Luật pháp quốc tế là chìa khóa để giải quyết xung đột ở biển Đông

Hôm nay (29/11) tại Hà Nội diễn ra Hội thảo “Hướng đến những vùng biển mở và tự do tại châu Á: Hợp tác quốc tế và thượng tôn pháp luật”.

Tham dự Hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản, Anh, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam đã thảo luận tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và an ninh tại các vùng biển trong khu vực, cũng như đề xuất các cơ chế hợp tác quốc tế thiết thực nhằm thúc đẩy việc tôn trọng luật pháp quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông, nói rằng: “Trong tình hình khó khăn như hiện nay, cộng đồng quốc tế đang đối mặt với một câu hỏi khó đó là họ muốn hòa bình, ổn định và thịnh vượng hay hỗn loạn, bất ổn và khổ đau. Nếu muốn hòa bình, ổn định và thịnh vượng, chúng ta cần phải duy trì thượng tôn pháp luật và tôn trọng luật pháp quốc tế.”

Hội thảo “Hướng đến những vùng biển mở và tự do tại châu Á: Hợp tác quốc tế và thượng tôn pháp luật”.

Trong 3 phiên thảo luận, các chuyên gia đã trao đổi quan điểm về phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc và tác động của nó tới sự thượng tôn pháp luật trên biển, trong đó nhấn mạnh tác động của phán quyết đối với các quốc gia Châu Á và các nước không phải là Châu Á cũng như ảnh hưởng của phán quyết tới hòa bình và ổn định ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trong phiên thảo luận thứ hai, các chuyên gia trao đổi kinh nghiệm về việc điều chỉnh lợi ích quốc gia theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Với chủ đề “Hợp tác trong tương lai vì hòa bình và ổn định”, các đại biểu đưa ra các đề xuất về sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm thúc đẩy và khuyến khích việc thượng tôn pháp luật.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Anh Giles Lever nhấn mạnh: “Ổn định trong khu vực là mối quan tâm toàn cầu và luật pháp quốc tế là chìa khóa để giải quyết xung đột. Đối với nước Anh, việc tuân thủ nguyên tắc thượng tôn pháp luật và Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS) là vô cùng quan trọng đối với các giá trị và chính sách của Anh.” Đại sứ Giles Lever cũng chia sẻ kinh nghiệm của Anh trong việc tôn trọng thượng tôn pháp luật, đặc biệt là UNCLOS.

Trước khi diễn ra Hội thảo, giáo sư luật quốc tế của Nhật Bản Hamamoto Shotaro thuộc trường Đại học Kyoto (Nhật Bản) cho biết phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là một động thái tích cực khi nó có thể thay thế việc sử dụng vũ lực. Giáo sư Hamamoto Shotaro cho biết, phán quyết đã làm cho tình hình sáng rõ khi khẳng định đường 9 đoạn không có cơ sở theo UNCLOS. Đồng thời, việc phán quyết khẳng định không có thực thể nào tại Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế mà chỉ có lãnh hải sẽ góp phần tích cực vào quá trình đàm phán giữa các bên về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

GS Hamamoto Shotaro.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có nhiều động thái nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc khiến cho dư luận khó đoán về chính sách của Philippines sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết. Về điều này, Giáo sư Hamamoto Shotaro nhận định, Philippines có thể không đề nghị Trung Quốc thực thi phán quyết của Tòa mà có thể có thỏa thuận riêng với Trung Quốc để từng bước tháo gỡ tranh chấp.

Ngư dân Philippines có truyền thống đánh cá xung quanh Scarbourough vì thế chính quyền Philippines có thể yêu cầu Trung Quốc công nhận 1 số quyền đánh cá của ngư dân Philippines. Đổi lại, Philippines có thể chấp nhận một số giới hạn trong đánh cá và quyền đánh cá. Tuy nhiên, giáo sư Hamamoto Shotaro cũng khẳng định rằng, cho dù Trung Quốc và Philippines có thể đạt được thỏa thuận về một số vấn đề, thậm chí thỏa thuận này có thể không thống nhất với phán quyết của Tòa trọng tài thì phán quyết này vẫn giữ nguyên giá trị. Phán quyết của Tòa trọng tài vẫn có ảnh hưởng rất lớn đối với các vụ kiện sau này và Chính phủ các quốc gia khác vẫn có thể sử dụng phán quyết này./.

Việt Nga/VOV1

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/luat-phap-quoc-te-la-chia-khoa-de-giai-quyet-xung-dot-o-bien-dong-573606.vov