Luật Du lịch 2017: Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Ngày 12/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức công bố 6 luật gồm: Luật Du lịch, Luật Đường sắt; Luật Thủy lợi; Luật Ngoại thương; Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Chuyển giao công nghệ. Các luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.

Trước đó, ngày 19/6/2017, kỳ họp thứ 3 Quốc hộ khóa XIV đã thông qua Luật Du lịch số 09/2017/QH14. Đây là Dự án Luật được đông đảo cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm vì có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến chính sách phát triển du lịch, khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên du lịch trong bối cảnh Đảng và Nhà nước xác định du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Du khách khám phá phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: Hồ Hạ.

Luật Du lịch 2017 gồm 9 chương, 78 điều, giảm 2 chương, 10 điều so với Luật Du lịch năm 2005 với nhiều nội dung được chỉnh sửa nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp du lịch, tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động hướng dẫn, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của khách du lịch.

Bên cạnh trách nhiệm tuân thủ pháp luật Việt Nam, Luật quy định khách du lịch có nghĩa vụ ứng xử văn minh, tuân thủ pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đến du lịch để giữ gìn hình ảnh quốc gia khi đi du lịch nước ngoài của công dân Việt Nam.

Luật Du lịch 2017 chú trọng hơn đến việc bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch thông qua việc quy định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa; chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành bằng việc quy định trình độ chuyên môn của người phụ trách kinh doanh lữ hành, loại bỏ quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải có hợp đồng lao động với 3 hướng dẫn viên có thẻ vì quy định này trên thực tế chỉ mang tính hình thức, số lượng hướng dẫn viên phụ thuộc vào thị trường, có tính mùa vụ. Luật điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp đăng ký và hoạt động kinh doanh.

Cụ thể, về chính sách phát triển du lịch, Dự thảo Luật đã nêu rõ các lĩnh vực Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí (cấp ngân sách) và Nhà nước khuyến khích hỗ trợ (Điều 5). Vai trò của Hiệp hội được nâng cao với các trách nhiệm cụ thể (Điều 7). Việc bảo vệ quyền lợi của khách được làm rõ hơn (Điều 10-14). Đặc biệt, Dự thảo Luật đã làm rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc sáng tạo, phát triển sản phẩm, chú ý đến các sản phẩm du lịch có ảnh hưởng đến tính mạng của khách du lịch (du lịch mạo hiểm), ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng (Điều 18-19). Quy hoạch về du lịch cũng đã được cô đọng lại, phù hợp với Dự thảo Luật Quy hoạch (Điều 20-21).

Cùng với đó, nội dung về điểm du lịch, khu du lịch được biên soạn gọn lại, điều kiện, thủ tục công nhận đơn giản hơn, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch (Điều 27-28). Về đô thị du lịch đưa ra 2 phương án, quy định về đô thị du lịch và không quy định về đô thị du lịch. Về kinh doanh du lịch cũng có nhiều bổ sung, thay đổi.

Dự thảo Luật lần này đã bỏ quy định về lập Văn phòng Xúc tiến du lịch ở nước ngoài; tăng vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp (kể cả thành lập văn phòng xúc tiến ở nước ngoài). Nội dung Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đã làm rõ hơn mục đích thành lập Quỹ, xác định xúc tiến là nhiệm vụ chính của Quỹ; quy định nguồn hình thành Quỹ là từ 3 nguồn (Nhà nước cấp, đóng góp tự nguyện, các nguồn hợp pháp khác).

Một nội dung khác được thay đổi trong Dự thảo Luật là quản lý nhà nước. Trong đó, quy định chức năng quản lý nhà nước về du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ liên quan; quy định chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch của UBND cấp tỉnh.

Giới chuyên môn nhận định: Dự thảo vẫn giữ được các nội dung cơ bản của Luật Du lịch 2005, đồng thời cập nhật, bổ sung một số nội dung mới, phù hợp với điều kiện đất nước hiện nay. Nội dung Dự thảo Luật đã bao quát toàn bộ các hoạt động của ngành, tiếp thu được tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khi triển khai, Luật sẽ góp phần thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Hiện, Bộ VHTT&DL đang triển khai công tác xây dựng các văn bản hợp quy chi tiết cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến Luật đến các doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch và các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm đảm bảo Luật Du lịch phát huy hiệu quả tích cực khi triển khai trong thực tiễn.

Tin và ảnh: Hồ Hạ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/luat-du-lich-2017-tao-dieu-kien-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-292754.html