Luật sư bào chữa có thể khẳng định 'Trịnh Xuân Thanh đang đi du lịch'

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh khi góp ý về khái niệm trong dự luật Du lịch.

Khi khái niệm này không thể hiện được bản chất của du lịch là rời khỏi nơi cư trú một cách hợp pháp.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, ngày 19.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về dự án Luật Du lịch (sửa đổi).

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Du lịch (sửa đổi), sau 10 năm thi hành, Luật Du lịch đã tạo ra bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức về quản lý và phát triển du lịch. Tạo hành lang pháp lý quan trọng để tập trung nguồn lực đầu tư của xã hội, góp phần hình thành hệ thống sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới; thúc đẩy giao lưu, hợp tác du lịch giữa Việt Nam với các nước trên thế giới…

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, quá trình triển khai Luật Du lịch đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành du lịch; nổi lên là Luật Du lịch có một số nội dung chưa tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành.

Đồng thời, một số nội dung quy định trong Luật Du lịch chưa rõ ràng, tạo ra cách hiểu khác nhau, hoặc thiếu tính khả thi, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật, triển khai trên thực tế; quy định về tuyến du lịch không còn phù hợp với thực tế; quy định của Luật Du lịch về cơ sở lưu trú du lịch còn có bất cập, hạn chế; một số khái niệm, thuật ngữ quy định trong Luật Du lịch chưa chính xác, rõ ràng.

Cho ý kiến về khái niệm "du lịch", ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cho biết, dự thảo luật này nghiêng về việc quản lý công dân nước ngoài vào Việt Nam và người Việt Nam đi du lịch ở nước ngoài nhiều hơn chứ còn người Việt Nam đi du lịch ở trong nước thì ít.

Theo Khoản 1, Điều 3 dự thảo Luật Du lịch, vấn đề du lịch được định nghĩa là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tham dự hội nghị, hội thảo hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác.

Như vậy, áp dụng vào trường hợp của Trịnh Xuân Thanh, ông Bộ cho rằng luật sư bào chữa hoàn toàn có thể khẳng định "Trịnh Xuân Thanh đang đi du lịch". Ông Bộ cho rằng, cách giải thích từ ngữ tại dự Luật không thể hiện được bản chất của du lịch là rời khỏi nơi cư trú một cách hợp pháp.

Cùng góp ý cho dự luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, khái niệm du lịch vẫn kế thừa khái niệm cũ như vậy thì chưa phải là ngành tổng hợp. Khái niệm du lịch chỉ như thế thì bị hạn chế.

Theo ông Định, ngành du lịch những năm qua có phát triển nhưng rất thấp so với tiềm năng, sự phối hợp với các ngành chưa tốt và cần phải xử lý những vấn đề liên quan đến ngành khác như liên quan đến vấn đề xuất nhập cảnh.

Ông Định dẫn ra ví dụ, khi Luật Xuất nhập cảnh bắt đầu có hiệu lực, có đoàn du lịch mấy ngàn người đi vào nhưng không nhập cảnh được, phải họp mất mấy hôm. Hoặc vấn đề visa, các nước người ta miễn rất nhiều nhưng mình thì miễn vài nước và có thời gian nhất định…

Góp ý cho dự luật, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần có các quy định cụ thể hơn trong việc xử lý các hành vi tiêu cực trong hoạt động du lịch và cần có danh sách cụ thể các hành vi. Hiện này mới liệt kê một số hành vi như tranh giành khách, chèn ép khách … như trong dự luật là chưa đủ.

Đồng thời với đó, dự luật cũng chưa có nội dung nào khẳng định vai trò của cơ quan dân cử này trong hoạt động quản lý nhà nước về du lịch. Dự thảo luật cũng cần hết sức quan tâm xây dựng những quy định cụ thể liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan công quyền trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch; khuyến khích người dân, cộng đồng thực hiện các hoạt động giới thiệu, quảng bá du lịch; gắn phát triển du lịch với giảm nghèo bền vững...

Trí Lâm

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/luat-su-bao-chua-co-the-khang-dinh-trinh-xuan-thanh-dang-di-du-lich-43177.html