Lửa nghề cháy đỏ 20 năm HBSO

Ngỡ ngàng và xúc động là cảm giác chung của những người có mặt trong cuộc gặp gỡ các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO) chiều 19/8.

Đọc E-paper

Người giữ cồn

Từ những nghệ sĩ đầu tiên như GS-NSND Tạ Bôn (Trưởng đoàn Giao hưởng), NSND Vũ Việt Cường (Trưởng đoàn Vũ kịch), đến lực lượng nòng cốt của HBSO gồm: NSƯT Trần Vương Thạch (Giám đốc HBSO hiện tại), Nguyễn Phúc Hải, Nguyễn Phúc Hùng, Nguyễn Mạnh Duy Linh, Lý Giai Hoa, Ngọc Tuyền... đều có mặt trong cuộc gặp "20 năm". Kỷ niệm của những ngày đầu gian khó bỗng chốc ùa về.

20 năm không trụ sở chính thức với 12 nghệ sĩ và cán bộ chủ chốt ở cả ba lĩnh vực giao hưởng, vũ kịch và nhạc kịch, các thế hệ nghệ sĩ đã nỗ lực không ngừng, vượt mọi khó khăn để đem đến cho công chúng những tác phẩm thuộc dòng nhạc hàn lâm chất lượng. Từ những tiểu phẩm, trích đoạn kinh điển nổi tiếng thế giới như: thanh xướng kịch Messiah; nhạc kịch Dido and Aeneas, The Creation, Cây sáo thần...; vũ kịch Carmen, Giselle... cho đến những buổi diễn trọn một vở ballet kinh điển như Kẹp Hạt Dẻ, Cô bé Lọ Lem .

Sắp tới, vở Cô bé búp bê sẽ đánh dấu chặng đường mới trong tư thế đoàn ballet, nhạc kịch hoàn chỉnh về mặt chất lượng, chuyên môn. Tự hào hơn khi HBSO đã dàn dựng thành công khá nhiều vở vũ kịch "thuần Việt" như: Ngọc trai đỏ, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Chuyện tình non sông...

Riêng đối với Dàn giao hưởng, bước ngoặt đáng nhớ là khi được mời tham gia Liên hoan Các dàn nhạc giao hưởng châu Á tổ chức vào tháng 8/2008 tại Tokyo, Nhật Bản, chính thức đưa giao hưởng Việt Nam vào bản đồ các dàn nhạc giao hưởng châu Á. Đây gần như là một kỳ tích đối với Dàn giao hưởng, bởi trước quá nhiều khó khăn mà vẫn có thể xây dựng được dàn nhạc đạt trình độ như vậy với 100% nghệ sĩ là người Việt.

NSND Vũ Việt Cường hồi tưởng: "Những ngày đầu gian khó, thời gian tập của Đoàn là từ 12g - 14g, tức là tranh thủ lấp vào giờ nghỉ của đoàn khác. Chỗ tập không có, phải tập trước ở nhà từng phần, rồi đến nơi ráp vào. Tập cố quá nên đến ngày công diễn thì tôi nằm một chỗ, không được xem. Thế nhưng vẫn cứ nỗ lực để những vở tiếp theo được ra đời".

GS-NSND Tạ Bôn, một trong những người gắn bó với HBSO từ những ngày đầu, nay đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, rưng rưng: "Tôi rất xúc động và tự hào vì HBSO phát triển rất tốt. Đương nhiên, với những điều kiện tốt hơn thì HBSO sẽ phát triển tốt hơn".

Có mặt trong buổi tập để chuẩn bị tham gia Liên hoan Các dàn nhạc châu Á tại Tokyo năm nay, violon soloist Nguyễn Hữu Nguyên (thành viên chính thức của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Pháp) cho biết: "20 năm làm việc ở Pháp, thỉnh thoảng mới về Việt Nam tham gia biểu diễn, tôi thấy anh em nghệ sĩ sao khổ quá mà làm nghề hăng say đến vậy!".

Trăn trở và ấp ủ

Không dừng lại ở những tác phẩm kinh điển, HBSO còn tích cực tiếp cận và nuôi dưỡng thói quen thưởng thức cho khán giả trẻ bằng các chương trình biểu diễn đương đại hợp tác với các đoàn nghệ thuật danh tiếng trên thế giới. Nhiều vở múa đương đại của hai nghệ sĩ trẻ Phúc Hùng, Phúc Hải như: Những mảnh ghép của giấc mơ, Chạm tay vào quá khứ, Đánh mất và tìm lại... được đánh giá cao.

Tự hào song cũng không tránh khỏi băn khoăn, NSƯT Trần Vương Thạch đã nói thay nỗi lòng và mong mỏi của nhiều thế hệ nghệ sĩ trong suốt 20 năm nay, mong HBSO sớm có được một "ngôi nhà” có điều kiện kỹ thuật về âm thanh, ánh sáng để "an cư lạc nghiệp", các vở được biểu diễn nhiều hơn, đỡ lãng phí sức sáng tạo của nghệ sĩ và tiết kiệm được chi phí hơn. Thực tế cho thấy HBSO là tập hợp gồm ba đoàn: Giao hưởng, Vũ kịch và Nhạc kịch, trong khi thời lượng biểu diễn chỉ có ba buổi/tháng.

Nói vui như NSƯT Trần Vương Thạch là ba đoàn phải chia nhau thay phiên diễn để không bị "lụt nghề”. Nghệ sĩ cũng chia sẻ thêm, có những vở phải dàn dựng, tập trong suốt 6 tháng trời nhưng một năm diễn cao lắm chừng 4, 5 buổi tại Nhà hát Thành phố do không có địa điểm đáp ứng được các điều kiện kỹ thuật âm thanh, ánh sáng. Các đoàn nghệ thuật lớn trên thế giới cũng ít chọn đến Việt Nam hoặc có đến thì cũng ít khi biểu diễn trọn vẹn một vở vũ kịch vì "mới đưa chân, giơ tay một cái đã đụng phía bên kia sân khấu".

Khó khăn vận động sáng tạo, HBSO rất chú trọng việc tạo dựng khán thính giả cho mình. Chương trình "Giai điệu trẻ” dành cho sinh viên được tổ chức miễn phí định kỳ hằng tháng, hay mang dàn nhạc đi lưu diễn khắp các tỉnh, thành miền Tây - điều mà có lẽ chỉ một mình HBSO dám làm - thực sự là một nỗ lực rất lớn của HBSO.

Thời gian tới, HBSO sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM và các trường phổ thông đưa học sinh đến xem các buổi tổng duyệt chương trình của HBSO tại Nhà hát Thành phố. "Chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc mang nhạc giao hưởng vào nhà trường nhưng không khả thi, còn tổ chức thêm một buổi riêng biệt định kỳ như "Giai điệu trẻ” thì chúng tôi không có kinh phí. Vậy tại sao không tận dụng buổi tổng duyệt để các em đến gần chúng tôi hơn, hình thành thói quen thưởng thức nghệ thuật trong môi trường nhà hát đặc trưng?", NSƯT Trần Vương Thạch chia sẻ.

> Nhạc kịch Đức tìm khán giả Việt
> Nhạc kịch Broadway: Cũ người, mới ta

Nguồn DNSG: http://www.doanhnhansaigon.vn/online/van-hoa-nghe-thuat/su-kien/2014/08/1083276/lua-nghe-chay-do-20-nam-hbso/