Luật Thủy lợi: Chuyển thủy lợi phí sang giá dịch vụ

Chiều 31-10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trình bày Tờ trình dự án Luật Thủy lợi và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này.

Báo cáo thẩm tra cho rằng dự thảo Luật cần thể hiện cụ thể hơn hơn định hướng về: tập trung đầu tư nâng cấp các hệ thống thủy lợi hiện có, xây dựng và củng cố các công trình ngăn mặn, xả lũ, giữ ngọt, tiêu úng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; về xã hội hóa công tác thủy lợi…

Báo cáo cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một số nguyên tắc như: Việc khai thác công trình thủy lợi phải bảo đảm đồng bộ, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm; Bảo đảm cấp, tiêu thoát nước cho các yêu cầu thiết yếu của con người trong điều kiện bất lợi của khí hậu và thời tiết; Bảo đảm an toàn tính mạng của người dân trong xây dựng, khai thác công trình thủy lợi.

Luật Thủy lợi cần bảo đảm tính khả thi của việc chuyển đổi cơ chế quản lý khai thác công trình thủy lợi từ “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi” (ảnh minh họa)

Tại dự thảo luật, cả 3 loại hình khai thác công trình thủy lợi đều hoạt động theo cơ chế Nhà nước giao công trình, cấp ngân sách cho hoạt động, việc cung cấp dịch vụ thủy lợi theo đặt hàng của Nhà nước nên hầu như các đơn vị này không có động lực để thúc đẩy doanh nghiệp thủy lợi đổi mới quản lý, đầu tư nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, hạn chế thất thoát nước từ công trình đầu mối đến người sử dụng.

Vì vậy, Báo cáo thẩm tra cho rằng dự thảo Luật cần làm rõ thêm một số điểm để bảo đảm tính khả thi của việc chuyển đổi cơ chế quản lý khai thác công trình thủy lợi từ “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi” và hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi.

Trước đó tại Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh việc ban hành Luật Thủy lợi là cần thiết, vì Việt Nam với nền sản xuất nông nghiệp truyền thống là trồng lúa nước nhưng cũng là quốc gia chịu tác động trực tiếp của khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn và cạn kiệt về mùa khô; mưa, bão gây ra lũ, ngập lụt nghiêm trọng vào mùa mưa, những cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ càng làm diễn biến thiên tai phức tạp hơn.

Mặt khác, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và gia tăng dân số cũng như kinh tế-xã hội càng phát triển thì yêu cầu về cấp nước, tiêu nước càng trở nên cấp thiết. Phát triển thủy lợi là phát triển công trình hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng làm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, cấp nước cho dân sinh và các ngành kinh tế khác, tiêu nước, chống ngập lụt góp phần phòng, chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

Dự thảo Luật Thủy lợi gồm 9 Chương, 72 Điều, quy định về hoạt động thủy lợi; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động thủy lợi, quản lý Nhà nước về thủy lợi.

Ngày 14-11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Luật Thủy lợi.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/luat-thuy-loi-chuyen-thuy-loi-phi-sang-gia-dich-vu/706742.antd