Luật “sinh ra" để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển chứ không phải “hành"

(HQ Online)- “Luật đặt ra là quản lý có hiệu quả, tạo hành lang pháp lý bảo vệ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển chứ không phải sinh ra một loại giấy phép con mới để “hành doanh nghiệp”, cần phải làm rõ mục tiêu quản lý của Nghị định này”.

Khai thác khoáng sản đang tồn tại nhiều bất cập. Ảnh internet.

Đây là ý kiến của ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương trong buổi làm việc với các thành viên ban soạn thảo Nghị định quản lý hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản.

Ông Trần Tuấn Anh chia sẻ, những ngày qua ông đã đọc tất cả các ý kiến đóng góp từ VCCI, báo chí, doanh nghiệp… và ông cảm thấy rất đau xót trước những ý kiến cho rằng Bộ Công Thương vì doanh nghiệp lớn giết chết doanh nghiệp nhỏ hay Luật xây dựng trên cơ sở lợi ích nhóm.

Mục tiêu xây dựng dự thảo là nhằm tạo cơ sở cho doanh nghiệp phát triển, bảo vệ môi trường, an toàn người lao động, bảo tồn tài nguyên quốc gia. Mục đích tốt đẹp nhưng bị nhìn nhận sai như vậy có phần lỗi của Ban soạn thảo khi chưa công khai minh bạch thông tin, chưa rộng đường dư luận để mọi thành phần trong xã hội có thể đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định.

“Khi vẫn còn những phàn nàn, ý kiến trái chiều chưa đồng thuận tức là vẫn còn vấn đề, Ban soạn thảo cần tiếp thu cân nhắc chỉnh sửa. Chúng ta không sợ chậm. Tôi không ngại phải lên giải trình với Chính phủ vì việc chậm ban hành, mà chỉ sợ quy định đưa ra không hợp lòng dân, không đúng mục tiêu về Chính phủ kiến tạo, xóa bỏ các rào cản để doanh nghiệp phát triển. Tôi rất mừng vì ban soạn thảo đã lắng nghe và sửa đổi nhiều điểm trong dự thảo. Mục đích xây dựng nghị định của chúng ta là tốt nhưng cách đặt vấn đề của chúng ta vẫn chưa sát cần phải tư duy lại và thay đổi. Luật đặt ra là quản lý có hiệu quả, tạo hành lang pháp lý bảo vệ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển chứ không phải sinh ra một loại giấy phép con mới để “hành doanh nghiệp”, cần phải làm rõ mục tiêu quản lý của Nghị định này”, Ông Trần Tuấn Anh nói.

Trong văn bản góp ý gửi Bộ Công Thương, VCCI cho rằng, cần làm rõ vấn đề tại sao Nhà nước lại can thiệp vào việc doanh nghiệp chế biến, vận chuyển, lưu trữ và kinh doanh một thứ, vốn là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của doanh nghiệp? Vì sao có rất nhiều loại nguyên liệu thô đầu vào của sản xuất như nước thiên nhiên, dầu mỏ, khí tự nhiên, gỗ rừng tự nhiên, thủy sản tự nhiên… mà chỉ riêng khoáng sản lại có quy định quản lý?.

Một vấn đề đáng chú ý được cơ quan này góp ý là, hiện nội dung mà pháp luật chưa đầy đủ trong quản lý khoáng sản do đó cần bổ sung quy định truy suất nguồn gốc khoáng sản hay hồ sơ khoáng sản.

Nói cách khác, các quy định pháp luật để bảo đảm khoáng sản được đưa vào chế biến, sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và kinh doanh phải có nguồn gốc hợp pháp để phân biệt với khoáng sản được khai thác trái phép (không có giấy phép hoặc vượt sản lượng nộp thuế) được xuất khẩu, vận chuyển, buôn bán hoặc đưa vào chế biến, sản xuất mà không được kiểm soát đầy đủ.

Hiện nay có tình trạng khoáng sản khai thác trái phép (không có giấy phép hoặc vượt sản lượng nộp thuế) được xuất khẩu, vận chuyển, buôn bán hoặc đưa vào chế biến, sản xuất mà không được kiểm soát đầy đủ. Đây là vấn đề chưa có công cụ quản lý một cách phù hợp, mới chỉ được thể hiện rất sơ sài trong Dự thảo và tiếp tục giao Bộ Công Thương quy định chi tiết.

VCCI cho rằng, quy định này tương tự như quy định về hồ sơ gỗ hay chứng nhận nguồn gốc thủy sản được áp dụng đối với một số loại tài nguyên thiên nhiên khác. Kinh nghiệm quản lý các loại tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia phát triển cho thấy, một trong những biện pháp hiệu quả nhất để chống lại việc khai thác trái phép là kiểm soát chặt về nguồn gốc tài nguyên trong các giai đoạn vận chuyển, buôn bán, sử dụng sau này.

Ví dụ, gỗ và sản phẩm nội thất từ gỗ phải có hồ sơ lâm sản thì mới được nhập khẩu, buôn bán tại Hoa Kỳ, hay thủy sản phải được chứng nhận nguồn gốc thủy sản hợp pháp (không phải thủy sản bị đánh bắt tại ngư trường đã quá tải) thì mới được nhập khẩu vào châu Âu. Việt Nam cũng đã áp dụng các kinh nghiệm này để quản lý gỗ và sắp tới là thủy sản được kinh doanh tại nội địa.

Trước mắt, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu Vụ Công nghiệp nặng có văn bản trả lời Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) về những ý kiến đóng góp cho dự thảo. Điểm nào chưa được thì tiếp thu chỉnh sửa hoặc bãi bỏ, quy định nào cần giữ phải có giải trình rõ ràng. Bên cạnh đó, các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương cần nhanh chóng gửi ý kiến đóng góp cho dự thảo trên cơ sở “đặt mình vào doanh nghiệp” để thấy rằng vướng mắc ở đâu, lỗ hổng chỗ nào, các tổ chức xã hội nhìn nhận đánh giá đến đâu.

Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cần tiếp thu những cách thức quản lý mà nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công để xây dựng dự thảo cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/luat-de-ra-de-thuc-day-doanh-nghiep-chu-khong-phai-hanh-doanh-nghiep.aspx