Luật Báo chí 2016 quy định chặt chẽ quyền và nghĩa vụ Nhà báo

Nhiều quy định mới được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại Hội nghị phổ biến Luật Báo chí 2016 Khu vực phía Bắc.

Phát huy quyền tự do báo chí

Chiều ngày 7/11/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Báo chí năm 2016.

Tham dự Hội nghị có đại diện Sở Thông tin truyền thông các tỉnh phía Bắc, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí từ trung ương đến địa phương.

Toàn cảnh Hội nghị phổ biến Luật Báo chí 2016 Khu vực phía Bắc. Ảnh: Cao Nguyên.

Toàn cảnh Hội nghị phổ biến Luật Báo chí 2016 Khu vực phía Bắc. Ảnh: Cao Nguyên.

Phát biểu tại Hội nghị Phổ biến Luật báo chí năm 2016 các tỉnh, thành khu vực phía Bắc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo một lần nữa khẳng định: “Luật Báo chí sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, với nhiều quy định mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống báo chí và công tác báo chí, mang tính thời đại, xây dựng một nền tảng pháp lý vững chắc và cụ thể cho việc phát triển báo chí giai đoạn tới”.

Cụ thể, trên những điểm mới của Luật Báo chí 2016, Luật Báo chí mới khẳng định quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.

Điều này thể hiện ở kết cấu chương II với 4 điều quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, trong đó, quy định công dân có quyền: Sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện tác phẩm báo chí, in và phát hành báo in….

Bên cạnh đó, Luật Báo chí 2016 cũng quy định bổ sung đối tượng được thành lập tạp chí khoa học như cơ sở giáo dục đại học quy định theo Luật giáo dục, tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, viện hàn lâm theo Luật Khoa học và Công nghệ.

Đáng chú ý, Luật Báo chí mới bổ sung quy định về liên kết trong hoạt động báo chí, trong đó quy định cụ thể lĩnh vực, nội dung các cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết, thời lượng tối đa được phép liên kết trong kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định và kênh thời sự chính trị tổng hợp, thời lượng tối đa mà cơ quan báo nói, báo hình có hoạt động liên kết sản xuất toàn bộ kênh phát thanh, kênh truyền hình.

Với quy định về quyền tác nghiệp báo chí, ngoài những quy định của Luật Báo chí hiện hành, Luật Báo chí mới quy định trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, cơ quan, tổ chức các nhân có thẩm quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.

Với quy định bảo vệ nguồn tin báo chí và quyền tác nghiệp của nhà báo, so với Luật Báo chí hiện hành, Luật Báo chí mới đã quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Luật Báo chí năm 2016.

Luật Báo chí mới cũng quy định cơ quan báo chí phải cung cấp người cung cấp thông tin cho báo chí khi có văn bản yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Quy định chặt chẽ quyền và nghĩa vụ Nhà báo

Quyền hạn, nghĩa vụ của nhà báo cũng được lưu ý trong Luật Báo chí mới.

Luật Báo chí mới đã bổ sung, luật hóa những quy định thuộc về đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Trong đó, quy định Hội nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo;

Nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cũng cung cấp thêm những điểm mới cần lưu ý như, hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí, những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, cải chính và xử lý vi phạm và pháp điển hóa quy định tại Nghị định của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Cao Nguyên.

Nhằm phổ biến kỹ các nội dung mới trong Luật Báo chí 2016, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) trực tiếp trình bày điểm mới và giải thích cặn kẽ từng nội dung mới trong Luật Báo chí 2016.

Trong phần trình bày, Cục trưởng Cục Báo chí đặc biệt lưu ý Điều 9 trong Luật Báo chí 2016 quy định những điều không được thông tin trên báo chí.

Theo đó, bên cạnh việc cấm thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây chia rẽ dân, tộc gây chiến tranh tâm lý, gây chia rẽ tôn giáo… Báo chí không đặc đăng thông tin gây thiệt hại đến ngành nghề, lĩnh vực kinh tế ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước.

Lấy dẫn chứng cụ thể, ông Phúc nhắc lại thông tin nước nắm nhiễm Arsen vừa qua không chỉ gây ảnh hưởng đến nước mắm truyền thống mà còn ảnh hưởng đến cả lĩnh vực kinh tế.

Lý giải việc tại sao báo chí chỉ đăng tải thông tin khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) lại bị xử lý, ông Phúc cho hay, Vinastas không phải cơ quan hành chính nhà nước được phép công bố tiêu chuẩn sản phẩm nước mắm.

Cơ quan chức năng được phép công bố tiêu chuẩn thực phẩm ở đây chỉ là Bộ Y tế. Do đó, cơ quan báo chí vi phạm khi đưa thông tin không có kiểm chứng.

Theo ông Phúc, hiện Cục Báo chí đang củng cố hồ sơ ra quyết định xử phạt 50 cơ quan báo chí đăng tin sai phạm về nước mắm vừa qua.

Một điểm mới trong vấn đề thông tin báo chí là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Quy định mới này đặt ra lo lắng về việc cơ quan, tổ chức bưng bít thông tin, cản trở báo chí tác nghiệp.

Tuy nhiên, lý giải điều này ông Phúc cho rằng, việc từ chối cung cấp được quy định cụ thể trong lĩnh vực thông tin bí mật quốc gia, vụ án đang tiến hành điều tra, vụ án đang tiến hành xét xử chưa tuyên án.

Báo điện tử phải có chuyên mục riêng về cải chính

Nêu điểm mới trong việc cải chính thông tin đăng phát trên báo chí, ông Lưu Đình Phúc cho biết, cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát lời cải chính, xin lỗi trên báo chí và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Và có văn bản thông báo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân về thông tin cải chính đó.

ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) trực tiếp trình bày điểm mới và giải thích cặn kẽ từng nội dung mới trong Luật Báo chí 2016. Ảnh: Cao Nguyên.

Riêng đối với báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát nhưng phải lưu giữ nội dung thông tin trên máy chủ và giữ lại nội dung đó để phục vụ thanh tra, kiểm tra; ngoài ra các trang thông tin điện tử, tạp chí điện tử lấy lại nội dung thông tin sai đó trên báo điện tử cũng phải gỡ bỏ và cải chính.

Báo Điện tử phải có chuyên mục riêng về thông tin cải chính xin lỗi, phải giữ thời gian đăng tải thông tin xin lỗi trong 7 ngày.

Cải chính xin lỗi trên phát thanh truyền hình phải thực hiện cải chính với tần suất tương đương với tần suất phát thông tin sai sự thật, phát thông tin cải chính xin lỗi phải thực hiện trong 2 ngày. Với Báo in, tạp chí phải cải chính thông tin ngay trong số gần nhất.

Đặc biệt trang thông tin điện tử tổng hợp khi đăng tải thông tin sai phạm cũng phải đăng thông tin cải chính, xin lỗi.

Với sự tham gia đông đảo của đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông, Luật Báo chí 2016 được kỳ vọng khi đi vào thực tế sẽ giúp hệ thống báo chí phát triển, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Cao Nguyên

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/luat-bao-chi-2016-quy-dinh-chat-che-quyen-va-nghia-vu-nha-bao-post172225.gd