Luật sư nói gì về việc phạt xe không chính chủ?

Dư luận đang rất quan tâm đến thông tin từ ngày 01.01.2017, người điều khiểu xe không chính chủ sẽ bị phạt. Tuy nhiên, đây là điều chưa chính xác. Bởi lẽ, theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, thì phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô khi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.

Hiều người điều khiển xe không chính chủ bị phạt là chưa chính xác. Ảnh T.L

Như vậy, đối tượng bị áp dụng là chủ phương tiện khi “mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản” mà không tiến hành thủ tục đăng ký sang tên xe chứ không phải “người điều khiển phương tiện”.

Việc mượn xe, thuê xe hay vợ chồng điều khiểu xe của nhau, con lấy xe bố, mẹ để di chuyển… là quan hệ dân sự, điều này không phát sinh thủ tục hành chính là “thủ tục đăng ký sang tên xe” cho nên không có chuyện phạt vi phạm lỗi này như nhiều bạn đọc hiểu nhầm.

Theo tôi, trong bối cảnh tình hình an ninh trật tự ngày càng phức tạp, việc quản lý phương tiện trong trường hợp có tai nạn giao thông hay truy tìm tội phạm thì siết chặt “sang tên đổi chủ” là cần thiết. Quy định này đã có từ trước tại điểm a, khoản 1, Điều 33 Nghị định 34/2010/NĐ-CP và điểm b, khoản 1, Điều 30 Nghị định 171/2013/NĐ-CP.

Cơ quan chức năng cũng đã đơn giản hóa thủ tục hành chính để người dân dễ dàng tiến hành thủ tục “sang tên đổi chủ” theo quy định. Việc sang tên xe sẽ giúp cá nhân, cơ quan tổ chức xác lập quyền sở hữu hợp pháp đối với phương tiện, tránh được các tranh chấp tài sản không đáng có. Dưới góc độ người bán, tặng cho, phân bổ, điều chuyển phương tiện, việc đăng ký sang tên cho người mua/ người nhận sẽ giúp mình tránh được các rắc rối về mặt pháp lý xảy ra sau khi đã bán, tặng cho, phân bổ, điều chuyển phương tiện.

Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính.

Ảnh T.L

Cũng theo quy định của Điều 12, Thông tư 01/2016/TT-BCA thì Cảnh sát giao thông chỉ được phép dừng phương tiện để kiểm soát trong 5 trường hợp như phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cấp trên… Vì vậy, lỗi “không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định” chỉ áp dụng trong quá trình giải quyết vi phạm giao thông hay qua công tác quản lý hồ sơ hành chính.

Về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính thì theo điểm đ, khoản 1, Điều 3 Luật Xử lý Vi phạm hành chính năm 2012: “Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính”. Nên trách nhiệm chứng minh phương tiện này không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định là của người lập biên bản/ra quyết định xử phạt hành chính, còn người điều khiển phương tiện không có trách nhiệm chứng minh.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Cty Luật TNHH Đức Chánh

Luật sư Nguyễn Đức Chánh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tu-van-phap-luat/luat-su-noi-gi-ve-viec-phat-xe-khong-chinh-chu-611983.bld