Luật quy hoạch phải đề phòng các cuộc tấn công lớn từ phía biển

Phó tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Sỹ Hội cho biết lịch sử đã chứng minh các cuộc tấn công lớn đều từ phía biển vì vậy cần quy hoạch vùng biển chặt chẽ, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Sáng 26/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An, Phó tư lệnh Quân khu 4)) cho hay về lĩnh vực quy hoạch không gian biển có nội dung liên quan đến quốc phòng - an ninh nhưng chưa được đề cập đến, chỉ mới quy hoạch hệ thống cảng biển quốc gia do Bộ Giao thông Vận tải lập và 2 quy hoạch do Bộ Quốc phòng lập là quy hoạch đất quốc phòng cùng quy hoạch các công trình quốc phòng, kho tàng.

Phòng thủ đất nước từ hướng biển

Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Hội nhìn nhận quy hoạch không gian biển, trong đó có nội dung phục vụ cho lĩnh vực an ninh - quốc phòng còn bỏ ngỏ, chưa thấy cơ quan nào chịu trách nhiệm quy hoạch không gian biển.

Trong giải trình, định hướng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định không gian biển là không gian mở, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là an ninh, quốc phòng. Nhưng ở điều 24 có 3 khoản thì nội hàm của 3 khoản về lĩnh vực quốc phòng an ninh chưa cụ thể. Ở khoản 2 điểm b chỉ mới đề cập rất chung chung. Lĩnh vực cần bảo vệ đặc biệt cho quốc phòng, an ninh theo ông chưa thỏa đáng.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An). Ảnh: N.A.

Phó tư lệnh Quân khu 4 cho biết từ thế kỷ X tới nay, dân tộc ta đã đương đầu với các nhiều ngoại xâm từ hướng biển. Hiện, trong điều kiện khoa học - kỹ thuật phát triển, phương tiện quân sự, vũ khí tác chiến trên biển ngày càng hiện đại, đa dạng.

"Do vậy, từ thời bình, nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ bờ biển ở các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh phải được chuẩn bị căn cơ và chu đáo mà công tác quy hoạch không gian biển theo tôi là nhiệm vụ trọng tâm", thiếu tướng Nguyễn Sỹ Hội nói.

Đại biểu đoàn Nghệ An cho biết các đơn vị quân đội chúng ta thực hiện diễn tập khu vực phòng thủ có sử dụng vũ khí hạng nặng, bắn đạn thật trên biển hoặc tập kết các phương tiện, tàu thuyền để triển khai nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo còn gặp khó khăn cả về độ an toàn, yếu tố bí mật, lực lượng, phương tiện.

Thiếu tướng Hội đề nghị tại dự luật này nên có một điều hoặc khoản trong quy hoạch không gian biển có nội dung kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với quốc phòng an ninh và tại điều 64 có một khoản về cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì quy hoạch không gian biển.

Ông cũng nhìn nhận, đất nước đang mở cửa, hội nhập sâu rộng, việc khai thác nguồn lực, tài nguyên giữa đất liền và biển là tất yếu nhưng nếu công tác quy hoạch tổng thể quốc gia không được chuẩn bị chu đáo, tính toán căn cơ.

"Những khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh đều triển khai làm khu kinh tế, khu công nghiệp. Các nhà máy hoặc bến cảng, vùng vịnh đều được liên doanh, liên kết, tư nhân hóa thì chúng ta và con cháu gặp khó khăn trong nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, nhất là chiến lược phòng thủ đất nước từ hướng biển", Phó thư lệnh quân khu 4 chia sẻ.

Ngăn chặn lợi ích nhóm trong quy hoạch

Đại biểu Quốc hội Lê Công Đỉnh. Ảnh: NA.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đánh giá dự thảo lần này khá hoàn chỉnh, công phu tuy nhiên cần đưa ra các nguyên tắc đầy đủ để ngăn ngừa tình trạng lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm khi làm quy hoạch.

Vì vậy, đại biểu Tám đề nghị xem xét bổ sung mục tiêu của hoạt động quy hoạch phải vì sự phát triển kinh tế của đát nước và phù hợp với các luật, các điều ước quốc té.

Cùng góp ý với đại biểu Tô Văn Tám, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) cũng đề nghị ngăn chặn hành vi tham nhũng trong hoạt động quy hoạch. Vì vậy trong luật cần liệt kê tất cả hành vi đã được quy định trong Bộ Luật phòng, chống tham nhũng để cụ thể hóa.

VIDEO: Bộ trưởng Kế hoạch và Đâu tư Nguyễn Chí Dũng nói về Luật Quy hoạch

Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng để ban hành Luật Quy hoạch cần sửa 32 luật cần sửa đổi, bổ sung các điều liên quan cho phù hợp.

Công Khanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/luat-quy-hoach-phai-de-phong-cac-cuoc-tan-cong-lon-tu-phia-bien-post749591.html