Lửa xa, lửa gần

Trong vòng vài tháng qua, ở nước ta, hàng loạt hội thảo về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đã được tổ chức, nhiều nhà quản lý, kinh tế, doanh nghiệp nói đến cụm từ này và mới đây, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 16 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Công nhân làm việc tại khu công nghệ cao tại khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: KỲ ANH

Cho dù nội dung các cuộc thảo luận liên quan đến những khía cạnh khác nhau của vấn đề nhưng chủ yếu xoay quanh việc nhận diện nó là cái gì, tác động như thế nào và làm sao để nắm bắt thay vì bị nó làm cho tụt hậu thêm và chủ yếu dưới góc nhìn kinh tế, kỹ thuật. Ngay cả khi đặt câu hỏi về khả năng robot thế hệ mới thay thế việc làm của con người trong làn sóng này, các câu trả lời thường chỉ dừng lại ở nguy cơ gây thất nghiệp hàng loạt chứ chưa đi sâu vào hậu quả xã hội của nó và kịch bản ứng phó, giải quyết ra sao.

Cũng dễ hiểu cho việc... dừng lại tại đây, không chỉ bởi sự mới du nhập của thuật ngữ cách mạng công nghiệp 4.0.

Khi mà xã hội ta đang lo nỗi ly nông phải ly hương, với những cuộc di cư từ khu vực nông thôn lên thành thị để mưu sinh, với những dòng nam thanh nữ tú không ngừng bươn chải tìm lối thoát - bán sức lao động để làm một chân công nhân trong các khu công nghiệp, chế xuất, thì trong suy nghĩ của nhiều người, sự thần kỳ của những con robot nói trên có lẽ chỉ ở và nên ở trên phim khoa học viễn tưởng.

Ngành dệt may, nơi đang tập trung số lượng công nhân rất lớn, nơi đang được dự báo nguy cơ máy thay người cao nhất, cũng tỏ ra bình tĩnh, trên cơ sở phân tích vị trí thực tế của mình trong chuỗi giá trị, rằng khâu may mà mình đang chủ yếu tập trung vào sẽ bị ảnh hưởng sau cùng (so với khâu nhuộm vốn lớn và độc hại nên ít dám đầu tư, chẳng hạn). Ít ra thì dệt may sẽ có lộ trình 10-15 năm chuẩn bị, và sự thay đổi chắc cũng chỉ dừng lại ở việc một thợ điều khiển hai hay nhiều hơn hai máy, nghĩa là vẫn cần thợ, theo đánh giá của hội nghề nghiệp này.

Nên nhân chuyện có thể là lo xa về lửa cách mạng công nghiệp 4.0 hay robot hiện nay để nhìn lại các vấn đề về chính sách công nghiệp, giáo dục - đào tạo - giải quyết việc làm và an sinh xã hội của ta hiện nay. Đó thực sự là lửa gần, đặt ra hai bài toán kinh tế - xã hội phải giải song song.

Vậy thì ám ảnh về những con robot và làn sóng thất nghiệp có thực tế trong bối cảnh cụ thể hiện nay của nước ta?

Mặc dù các chuyên gia ngoài và trong nước có nhiều điểm chưa thống nhất nhau về cái gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì một điểm họ đồng thuận là tốc độ càn lướt của nó khó có thể dự đoán được nhanh tới mức nào.

Cho dù ngành dệt may của ta có tạm bằng lòng với khâu may nằm ở cuối chuỗi giá trị, thì hàng hóa của ta sẽ cạnh tranh như thế nào với các nước khác cũng cùng vị trí với mình nhưng mức độ tự động hóa cao hơn? Lúc đó con robot ở xa xôi đâu đó cũng có thể cướp mất việc làm của công nhân trong nước chứ không cứ gì nó phải xuất hiện tại chính phân xưởng của mình!

Cho nên bắt tay với robot sẽ là một cuộc đua giữa các doanh nghiệp, quốc gia, để chí ít là nắm chắc nấc thang hiện tại, không làm cho mình tụt hậu thêm hay rơi ra, còn làm thế nào để nâng mình lên trong chuỗi giá trị lại là một câu chuyện khác, cần sự chuyển mình chủ động để tận dụng cơ hội mà máy móc có thể mang lại hơn nữa. Trong cuộc đua ấy, dù muốn dù không, nếu người thợ không thể nâng cấp bản thân để làm việc mà máy không thể làm, thì họ sẽ bị đào thải.

Hiện nay, ở ta, người lao động có chút lợi thế về thời gian khi các doanh nghiệp chưa giải được bài toán kinh tế của việc chọn máy thay người. Nhưng, như Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh phân tích, quá trình thay thế sớm muộn gì cũng sẽ diễn ra, mà có thể là nhanh, cùng với sự giãn cách ngày càng lớn giữa một bên là tốc độ tăng của tiền lương cơ bản (khoảng 10%/năm trong nhiều năm trở lại đây) và một bên là tốc độ tăng của năng suất lao động (chỉ chừng 3%/năm) và sự rẻ đi một cách tương đối của máy móc. Đó là khi chi phí cho máy móc rẻ hơn chi phí lao động...

Điều gì sẽ xảy ra khi đó và sau đó, khi mà ngay thời điểm hiện tại, việc giải quyết những cú sốc thất nghiệp hay tạo việc làm mới cho người lao động đã gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, trong buổi tọa đàm “Việt Nam trong thế giới sản xuất kỹ thuật số” được tổ chức gần, nói rằng ông chưa thấy có giải pháp khả dĩ nào. Với cái hiện có là Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, theo ông, nó đang được sử dụng không đúng yêu cầu. Theo kết quả khảo sát năm 2016 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, chỉ 4,9% người lao động được đưa đi đào tạo lại từ nguồn lực của quỹ, đa số người bị mất việc lấy tiền trợ cấp ít ỏi rồi không biết đi đâu, về đâu, trong khi đào tạo để người lao động có thể quay trở lại thị trường lao động mới là mục tiêu chính. Nhìn xa hơn, một quỹ về an sinh xã hội thì đến giờ ta chưa có.

Mặc dù chuyện đào tạo nghề ở ta đang có nhiều trục trặc nhưng không thể vì thế mà bỏ qua vai trò của nó, không đổi mới nó - như Chỉ thị 16 nói trên chỉ ra. Cũng cần mở rộng mối quan tâm đến cả chuyện giáo dục nói chung, trong mối liên quan trực tiếp. Bởi để thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 thành công không thể thiếu con người 4.0. Muốn vậy phải có một nền giáo dục khai phóng, tích hợp giữa giáo dục khoa học và văn hóa, đào tạo con người toàn diện mà máy móc không thể nào thay thế được.

Cũng tại buổi tọa đàm nói trên, Giáo sư Huang Yu đến từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông cung cấp một lát cắt khắc nghiệt của bức tranh máy thay người tại thành phố Đông Quản (Trung Quốc) - nơi được mệnh danh là công xưởng của thế giới. Năm 2014, Trung Quốc khởi động chính sách khuyến khích thay thế con người bằng máy móc vì sự suy giảm đơn hàng từ quốc tế do trình độ sản xuất thấp và vì chi phí nhân công tăng cao. Trong vòng một năm, 2.000 doanh nghiệp đã nhận khoản trợ cấp 30.000 đô la Mỹ/doanh nghiệp để chuyển đổi, dẫn đến 71.000 lao động bị mất việc làm. Tại một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, khi công nhân đình công để đòi tăng lương, chỉ trong vòng nửa ngày, chủ doanh nghiệp tuyên bố họ có thể ra đi, việc làm sẽ do robot đảm trách.

Công nhân đình công vì trong quá khứ họ có vị thế thương lượng cao và giờ nhận ra vị thế đó không còn nữa. Đây là điều mà bà Huang Yu muốn nói đến. Tổ chức công đoàn phải quan tâm đến vấn đề này trong bối cảnh mới.

Và nhiều khi luật pháp cũng cần phải điều chỉnh cách tiếp cận. Trong khi luật pháp của ta và một số nước đang bảo vệ người lao động bằng cách quy định tổng số giờ làm thêm tối đa thì hiện nay, tại Đông Quản nhiều doanh nghiệp buộc công nhân phải lựa chọn hoặc mất việc làm hoặc chấp nhận làm việc ít thời gian hơn để... nhường cho máy móc. Lựa chọn này rất nghiệt ngã khi trong tổng thu nhập chừng 580 đô la Mỹ của họ, lương cơ bản chỉ 200 đô la Mỹ, còn lại là tiền làm thêm giờ.

Nguyên Lê

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/160824/lua-xa-lua-gan.html/