Lục địa già bối rối

Liên minh Châu Âu (EU) vừa ra thông báo bổ sung 3 công dân và 3 công ty của Nga vào danh sách trừng phạt mở rộng Mátxcơva, trong đó có Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Andrey Cherezov; lãnh đạo Phòng Kiểm soát và Quản lý điện lưới quốc gia Nga Evgeniy Grabchak; Giám đốc điều hành Công ty Quốc doanh Technopromexport. Các chủ thể này có thể bị phong tỏa tài sản và cấm đi lại trong EU do có liên quan tới việc “vận chuyển bất hợp pháp” 4 tuabin khí của Tập đoàn Siemens (Đức) từ miền Nam nước Nga tới bán đảo Crimea vào mùa hè năm 2016.

Châu Âu đang bối rối trong phản ứng trước các biện pháp trừng phạt Nga.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố quyết định của EU là “vô cùng đáng tiếc” và khẳng định có quyền trả đũa. Tuyên bố nêu rõ, bước đi theo sáng kiến của Berlin là không thân thiện và không công bằng. Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng việc mở rộng lệnh trừng phạt đi ngược lại các nguyên tắc, luật pháp quốc tế, gây thiệt hại cho cả Tập đoàn Siemens cũng như các công ty khác của Đức và Châu Âu đang hoạt động tại Nga. Trong khi đó, Bộ Năng lượng Nga cho rằng quyết định này được EU đưa ra dựa trên động cơ chính trị.

Trên thực tế, những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga là nỗ lực của Mỹ và EU buộc Mátxcơva xem xét lại chính sách áp dụng tại Ukraine cũng như một số khu vực khác ở Châu Âu, Trung Đông. Làn sóng trừng phạt nhằm phản đối việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga không phải là mới vì đã được EU thông qua hồi năm 2014, trong đó có lệnh cấm cung cấp thiết bị chủ chốt cho các dự án hạ tầng trong các lĩnh vực quan trọng tại vùng lãnh thổ này. Với quyết định vừa được đưa ra, trong danh sách trừng phạt mở rộng của EU hiện đã có 153 cá nhân và 40 thực thể.

Tuy nhiên, động thái mới của EU lại được xem là một diễn biến khá bất ngờ khi chỉ vài ngày trước, Châu Âu đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ dự luật trừng phạt Nga vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành hôm 2-8. Nhiều nguồn tin khẳng định, EU thậm chí còn đang chuẩn bị đối phó với việc Washington đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt Mátxcơva có thể tác động bất lợi tới các công ty Châu Âu.

Các chuyên gia nhận định, bước đi mới của EU đơn giản là một lời nhắc nhở đồng minh Mỹ về việc họ vẫn đang áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga. Mục đích của EU đưa ra không phải để trả đũa mà là họ nhận thấy sự cần thiết trong việc đưa ra phản ứng, bởi các biện pháp cấm vận không có tác động đáng kể đến nền kinh tế Nga khi so sánh với những thiệt hại mà EU phải đánh đổi.

Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, các biện pháp cấm vận của phương Tây tuy gây thiệt hại cho Nga khoảng 50 tỷ USD, nhưng các nước thành viên EU cũng bị thiệt hại hơn 100 tỷ USD. Hàng hóa xuất khẩu của EU sang Nga đã giảm 14,5%, khiến tổng sản phẩm quốc nội của khối này giảm ít nhất 0,4% mỗi năm kể từ khi các biện pháp trừng phạt có hiệu lực, đồng thời giảm hơn 1% tại các quốc gia Trung và Đông Âu.

Bị kẹt giữa mối quan hệ Nga - Mỹ, vốn được đánh giá là đang trong giai đoạn căng thẳng nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh lạnh, Lục địa già phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa một bên là đồng minh truyền thống và một bên là thị trường thương mại đầy tiềm năng. Chính sự bối rối của EU trong các lệnh trừng phạt đối với Nga đang tự khiến nền kinh tế của Liên minh đứng trước nhiều thách thức, trong khi lại ít có tác động tới Nga và Mỹ. Giới phân tích cảnh báo, nếu tiếp tục gặp rắc rối trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt, EU sẽ tự đẩy mình vào thế bị cô lập về kinh tế.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Mátxcơva Jack Matlock từng nhận định, Châu Âu không bao giờ toàn vẹn, tự do, hòa bình nếu xa lánh Nga, hay biến nước này thành kẻ thù. Ưu tiên của Châu Âu tại thời điểm này vẫn là theo đuổi một chính sách mang tính xây dựng nhằm củng cố liên minh phương Tây vốn đang tồn tại nhiều rạn nứt, trong khi vẫn duy trì quan hệ hòa hợp và hạn chế những bất đồng với Nga tại khu vực.

Mai Chi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/874894/luc-dia-gia-boi-roi