Luật sư Nguyễn Hoàn Thành: Thiếu cơ sở pháp lý để thu phí tác quyền bài hát đối với phòng khách sạn sử dụng tivi

Theo Luật sư Nguyễn Hoàn Thành, trước hết Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cần kiến nghị với Bộ Tài chính để ban hành thông tư quy định chi tiết về thu phí bản quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc để làm căn cứ thu phí. Việc Trung tâm tự đưa ra một mức phí như hiện nay là thiếu cơ sở pháp lý.

Phí sử dụng tác phẩm âm nhạc: Tính theo số phòng, số chỗ ngồi và diện tích kinh doanh

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) từ đầu tháng 5/2017 đã ra “tối hậu thư” cho hàng trăm khách sạn 1-3 sao tại Đà Nẵng thông báo “chủ doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh sử dụng âm nhạc khẩn trương liên hệ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh”. Một trong những khoản thu được đưa ra là “phòng ngủ/phòng khách có sử dụng tivi” với mức giá 25.000 đồng/phòng/năm. "Tối hậu thư" này đã gây xôn xao dư luận trong mấy ngày qua.

Thực chất việc thu phí thực thi quyền âm nhạc đối với các cơ sở kinh doanh không phải mới mà đã diễn ra nhiều năm nay. Bà Phan Tuyết Băng, Chủ nhà hàng Hoa Ban (huyện Nhà Bè, TP.HCM) cho hay, từ tháng 8/2014 bà cũng nhận được công văn của Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc chi nhánh phía Nam do nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn ký, cũng với nội dung thu phí sử dụng các tác phẩm âm nhạc. Theo biểu phí gửi kèm áp dụng tại huyện Nhà Bè, mỗi phòng Karaoke, phòng thu âm ở thị trấn đóng 1.760.000 đồng/phòng/năm, ở xã đóng 1.320.000 đồng/phòng/năm từ phòng thứ 1-4, còn từ phòng thứ 5-10 áp dụng 80%, từ phòng thứ 10 trở đi áp dụng 70%.

Đối với nhà hàng, quán café - giải khát mức phí được tính theo chỗ ngồi. Từ 1-30 chỗ ngồi mức phí là 2.750.000 đồng/năm khi chỉ sử dụng bản ghi âm, ghi hình, còn đối với sử dụng kèm nhạc sống (hát với nhau) thì mức thù lao tăng lên là 4.950.000 đồng/năm. Những cơ sở hơn 30 chỗ ngồi thì mỗi chỗ ngồi tăng thêm đóng 77.000 đồng/năm (khi chỉ sử dụng bản ghi âm, ghi hình),143.000 đồng/năm (khi sử dụng thêm cả nhạc sống).

Cũng theo biểu phí này, nhà nghỉ, khách sạn, khu nghỉ mát có sử dụng tivi đóng 27.500 đồng/phòng/năm; các câu lạc bộ thẩm mỹ, trung tâm chăm sóc sức khỏe đóng phí sử dụng tác phẩm âm nhạc tối thiểu từ 2.200.000 đồng/năm tùy theo diện tích; các cửa hàng kinh doanh khác có sử dụng bản ghi âm, ghi hình thu phí thù lao từ 550.000 đồng/năm trở lên tùy theo diện tích mặt bằng kinh doanh.

Vì cho rằng việc áp một mức phí bản quyền như trên là không có cơ sở nên bà Phan Tuyết Băng đã kiên quyết không đóng khoản phí vô lý này. “Nhà hàng tôi chuyên về ăn uống, không kinh doanh ca nhạc, tôi chỉ có 1 tivi màn hình lớn để sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền của VTC, tôi đã đóng phí truyền hình hàng năm, thêm vào đó cơ sở của tôi chỉ chủ yếu mở các kênh thể thao nên không thể nào bắt tôi đóng phí bản quyền xem âm nhạc theo số chỗ ngồi được”, bà Tuyết Băng phát biểu.

Biểu thu phí sử dụng âm nhạc tại huyện Nhà Bè, TP.HCM

Chưa có quy định của nhà nước về mức phí bản quyền âm nhạc

Luật sư Nguyễn Hoàn Thành (Văn phòng Luật tư Thành và cộng sự) cho rằng, hiện tại vẫn chưa có quy định pháp luật nào của nhà nước về mức thu phí bản quyền của người sử dụng tác phẩm âm nhạc để kinh doanh, cơ sở pháp lý chưa rõ nên chưa có căn cứ để VCPMC đưa ra các mức phí áp với các cơ sở kinh doanh.

“Theo tôi thì VCPMC cần kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền như là Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để ban hành một quy định hay thông tư về mức phí cũng như xác định đối tượng thu phí, thu bao nhiêu, thu theo tần suất thế nào. Khi đó mới có căn cứ để triển khai thu phí được,chứ hiện nay VCPMC tự đưa ra một mức phí như vậy là không có cơ sở pháp lý”, Luật sư Thành nói.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Hoàn Thành, Luật có quy định chung khi sử dụng tác phẩm âm nhạc để kinh doanh thì phải trả phí bản quyền, nhưng phải có văn bản hướng dẫn người kinh doanh sử dụng thế nào thì phải đóng phí, mức phí bao nhiêu và phải có thỏa thuận trước với chủ sở hữu quyền.

Ví dụ, thuê bao truyền hình cáp họ dùng tivi trong các hộ gia đình, hoặc để tivi trong phòng khách sạn thì không thể thu phí bản quyền âm nhạc được. Còn nếu thuê bao truyền hình cáp đó đặt ở quán cafe phục vụ cho mục đích kinh doanh, làm gia tăng giá trị dịch vụ thì có thể tính toán việc thu phí. Ví dụ, các hãng truyền hình mua bản quyền bóng đá, các quán café bóng đá có thu thêm tiền phí của khách uống café vào thời điểm có các trận bóng hấp dẫn thì khi đó có thể thu thêm phí bản quyền. Tuy nhiên, ở trường hợp này thì nhà cung cấp truyền hình trả tiền sẽ thu thêm phí chứ không phải là đơn bị sở hữu bản quyền phát sóng. Hiện nay, các hãng truyền hình trả tiền Việt Nam cũng chưa tính chuyện thu phí kiểu này.

Tương tự âm nhạc cũng vậy, nếu các phòng trà, quán café có sử dụng dịch vụ truyền hình cáp, mở nhạc cho khách nghe và thu thêm phí thì đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình có thể đề nghị thu thêm phí dịch vụ, nhưng phải là sự thỏa thuận trước giữa hai bên.

Còn đối với việc sử dụng băng đĩa ca nhạc, nếu người sử dụng mua băng đĩa nhạc về nghe thì không phải trả tiền, nhưng nếu các phòng trà, vũ trường, quán café mua đĩa nhạc mở lên nhằm mục đích kinh doanh thì phải thêm trả tiền tác quyền. Nguyên tắc khi sử dụng băng đĩa âm nhạc thì không phải xin phép, còn mức đóng phí bản quyền bao nhiêu phải theo mức lệ phí do nhà nước quy định và phải có thỏa thuận giữa hai bên. Người được phép thu phí phải là tác giả hoặc đơn vị được tác giả ủy quyền.

Luật sư Nguyễn Hoàn Thành cho biết thêm, ở Mỹ có quy định với mỗi một băng đĩa bán ra thì nhà phát hành phải đóng 1 USD phí bản quyền nộp về Trung tâm thu phí bản quyền. Phí bản quyền này sẽ được chia cho nhiều sở hữu quyền liên quan gồm: Nhạc sĩ, người biểu diễn, ghi âm, ghi hình, nhà thơ.

Việc thu phí bản quyền cần áp dụng thu phí một cục, kể cả băng đĩa, trên truyền hình hay Karaoke cũng vậy, nếu tính chuyện thu phí theo số lượng tivi, theo số phòng hát Karaoke, số ghế ngồi ở nhà hàng như cách VCPMC đang triển khai thì người sử dụng tác phẩm âm nhạc để kinh doanh sẽ “chết” bởi với một tác phẩm âm nhạc nếu nhạc sĩ đòi được tiền tác quyền, rồi đến nhà ghi âm, ghi hình, nhà văn, người biểu diễn cũng có thể lên tiếng đòi thu phí tác quyền.

Luật sư Nguyễn Hoàn Thành.

Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số: Thu phí bản quyền âm nhạc từng chiếc tivi là thiếu căn cứ!

Trả lời phỏng vấn ICTnews vào sáng nay, ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng: “Việc thu tiền bản quyền tới từng chiếc tivi trong nhà hàng, khách sạn như trên là thiếu căn cứ. Nếu theo cách lý giải của VCPMC thì rất nhiều chủ sở hữu bản quyền như phim ảnh, thể thao họ cũng sẽ đòi tiền bản quyền các chủ cơ sở kinh doanh có sử dụng truyền hình. Trong trường hợp này, nếu VCPMC cảm thấy bị thiệt thòi thì phải đi làm việc với các nhà đài hoặc các nhà sản xuất kênh truyền hình để thỏa thuận thêm về phí bản quyền, chứ không nên tính chuyện thu phí người sử dụng dịch vụ”, ông Lâm Thanh nói.

Ông Nguyễn Lâm Thanh bổ sung thêm, VCPMC chỉ có thể trao đổi với chủ khách sạn, nhà hàng và các cơ sở kinh doanh về việc thu phí bản quyền các hoạt động kinh doanh ngoài trời hoặc ở sảnh khách sạn có sử dụng âm nhạc như các sự kiện, tiệc ngoài trời, tiệc cưới chẳng hạn. Nhưng phải trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên.

Theo phân tích của ông Nguyễn Lâm Thanh, khi các cơ sở khách sạn ký hợp đồng sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền thì âm nhạc chỉ là một phần nội dung trong số các chương trình truyền hình. Về bản quyền nội dung trên truyền hình, bản thân các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình, các nhà sản xuất kênh truyền hình phải lo chuyện mua bản quyền. Truyền hình có rất nhiều nội dung, âm nhạc chỉ là một phần nội dung thôi, các hãng truyền hình trả tiền đã phải trả tiền bản quyền cho rất nhiều nội dung như phim ảnh, thể thao, âm nhạc, cho nên khách sạn mua dịch vụ truyền hình trả tiền cung cấp cho khách hàng sẽ không phải trả phí bản quyền nữa.

Khôi Nguyên

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/vien-thong/so-hoa-truyen-hinh/luat-su-nguyen-hoan-thanh-thieu-co-so-phap-ly-de-thu-phi-tac-quyen-bai-hat-doi-voi-phong-khach-san-su-dung-tivi-153299.ict