Luật chung, lý riêng

Trong thế giới tư pháp có nhiều cấp xét xử khác nhau về cùng một vụ việc, nhưng nền tảng pháp lý cho tất cả các cấp tòa án lại chung nhau.

Ảnh minh họa.

Dù vậy, không phải vì thế mà phán xử của các cấp tòa án luôn như nhau. Mỗi tòa án có cái lý riêng khi vận dụng luật chung như trong vụ việc sau đây ở nước Áo.

Một bà già 72 tuổi dắt con chó của người bạn đi chơi ở ngoài đường. Trong lúc đi chơi, một con chó không bị xích của người khác nhảy xổ vào con chó được bà già dắt đi. Con chó kia nhào ra và làm bà già bị ngã. Cụ bà khởi kiện người chủ của con chó không bị xích ấy và đòi bồi thường 16.000 Euro.

Tòa sơ thẩm xử cho cụ bà thắng kiện với lập luận người chủ kia không xích con chó khi đi ra ngoài đường và vì thế phạm luật.

Tòa phúc thẩm lại bác bỏ khiếu kiện của cụ bà với lập luận cho rằng cụ bà bị ngã vì không kiểm soát được chính con chó của mình và như thế có nghĩa là đã phạm pháp vì pháp luật hiện hành quy định người dắt chó đi ngoài đường phải làm chủ được mọi tình huống có thể xảy ra, tức là phải luôn kiểm soát được mọi hành động của con chó.

Tòa án tối cao của nước Áo bác bỏ phán xử của tòa phúc thẩm và xử cho cụ bà được nhận tiền bồi thường thiệt hại, tức là xác nhận phán xử của tòa sơ thẩm, nhưng với lập luận rằng cụ bà đã bị con chó của người kia tấn công.

Chuyện tòa này bác bỏ phán xử của tòa kia vốn không có gì lạ. Nhưng ở đây dựa vào cùng một bộ luật mà ba cấp tòa có ba cách lập luận khác nhau.

Mỗi cấp tòa xác định bản chất và mức độ của hành vi phạm luật khác nhau. Câu hỏi được đặt ra mà không đâu trả lời nổi là bất cập nằm ở luật hay ở vận dụng luật.

Thế mới biết là không có luật thì tòa không thể xét xử được, nhưng tòa xét xử đúng hay sai với lập luận thuyết phục hay khiên cưỡng thì lại phụ thuộc vào cách hiểu luật của tòa.

Thiên Lang

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/luat-chung-ly-rieng-d30363.html