số 3,51ha rừng bị xâm hại, có 1,93ha bị chặt trắng hoàn toàn, còn lại là phát luỗng, thiệt hại về tài nguyên rừng rất lớn. Hiện cơ quan chức năng đang điều tra, để đưa vụ phá rừng này truy tố trước pháp luật. Rừng tại các tiểu khu 27, 29, lâm phận Hòa Vang, cũng không hề bình yên. Theo người dân thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, tình trạng phá rừng tại khu vực Khe Đương, diễn ra dai dẳng từ nhiều năm nay, và rộ lên kể từ ngày Công ty TNHH một thành viên Trường Sơn sửa chữa đường để đưa ô tô vào mỏ vàng Khe Đương chở máy móc thiết bị ra khỏi rừng. Rồi rừng đặc dụng Nam Hải Vân, hàng trăm cây thông 30 năm tuổi cứ thế “không cánh mà bay”. Cách đây không lâu, lực lượng Kiểm lâm Liên Chiểu phát hiện 40 cây thông loại 30 năm tuổi bị chặt hạ, gốc còn ứa nhựa…

Thời gian vừa qua, hầu như tất cả các khu rừng thuộc lâm phận Đà Nẵng đều bị tàn phá hết sức nghiêm trọng, mặc cho cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn. Nói đúng hơn, rừng ở Đà Nẵng càng bảo vệ càng nghèo kiệt tài nguyên. Số liệu từ HKL rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa, 6 tháng đầu năm 2014, đơn vị này đã phát hiện phá hủy 3 lán trại của lâm tặc, đẩy đuổi 13 đối tượng ra khỏi rừng, tịch thu 4,16m 3 gỗ (quy tròn), phá hủy tại chỗ hơn 10m 3 khác. Tình trạng phá rừng ở Đà Nẵng đang rất báo động. Đó là chưa kể liên tục có hàng chục đến hàng trăm người đột nhập vào rừng chặt hạ cây ươi lấy quả. Bảo vệ rừng đầu nguồn Đà Nẵng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và cấp bách hiện nay, bởi bảo vệ không hiệu quả không chỉ tài nguyên rừng cạn kiệt mà môi trường sinh thái bị hủy hoại, nguồn nước đáp ứng cho nhu cầu đời sống, sản xuất của vùng hạ du sẽ rất khó khăn. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương có rừng phải triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả các giải pháp bảo vệ rừng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2014/7/236839.cand