Luật đấu thầu 2013: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước

(DĐDN) – Với những nội dung được quy định rõ ràng, mạch lạc và chặt chẽ việc ban hành, Luật đấu thầu năm 2013 được kỳ vọng là sẽ cải thiện rõ rệt trong quản lý Nhà nước về hoạt động đấu thầu nói riêng, góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước nói chung trong thời gian tới.

Sáng 13/2, Cục quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội nghị phổ biến, giới thiệu những nét mới, cơ bản của Luật đấu thầu năm 2013.

Cục trưởng Cục quản lý đấu thầu ông Lê Văn Tăng trao đổi với báo giới tại Hội thảo sáng 13/2

Luật đấu thầu năm 2013 gồm 13 chương với 96 điều được xây dựng trên cơ sở sửa đổi toàn diện Luật đấu thầu năm 2005, Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của cá luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014; kể từ ngày Luật có hiệu lực, Luật đấu thầu năm 2005 hết hiệu lực thi hành, bãi bỏ Mục I Chương VI Luật xây dựng số 16/2003/QH11 và Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12.

Theo Cục trưởng Cục quản lý đấu thầu ông Lê Văn Tăng, Luật đấu thầu năm 2013 được xây dựng trên cơ sở yêu cầu khách quan trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về mua sắm sử dụng vốn Nhà nước, góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước .

Luật quy định cụ thể hơn về các quy trình lựa chọn nhà thầu , nhà đầu tư đối với từng trường hợp cụ thể. Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu trong Luật đã quy định rõ phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu theo từng lĩnh vực cụ thể như lựa chọn nhà thầu (dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp), lựa chọn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung thêm một số phương pháp mới trong đánh giá hồ sơ dự thầu nhằm đa dạng hóa phương pháp đánh giá và đề phù hợp với từng loại hình và quy mô của gói thầu, đồng thời khắc phục tình trạng bỏ thầu giá thấp nhưng không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu.

Luật đấu thầu năm 2013 đã chú trọng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thấu và tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước, ưu đãi đối với nhà thầu và hàng hóa sản xuất trong nước.

Quy định hình thức đấu thầu mua sắm tập trung trên cơ sở tổng hợp các thông lệ quốc tế tốt và kết quả thí điểm thực hiện tại Việt Nam để áp dụng rộng rãi trong công tác đấu thầu. Theo hình thức này, thay vì tổ chức mua sắm ở hàng trăm cơ quan khác nhau thì cơ quan mua sắm tập tring sẽ chịu trách nhiệm tổ chức mua sắm chuyên nghiệp một lần.

Luật cũng đã dành riêng một Mục quy định về mua thuốc, vật tư y tế sử dụng vốn nhà nước, nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập. Riêng với đấu thầu mua thuốc, Luật bổ sung hình thức đàm phán giá đối với gói thầu mua thuốc chỉ có từ một đến hai nhà sản xuất, thuộc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc trong thời gian còn bản quyền và các trường hợp đặc thù khác theo quy định của Chính phủ.

Luật đấu thầu năm 2013 đã sửa đổi một số quy định hiện hành về ký kết, thực hiện và quản lý hợp đồng nhằm tăng cường trách nhiệm của nhà thầu và chủ đầu tư trong quá trình thực hiện hợp đồng, tránh tình trạng áp dụng loại hợp đồng không phù hợp với tính chất của gói thầu, điều chỉnh giá hợp đồng, điều chỉnh hình thức hợp đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng một cách tùy tiện, gây lãng phí…Theo quy định trong Luật này, hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản. Khi quyết định áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá điều chỉnh thì người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải bảo đảm loại hợp đồng này là phù hợp hơn so với hợp đồng trọn gói.

Luật đã phân cấp triệt để trong đấu thầu; đồng thời quy định chặt chẽ về trách nhiệm giải trình của người có thẩm quyền, chủ đầu tư trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, tránh tình trạng khép kín trong đấu thầu.

Luật đấu thầu 2013 được đánh giá là có bước tiến trong việc tăng cường giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu. Luật đã bổ sung một số hành vi bị cấm trong đấu thầu, đồng thời quy định thêm biện pháp xử phạt đối với cá nhân được giao trách nhiệm xử phạt nhưng không tuân thủ quy định,…

Với những nội dung được quy định rõ ràng, mạch lạc và chặt chẽ việc ban hành, Luật đấu thầu năm 2013 nhằm xây dựng luật chung, pháp điển hóa các nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về hoạt động đấu thầu trong cùng một lĩnh vực và bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật.

Cục trưởng Lê Văn Tăng khẳng định, song song với việc soạn thảo Luật, Cục đang tiến hành dự thảo 2 Nghị định liên quan đến Luật cũng như chuẩn bị bắt tay vào việc xây dựng các Thông tư theo Luật nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp khi thời điểm thi hành Luật đấu thầu 2013 chính thức được bắt đầu.

“Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đã được đặt ra trong Luật, hơn bao giờ hết, cần có sự chỉ đạo thống nhất từ các cấp cao nhất, tiếp đến là sự đồng thuận, thống nhất của các Bộ, ngành, địa phương, tránh lợi ích cục bộ, không vì lợi ích toàn cục, lợi ích của người dân” – Cục trưởng Lê Văn Tăng nhấn mạnh.

NP

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/dau-tu/luat-dau-thau-2013-nang-cao-hieu-qua-su-dung-von-cua-nha-nuoc-20140213020444419.htm