Luật hỗ trợ DNNVV: Không trọng tâm, khó khả thi

Dàn trải, thiếu trọng tâm trong khi nguồn lực có hạn sẽ khiến cho dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV khó khả thi. Đó là nhận định được nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội nêu ra ngày 8-11 khi thảo luận về dự luật này.

Hỗ trợ chung chung

Theo ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), dự thảo quy định về từng nhóm biện pháp hỗ trợ DNNVV nhưng câu hỏi đặt ra các biện pháp hỗ trợ đó có thực sự có ý nghĩa hỗ trợ? Dự thảo hầu như chỉ nêu tên các biện pháp hỗ trợ mà không có quy định cụ thể nào về nội dung, chủ thể, cách thức thực hiện biện pháp đó. Thí dụ, hỗ trợ tài chính (hỗ trợ thuế suất thuế thu nhập DN trong Điều 11 và 12), dự thảo quy định DNNVV được áp mức thuế suất thấp hơn mức thông thường, nhưng thấp hơn bao nhiêu, pháp luật về thuế có phải sửa đổi để thực thi quy định này, và khi sửa đổi căn cứ vào đâu để quy định mức thấp hơn? Tại sao không quy định rõ tỷ lệ thấp hơn ở đây? Hay như hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ, dự thảo chỉ liệt kê ra các biện pháp hỗ trợ, không có bất kỳ quy định nào về việc ai sẽ thực hiện các biện pháp hỗ trợ này cũng như cách thức thực hiện biện pháp hỗ trợ

ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) băn khoăn về dự luật này đưa ra chính sách hỗ trợ dàn trải, không trọng tâm trọng điểm. Hiện gần 98% DN là DNNVV và nếu hỗ trợ đồng đều sẽ không tạo động lực thực sự cho DN khởi nghiệp, sáng tạo có sản phẩm thực sự. Bên cạnh đó còn có thể gây ra những bất cập như lập DN xong để thực hiện một số dự án, chuyển giá, trốn thuế sau đó giải tán. Theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), hỗ trợ chỉ mang tính ngắn hạn có thời điểm, trong khi luật ổn định, lâu dài. Do đó cần thận trọng khi ban hành luật này, nếu hỗ trợ có thể ở các văn bản khác. Bên cạnh đó, khi ngân sách đang gặp khó khăn, nguồn lực lấy từ đâu để đưa nhiều hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất, cung cấp thông tin… khi những hỗ trợ này đều quy ra tiền. Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội Hà Nội Ngọ Duy Hiểu, chia sẻ chính sách hỗ trợ hộ nghèo rất nhân văn nhưng khi đi kiểm tra có những người gia đình khá giả nhưng vẫn nhận hỗ trợ. Điều này có thể tương tự nếu chính sách hỗ trợ với DN nhỏ không cẩn thận sẽ khiến DN không muốn lớn. “Tôi đi cơ sở, nhiều DN cho biết, họ chỉ cần minh bạch, không bị hành là lý tưởng lắm rồi” - ông Hiểu nói.

Nếu hỗ trợ đồng đều sẽ không tạo động lực thực sự cho DN khởi nghiệp.

Dễ tạo độc quyền

Điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, là việc sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô được đưa vào ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho biết nội dung này còn một số ý kiến khác nhau. Thứ nhất là căn cứ vào chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 nên đề nghị bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Thứ hai là đề nghị làm rõ việc bổ sung này là xuất phát từ lợi ích của người dân, DN hay yêu cầu quản lý nhà nước và có đảm bảo tính bình đẳng, phổ quát của pháp luật không. Hiện nay, việc sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu nhiều phương tiện giao thông đều không quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; việc bảo đảm an toàn cho người sử dụng được thực hiện thông qua công tác đăng kiểm định kỳ. Mặt khác nếu coi nhập khẩu ô tô là ngành, nghề cần hạn chế kinh doanh tại sao không hạn chế việc nhập khẩu xe máy và các phương tiện giao thông khác.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), cho rằng ô tô là sản phẩm tích hợp công nghệ phức tạp, đòi hỏi độ an toàn cao vì liên quan đến an toàn tính mạng của nhiều người tham gia giao thông, chất lượng ô tô còn liên quan tới bảo vệ môi trường. Vì vậy, các nhà sản xuất, nhập khẩu ô tô phải đảm bảo chất lượng ô tô không chỉ khi xuất xưởng, mà còn trong suốt quá trình sử dụng xe. Xe nhập khẩu không chính hãng không được hưởng các điều kiện bảo hành, bảo dưỡng theo đúng yêu cầu kỹ thuật của hãng xe; không phù hợp với điều kiện sử dụng tại Việt Nam như khí hậu, thời tiết, tiêu chuẩn đường sá, nhiên liệu... cũng là nguyên nhân tiềm tàng gây mất an toàn, ảnh hưởng tới môi trường. Đồng tình với tờ trình và thẩm tra về bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ĐB Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) phân tích, việc này nhằm tránh khuyến khích nhập khẩu mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và có nguy cơ biến nước ta thành bãi rác công nghiệp nếu chúng ta khuyến khích. Thậm chí có thể biến tướng trong việc nhập khẩu xe mới, cũ.

ĐB Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) cho rằng, một số lý do nêu trong tờ trình của Chính phủ đề nghị bổ sung sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu ô tô vào ngành kinh doanh có điều kiện là chưa thuyết phục. Bởi lẽ, nhập khẩu ô tô nếu đưa vào kinh doanh có điều kiện sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa DN lắp ráp, nhập khẩu và vô tình tạo thế độc quyền.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Nghị quyết nêu rõ yêu cầu bảo đảm an toàn nợ công với mục tiêu: nợ công hàng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% so với tổng thu ngân sách hàng năm.

Một số chỉ tiêu quan trọng khác tại nghị quyết như: tổng thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 khoảng 6.864.000 tỷ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so với giai đoạn 2011-2015; tổng chi ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 8.025.000 tỷ đồng, trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25-26% tổng chi ngân sách nhà nước, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi…

Hà My

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161109/khong-trong-tam-kho-kha-thi.aspx