Luật chơi chung và những đầu tư 'đánh cuộc lớn'

Như đã nói từ lâu về Châu Á – Thái Bình Dương, an ninh giống như ôxy vậy: Khi bạn có đủ ôxy, bạn sẽ không để ý đến nó, nhưng khi bạn không có đủ ôxy để thở, bạn chẳng thể nghĩ đến bất cứ thứ gì khác.

Phát triển một mạng lưới an ninh dựa trên luật lệ

Mạng lưới an ninh đang phát triển tại Châu Á - Thái Bình Dương kết nối tất cả các quan hệ giữa các nước với nhau để giúp các lực lượng quân đội hành động nhiều hơn, ở những khoảng cách xa hơn, và hiệu quả hơn.

Nó cho phép các nước tiến hành các hành động phối hợp nhằm đối phó với khủng hoảng nhân đạo và thảm họa thiên nhiên, giải quyết các thách thức chung như chủ nghĩa khủng bố và đảm bảo an ninh và đảm bảo sự tiếp cận công bằng tại các vùng biển chung, trong đó có các hải trình quan trọng. Các ví dụ gần đây của cách tiếp cận mạng lưới hóa này là sự đối phó tập thể với bão Haiyan năm 2013 và động đất tại Nepal năm 2015.

Quan trọng hơn, đây là một “mạng lưới an ninh toàn diện và dựa trên luật lệ”. Toàn diện vì mọi quốc gia và mọi quân đội – không phân biệt năng lực, ngân sách và kinh nghiệm – đều có thể tham gia. Mọi người đều có tiếng nói và không ai bị loại trừ, và hy vọng không ai chọn cách đứng ngoài cuộc. Mạng lưới an ninh này phản ánh các luật lệ mà các thành viên đã thực thi nhiều thập kỷ qua, sẽ giúp họ hiện thực hóa một tương lai dựa trên luật lệ mà nhiều nước trong khu vực đã lựa chọn.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN được tổ chức tại Sunnylands, Mỹ. Ảnh: Reuters

Mỹ đã chi kha khá vào vấn đề này. Ví dụ Bộ Quốc phòng sẽ thực thi Sáng kiến An ninh biển Đông Nam Á (SAMSI), trị giá ban đầu là 425 triệu USD, cam kết trong 5 năm nhằm xây dựng các năng lực hàng hải và đảm bảo an ninh tại Đông Nam Á. Ngoài việc cung cấp tiền và trang thiết bị phần cứng, sáng kiến này sẽ giúp Indonesia, Malaysia, the Philippines, Thái Lan và Việt Nam phối hợp với một nước khác và với Mỹ để mọi người có thể nhìn thấy nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn và hành động nhiều hơn để đảm bảo an ninh biển trong các vùng biển sống còn của khu vực.

Mạng lưới an ninh Châu Á – Thái Bình Dương sẽ phát triển theo ba hướng. Đầu tiên, một số cơ chế ba bên tiên phong sẽ kết nối các nước có cùng chí hướng với nhau vốn trước đây chỉ hợp tác song phương. Quan hệ đối tác Mỹ – Nhật – Hàn giúp điều phối cách ứng phó với các khiêu khích về hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đầu năm nay, bộ ba này đã tiến hành cuộc tập trận cảnh báo tên lửa đạn đạo lần đầu tiên.

Trong 3 năm qua, Mỹ - Ấn - Nhật cũng đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung Malabar, cho thấy một quan hệ đối tác ba bên nữa đang bắt đầu tạo ra các hợp tác an ninh thiết thực đang mở rộng ra khu vực. Từ tháng 11/2015, Mỹ và Thái Lan đã kéo Lào vào tham gia một chương trình thành công về tháo dỡ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh và hiện ba nước đang huấn luyện nhau loại bỏ mối nguy hiểm này.

Thứ hai, nhiều nước Châu Á – Thái Bình Dương đang hợp tác với nhau, mà không có Mỹ. Ấn Độ đã tăng cường huấn luyện quân sự với quân đội và lực lượng bảo vệ bờ biển của Việt Nam. Australia, Ấn Độ và Nhật Bản đã tổ chức đối thoại ba bên hồi năm ngoái, ghi một điểm cộng nữa trong mạng lưới an ninh khu vực. Nhật Bản cũng đang nỗ lực xây dựng các năng lực cho hải quân Philippines. Năm nay, Indonesia, Malaysia và Philippines đã nhất trí tiến hành tuần tra chung chống hải tặc.

Thứ ba, nhiều nước trong khu vực đang tạo ra một cấu trúc an ninh đa phương thông qua Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác. Sáng kiến này – hội tụ các Bộ trưởng Quốc phòng của 10 nước ASEAN và 8 nước khác – sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của một thể chế hướng tới hành động và lấy ASEAN làm trung tâm nhằm xây dựng lòng tin và tạo điều kiện cho hợp tác an ninh thiết thực.

Mạng lưới an ninh dựa trên luật lệ không nhằm đối phó với một quốc gia đặc biệt nào. Thay vào đó, mạng lưới này chứng tỏ rằng khu vực muốn hợp tác, không bị ép buộc và tiếp nối nhiều thập kỷ hòa bình và tiến bộ. Quan trọng hơn, vì mạng lưới này không khép kín, các quốc gia có thể dễ dàng phối hợp với nhau hơn. Ví dụ, dù Mỹ và các nước khác có một số bất đồng với Trung Quốc, họ vẫn cam kết giải quyết các vấn đề đó, một cách song phương và thông qua mạng lưới trên, nhằm không gây bất ổn khu vực.

Mạng lưới này cũng sẽ giúp đảm bảo ổn định trong bối cảnh một loạt thách thức an ninh. Triều Tiên liên tiếp có cách hành động khiêu khích. Chủ nghĩa cực đoan bạo lực không còn xa lạ đối với Châu Á – Thái Bình Dương trong vài thập kỷ trở lại đây, và các tổ chức khủng bố, trong đó có IS, đang tiếp tục hoành hành tại các nước trong khu vực. Các hải trình đông đúc qua Châu Á – Thái Bình Dương là các mục tiêu hấp dẫn đối với hải tặc nhằm cướp hàng hóa hoặc bắt giữ tàu và thủy thủ để đổi lấy tiền chuộc.

Bên cạnh việc thường xuyên chứng kiến động đất và núi lửa vì nằm trên Vành đai Lửa, Châu Á - Thái Bình Dương cũng là nơi thường xuyên phải chịu các trận bão hủy diệt ngày càng tồi tệ hơn vì biến đổi khí hậu.

Ngoài ra còn có các thách thức của riêng khu vực này, những thách thức từ chính sự năng động về kinh tế, chính trị và quân sự của nó. Vì các hành động cưỡng bức của một số quốc gia, đáng kể nhất là Trung Quốc, các tranh chấp dai dẳng, đặc biệt là trên biển, đã ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Thực vậy, tại Biển Đông - một tuyến đường vận tải khoảng 30% thương mại đường biển của thế giới năm 2015, trong đó có khoảng 1.200 tỷ thương mại vận tải bằng đường biển tới Mỹ - có một nguy cơ ngày càng lớn đối với tương lai thịnh vượng của khu vực.

Mỹ không phải là một bên tranh chấp trong các cuộc tranh chấp biển tại Châu Á – Thái Bình Dương và không đứng về bên nào. Nhưng Washington ủng hộ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, đặc biệt thông qua các cơ chế như tòa trọng tài quốc tế. Mỹ coi phán quyết của Tòa Trọng tài về tranh chấp biển và hoạt động hàng hải tại Biển Đông là một cơ hội để khu vực này tái cam kết vào một tương lai dựa trên luật lệ, làm mới ngoại giao và giảm thiểu và giải quyết căng thẳng thay vì làm gia tăng chúng.

Mỹ luôn cam kết thực thi các nguyên tắc cốt lõi như tự do hàng hải và tự do bay, và sẽ tiếp tục đảm bảo rằng các nguyên tắc cốt lõi này được áp dụng một cách công bằng tại Biển Đông cũng như ở bất cứ nơi nào khác. Chỉ khi mọi người áp dụng cùng các luật lệ như nhau thì khu vực mới tránh khỏi các lỗi lầm trong quá khứ, khi nước này thách thức nước khác trong một cuộc đấu sức mạnh và thiện chí, với các hậu quả khôn lường đối với toàn nhân loại.

Cấp ôxy

Chính sách tái cân bằng có ý nghĩa đối với nước Mỹ khi nó được công bố vào năm 2011, nhưng điều đã trở nên rõ ràng kể từ đó, đặc biệt đối với giới chức Mỹ qua lại Châu Á – Thái Bình Dương, là nó đã đem lại nhiều ý nghĩa cho người dân, quân đội và các đất nước trong khu vực này.

Trong mỗi chuyến đi của mình tới khu vực trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, ông Carte nhận thấy một điều rõ ràng là các đối tác quốc phòng và lãnh đạo các nước đề nghị Mỹ làm nhiều hơn, chứ không phải ít hơn, cho khu vực này. Như đã nói từ lâu về Châu Á – Thái Bình Dương, an ninh giống như ôxy vậy: khi bạn có đủ ôxy, bạn sẽ không để ý đến nó, nhưng khi bạn không có đủ ôxy để thở, bạn chẳng thể nghĩ đến bất cứ thứ gì khác.

Nhờ những đầu tư và hoạch định cho hai giai đoạn đầu của chính sách “xoay trục”, Mỹ sẽ có các công cụ cần thiết để tiếp tục đóng vai trò tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Và trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ nỗ lực củng cố mạng lưới an ninh dựa trên luật lệ đang nổi lên trong khu vực này thông qua các cuộc tập trận và huấn luyện ngày một thường xuyên hơn và phức tạp hơn. Bộ Quốc phòng cũng sẽ tiếp tục nâng cấp chất lượng của vị thế sức mạnh của Mỹ trong khu vực này và ưu tiên những đầu tư “đánh cuộc lớn” cho công nghệ tiên tiến.

Bằng cách làm việc trong mạng lưới an ninh dựa trên luật lệ của khu vực và bằng lực lượng quân đội của chính mình, Mỹ sẽ tiếp tục chứng tỏ cho các đồng minh và đối tác và cả khu vực nói chung rằng họ đang dự định làm nhiều hơn cho Châu Á – Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới.

Thảo Linh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/suyngam/luat-choi-chung-va-nhu-ng-da-u-tu-da-nh-cuo-c-lo-n-336632.html