Lực đẩy mới cho thương mại điện tử

(TBVTSG) - Khi mà các thiết bị di động ngày càng trở nên phổ biến với hầu hết mọi người, hơn cả những chiếc máy tính để bàn và máy tính xách tay, thì chúng kéo theo đó là cả một nền kinh tế. Hiệp hội Viễn thông Quốc tế (ITU) dự báo từ nay đến năm 2015 là khoảng thời gian chín muồi cho sự phát triển của thương mại di động (m-commerce), dựa trên cơ sở lượng người sử dụng Internet trên thiết bị di động đã vượt quá lượng truy cập Internet trên các máy tính cá nhân. Thương mại di động đang trở nên quan trọng trong nền thương mại điện tử.

Anh Vũ

Những chiếc điện thoại di động nay trở thành công cụ thương mại.

Theo thống kê của ITU, tính đến tháng 10-2012 đã có hơn 7 tỉ chiếc điện thoại di động được đưa vào sử dụng trên toàn cầu, cao hơn 3,8 lần so với số máy tính cá nhân được tiêu thụ. Tổ chức này cũng cho biết số thiết bị di động được phân phối trong năm nay có thể lên đến 1 tỉ chiếc. Một con số thật ấn tượng, nhưng thực tế là chỉ riêng ở Mỹ có 43,7% dân số đang sử dụng thiết bị di động chạy trên hệ điều hành của Android và 27,3% dùng thiết bị hoạt động trên nền tảng iOS của Apple.

Một thị trường rộng mở

Thương mại di động hiện đang được hiểu theo hai cách. Theo nghĩa rộng, đó là tất cả những giao dịch thương mại được khởi đầu bằng công nghệ di động, cụ thể hơn là các phần mềm tích hợp trong các loại thiết bị di động. Các nhà cung ứng liên tục cải tiến để đưa đến cho khách hàng những phần mềm ngày một tiện dụng và hoàn chỉnh hơn, kéo theo phong trào ứng dụng thương mại di động mạnh mẽ hơn trên toàn cầu. Theo nghĩa hẹp, đó là những giao dịch dựa trên tài khoản được cung cấp bởi các công ty khai thác công nghệ di động hay các ngân hàng, mà chúng ta thường gọi là phương thức thanh toán di động. Phương thức thanh toán di động có tầm mức nhỏ hơn, hẹp hơn vì chủ yếu phục vụ nhu cầu mua các hàng hóa, dịch vụ trên mạng thay vì đi đến tận cửa hiệu, siêu thị.

Điện thoại di động và máy tính bảng được đánh giá là những thiết bị điện tử thông dụng nhất trên thế giới, và theo kết quả của hãng Abi Research, thị trường thương mại di động cũng qua đó mà tăng theo cấp số nhân. Từ một mức khởi đầu rất thấp trong những năm 2009-2010, đến năm 2015 doanh số từ thương mại di động được dự báo có thể lên đến 119 tỉ đô la Mỹ, chiếm 8% toàn bộ giá trị thương mại điện tử toàn cầu. Đây không đơn thuần là một dự báo lạc quan mà là sự phản ánh một phong trào.

Các nhà bán lẻ biết rằng khách hàng của họ ngày nay khi rời khỏi nhà không thể không mang theo điện thoại. Một số nền kinh tế phát triển như Nhật Bản đã đi đầu trong thương mại di động và đã tạo nên một thị trường đầy tiềm năng. Doanh số mang lại từ thương mại di động ở Nhật Bản vào năm 2009 là 10 tỉ đô la trong khi ở Mỹ chỉ 1,2 tỉ đô la. Tuy nhiên, hiện tại thị trường thương mại di động ở Mỹ và châu Âu đã lớn mạnh gấp nhiều lần, nhờ vào những cuộc chạy đua của cả nhà công nghệ và nhà bán lẻ.

Công ty nghiên cứu Forrester dự báo sẽ có một giai đoạn tăng trưởng thị trường nhanh chóng ở Mỹ, với doanh số hiện nay vào khoảng 6 tỉ đô la sẽ vọt lên 31 tỉ đô la trong năm 2016, tương đương với 7% tổng giá trị thương mại điện tử của nước này. Trong đó, các sản phẩm chủ lực của thương mại di động gồm dịch vụ du lịch (chiếm 31%), máy tính và thiết bị điện tử (20%), thời trang (13%), sách, nhạc và đĩa DVD (9%), trang thiết bị văn phòng (7%), dụng cụ gia đình (6%), vé xem phim, xem kịch và các sự kiện (3%).

Những nhân tố thúc đẩy

Giới nghiên cứu thị trường đã xác định sáu nhân tố chính tác động đến sự phát triển của thương mại di động trên toàn cầu:

1. Sự gia tăng nhanh chóng lưu lượng thông tin qua Internet di động

Lưu lượng Internet thông qua thiết bị di động mỗi ngày một lớn buộc các công ty bán lẻ phải quan tâm nhiều hơn đến thương mại di động. Họ mở ra nhiều chương trình ứng dụng tích hợp trên chiếc điện thoại và kết quả của việc gia tăng trao đổi thông tin trên Internet di động là sự gia tăng triển vọng bán hàng qua các thiết bị cầm tay này.

Điều đáng nói là tốc độ phát triển như vũ bão của hệ thống mạng xã hội đang tạo ra những nền tảng công nghệ tốt nhất cho Internet di động, nhờ đó mà các thiết bị di động như điện thoại cầm tay hay máy tính bảng trở thành phương tiện mà người sử dụng sẽ nghĩ tới đầu tiên khi muốn thực hiện một giao dịch. Nhiều người nay đã dành nhiều thời gian vào mạng xã hội trên thiết bị di động hơn là trên máy tính để bàn.

2. Quảng cáo và tiếp thị di động bắt đầu gặt hái kết quả

Theo khảo sát của FitForCommerce, có ít nhất 41% các công ty bán lẻ đã gia tăng lợi nhuận nhờ đầu tư vào thương mại di động. Nhưng vẫn còn 32% số nhà bán lẻ không đo được thành quả hay không biết tính toán tỷ suất sinh lợi (ROI) từ những hoạt động này. Các thiết bị di động hoàn toàn khác với máy tính nên khi sử dụng chúng vào hoạt động quảng cáo hay tiếp thị, các công ty bán lẻ cần phải thâm nhập sâu hơn vào tiến trình mua sắm của khách hàng.

Trước khi thực hiện một chiến dịch tiếp thị, các nhà bán lẻ cần phải chú ý đến sự đa dạng trong kỹ thuật lướt web mà hiện có hơn 60 phiên bản dành cho thiết bị di động, sau đó là tốc độ giới hạn của đường truyền và độ phân giải của màn hình thiết bị. Cả ba yếu tố kể trên đều có vai trò quyết định. Nếu sử dụng tin nhắn quảng cáo, nhà bán lẻ cần chú ý đến số ký tự cũng như thời gian thích hợp để gửi tin. Với những kỹ thuật phức tạp hơn, nhà bán lẻ chưa nhất thiết phải sử dụng ngay nhưng cần theo dõi khả năng thâm nhập thị trường của chúng sau này.

Dịch vụ địa lý (PBS) là một ưu thế tuyệt đối của thương mại di động.

3. Dịch vụ địa lý (PBS) tạo ưu thế cho thương mại di động

Việc tích hợp các phần mềm phát hiện vị trí, địa điểm mỗi khi khách hàng sử dụng camera của điện thoại hay máy tính bảng để chụp ảnh hoặc quét mã vạch một món hàng là ưu điểm của thương mại di động. Các công ty bán lẻ nhờ đó mà biết được khách hàng đang ở đâu và muốn tìm mua những mặt hàng gì. Đổi lại, người mua biết mình cần đi đến cửa hiệu nào để mua được sản phẩm ưng ý. Mạng Google cho biết câu hỏi phổ biến của người sử dụng Internet di động là họ có thể mua được thứ gì đó ở đâu, còn công ty nghiên cứu thị trường Pew Research cho hay các dịch vụ liên quan đến vị trí địa lý đang trở nên phổ thông, chiếm đến 28% nhu cầu của những người truy cập mạng từ thiết bị di động.

Đây là cơ hội rất tốt cho các công ty bán lẻ tìm kiếm thêm khách hàng cho các cửa hiệu, cửa hàng hay siêu thị. Theo hãng JiWire, có hơn một nửa số người sử dụng điện thoại di động sẵn sàng cho biết vị trí của họ, đổi lại họ muốn nhận được các nội dung như phiếu khuyến mãi, phiếu giảm giá, thông tin cửa hàng, chỉ dẫn đường đi hay các thông tin liên quan đến sản phẩm họ cần. Với những người trên 34 tuổi, tỷ lệ sẵn sàng cho biết vị trí nơi họ đang đến lên tới 60%, và 29% trong số những người đó muốn có thông tin vị trí mà họ có thể mua được món hàng nào đó trong cự ly một dặm trở lại.

4. Phần mềm ứng dụng di động thúc đẩy thương mại điện tử

App Store và Android Market là hai kho phần mềm ứng dụng di động khổng lồ hiện nay. Trên thực tế, các phần mềm ứng dụng này đã làm thay đổi đến tận căn cơ việc sử dụng thiết bị di động. Chúng đã trở thành thứ máy tính di động luôn theo bên người chứ không đơn thuần là những chiếc điện thoại để nghe-gọi như trước. Nhờ vào các nền tảng mở, các nhà bán lẻ có thể đưa vào đó những phần mềm dành cho công ty mình, từ việc phát hành hóa đơn cho tới ghi điểm thưởng và cung cấp phiếu khuyến mãi.

Có thể nói, các phần mềm ứng dụng di động này làm được tất cả các việc trên điện thoại, thay thế cho những chương trình lập trình nặng nề chỉ có thể cài đặt trên máy tính cá nhân. Người sử dụng điện thoại sẽ chọn cài đặt những phần mềm ứng dụng cần thiết cho họ, trong khi các nhà bán lẻ thi nhau cung cấp những phần mềm tiện ích cho khách hàng. Đây là cuộc chạy đua lớn mà một ứng dụng càng tỏ ra tiện ích thì càng được nhiều người ứng dụng. Theo 148apps.biz, đến cuối năm ngoái, kho ứng dụng App Store chứa hơn 1 tỉ phần mềm, và Android Market vượt quá con số 700.000 chương trình ứng dụng với hơn 25 tỉ lượt khách hàng tải xuống thiết bị di động.

Ước mơ biến điện thoại thành ví tiền ảo nay đã trở thành hiện thực.

5. Điện thoại di động thành ví tiền ảo cho người mua hàng

Biến chiếc điện thoại di động hay máy tính bảng thành một ví tiền ảo là việc làm hết sức sáng tạo. Khoảng 20% số người sử dụng điện thoại thông minh đã cài đặt phần mềm để thực hiện điều này, và hơn 28% số người khác cũng sẽ làm tương tự. Con số này đối với máy tính bảng tương ứng là 25% và 39%.

Lúc đầu việc triển khai ví tiền ảo bị giới hạn bởi số tài khoản do ngân hàng hoặc các công ty khai thác viễn thông cung cấp. Nhưng trong vài năm trở lại đây nó phát triển rất nhanh theo các phần mềm tiện ích, trong đó ví tiền ảo của Square hay Starbucks nhanh chóng được hàng chục triệu người ưa thích sử dụng. Chính vì vậy, công nghệ ví tiền ảo dựa trên phần mềm ứng dụng đang trở thành mục tiêu chạy đua của các thương hiệu lớn nhỏ.

6. Liên kết mã vạch truyền thống vào thương mại di động

Mã vạch đã trở thành phương tiện thanh toán truyền thống nơi các quầy thu ngân của siêu thị hay các cửa hàng. Nhưng nay với các phần mềm ứng dụng di động cùng các tiêu chuẩn thống nhất toàn cầu vốn có của chúng, và với việc mở rộng chức năng mã vạch từ xác định loại hàng và giá cả đến cung cấp thông tin xuất xứ, chất lượng, vận chuyển, bảo quản sản phẩm… thì nó đang trở thành tiện nghi cốt lõi cho thương mại di động thông qua phần mềm quét mã và giải mã.

Số người quét mã vạch trên các sản phẩm bên trong cửa hàng, cửa hiệu hay trên ấn phẩm quảng cáo mỗi ngày một tăng song song với việc họ muốn có những nội dung khuyến mãi thông qua số lần quét mã mà không nhất thiết phải mua món hàng. Các nhà bán lẻ nay rất quan tâm đến việc đem các thông tin sản phẩm của mình lên mã vạch một cách đầy đủ, và đem vào đó các hình thức tính điểm hay phần thưởng khuyến mãi.

______________________________________

Tài liệu tham khảo:

- Mobile Commerce: State of the Industry: http://www.instantshift.com/2013/03/22/mobile-commerce-state-of-the-industry/

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/congnghe/toancanh/96845/