Lúa gạo thoái trào, rau quả “lên ngôi”?

Dự báo lợi nhuận của người trồng lúa trong thời gian tới vẫn rất bấp bênh, nhất là vào lúc sự cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo ngày càng gay gắt. Liệu chúng ta vẫn cứ sản xuất lúa gạo bằng mọi giá hay cần có sự lựa chọn thông minh hơn?

Có nên sản xuất lúa gạo bằng mọi giá khi hiệu quả mang lại ngày càng thấp. Trong ảnh là nông dân đang thu hoạch lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Cục diện ngành lúa gạo

Tại hội thảo quốc gia về khoa học cây trồng chủ đề: “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thích ứng biến đổi khí hậu” diễn ra hồi tuần trước tại Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho biết diện tích trồng lúa năm 2015 của Việt Nam đạt hơn 7,8 triệu héc ta, sản lượng lúa 45,2 triệu tấn, trong đó, xuất khẩu quy gạo đạt gần 7 triệu tấn, kim ngạch đạt trên 2,8 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, theo ông Bộ, có được kết quả này là do Việt Nam chú trọng gia tăng sản lượng lúa thay vì chất lượng như cách làm của các nước xuất khẩu gạo khác.

Thực tế, trong vòng 35 năm trở lại đây, năng suất lúa trung bình của Việt Nam đã tăng 3,68 tấn/héc ta, trong khi cũng cùng khoảng thời gian đó, Ấn Độ chỉ tăng 80 ki lô gam/héc ta, Pakistan tăng 9 tạ/héc ta và Thái Lan chỉ tăng 6,4 tạ/héc ta.

Ngành lúa gạo Việt Nam tuy có sự tăng trưởng vượt bậc về sản lượng, nhưng xét về thu nhập của người trồng lúa, những khoản mà họ được hưởng chiếm một tỷ lệ khá nhỏ trong chuỗi lúa gạo. Dự thảo đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo vào tháng 9-2014 của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp (IPSARD) cho thấy việc phân phối lợi nhuận (và rủi ro) không công bằng giữa các đối tác tham gia trong chuỗi. Tính trên đơn vị xuất khẩu, lợi nhuận người nông dân nhận được chiếm 52% tổng lợi nhuận nhưng chi phí họ phải bỏ ra chiếm đến 83%, trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo được 30% lợi nhuận nhưng chỉ bỏ ra vỏn vẹn 4% chi phí...

Còn so sánh với các nước sản xuất lúa gạo khác, ông Bộ dẫn nghiên cứu của Viện Lúa quốc tế (IRRI) thực hiện vào năm 2014, cho thấy hiệu quả sản xuất lúa gạo liên quan rất lớn đến giá bán. Theo đó, giá bán tại Cần Thơ ở mức 4.290 đồng/ki lô gam, thấp nhất so với các điểm được điều tra ở một số nước khác, như Ấn Độ: 5.192 đồng/ki lô gam; Indonesia: 8.404 đồng/ki lô gam; Thái Lan: 8.889 đồng/ki lô gam và Philippines: 7.700 đồng/ki lô gam. “Có thể thấy, thu nhập thuần của người trồng lúa Việt Nam là thấp nhất”, ông Bộ nói.

Số liệu của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy từ năm 2011 đến tháng 7-2016, giá gạo xuất khẩu có khuynh hướng đi xuống. Chẳng hạn, gạo 5% tấm, nếu năm 2011 có giá bán trung bình là 505 đô la Mỹ/tấn thì bảy tháng đầu năm 2016 chỉ còn 356 đô la/tấn. “Nhưng điều đáng nói hơn là với cùng loại gạo, giá bán của chúng ta (Việt Nam) luôn thấp hơn Thái Lan và các nước xuất khẩu gạo khác và thuộc loại thấp nhất thế giới. Sản xuất nhiều nhưng lợi nhuận ít là điều cần phải suy nghĩ. Liệu chúng ta có cần sản xuất lúa nhiều như hiện nay không?”, ông Bộ đặt vấn đề.

Để có câu trả lời, nhiều bộ ngành trung ương phải vào cuộc xem xét, nhưng điều cần lưu ý là thương mại gạo toàn cầu trong nhiều năm gần đây vẫn quanh quẩn mức 41 triệu tấn và Việt Nam đóng góp khoảng 20-25%.

Trong bối cảnh chưa thấy dấu hiệu quy mô thương mại sẽ tăng lên, hy vọng tăng xuất khẩu thời gian tới là rất khó, đặc biệt trong hoàn cảnh cạnh tranh ngày càng khó với sự xuất hiện của các nước xuất khẩu mới nổi như Myanmar, Campuchia và các thị trường nhập khẩu truyền thống như Indonesia, Philippines có những chính sách tự túc lương thực.

Chọn lựa dựa trên lợi thế

Cũng tại hội thảo nêu trên, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thời gian vừa qua, ngành rau quả gặt hái những kết quả xuất khẩu rất ấn tượng mặc dù nhận được rất ít sự quan tâm. Dự báo năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ cán mức 2,5 tỉ đô la Mỹ, có thể lần đầu vượt qua kim ngạch xuất khẩu lúa gạo. “Trong mấy chục năm qua, chúng ta quan tâm rất nhiều đến lúa gạo mà chưa chú trọng đến rau quả. Dư địa phát triển của lĩnh vực rau quả còn lớn, cần được tập trung thúc đẩy nhiều hơn”, ông đề xuất.

Trao đổi với TBKTSG về vấn đề này, ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nói với tư cách cá nhân một nhà nghiên cứu, rằng các nhà khoa học, nhà quản lý đều đã nhận thức được sự cần thiết giảm lúa để chuyển sang những loại cây trồng/vật nuôi khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng thực tế diễn ra không như mong muốn. Ông dẫn chứng: “Vừa rồi, hạn-mặn làm sụt giảm khoảng 1 triệu tấn lúa. Dù an ninh lương thực chưa đến mức bị đe dọa nhưng người ta vẫn đẩy mạnh trồng lúa để bù lại sản lượng bị hụt ở vụ trước”. Theo ông, thực tiễn này xuất phát từ tâm lý băn khoăn “không trồng lúa thì trồng cái gì?”. Thêm nữa là “bệnh thành tích” vẫn còn đó, được thể hiện rất rõ trong các báo cáo tổng kết ngành của các tỉnh.

Cũng theo ông Hiệp, đặt vấn đề giảm lúa là hoàn toàn đúng. Điều này càng đúng khi sản xuất lúa gạo ẩn chứa nhiều thách thức dưới tác động của biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt nguồn tài nguyên nước của sông Mêkông. “Phải tính toán bước chuyển dịch, phải cơ cấu lại để thích ứng, phải gia tăng thu nhập cho nông dân. Chính phủ, các bộ ngành đều đã thấy”, ông Hiệp nhận định.

Nhưng câu hỏi là phải chuyển đổi như thế nào?

Theo ông Hiệp, đối với cây lúa, chỉ trồng ở những nơi có thể phát huy lợi thế cạnh tranh, có điều kiện tốt, chẳng hạn ở khu vực tứ giác Long Xuyên và một phần Đồng Tháp Mười. Những vùng khác thì nên chuyển đổi ngành nghề, như vùng duyên hải bị ảnh hưởng mặn có thể tập trung nuôi tôm nước lợ, vùng khác thì tập trung cho cây ăn trái... “Thông tin xuất khẩu rau quả có thể vượt lúa gạo là tín hiệu tốt, nhưng cũng phải nhìn nhận bản thân ngành cây ăn trái cũng có bất cập. Trồng cây ăn trái với hiện trạng như bây giờ cũng không phải là hướng đi bền vững. Tương tự, ngành thủy sản cũng vậy”, ông nói.

Ông Đàm Văn Hưng, Giám đốc doanh nghiệp Hương Miền Tây (Bến Tre), góp ý là Bến Tre tuy có đặc sản là cây dừa nhưng nếu tính toán hiệu quả kinh tế thì dừa thua xa so với bưởi da xanh. “Tại sao chúng ta không có bước chuyển đổi để tối ưu hóa lợi nhuận mà cứ giữ mãi cây dừa hay cây lúa hiệu quả kinh tế thấp?”, ông đặt vấn đề.

Vấn đề hiện nay, theo ông Hiệp, là phải quy hoạch lại, đặc biệt là các tiểu vùng sinh thái của ĐBSCL gồm tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau, vùng ven sông Tiền sông Hậu và vùng duyên hải ven biển. “Chúng ta phải nhìn nhận ít nhất 5 tiểu vùng đó, vùng nào có lợi thế gì thì ưu tiên phát triển cái đó”, ông đề xuất.

Và để phát triển các tiểu vùng, ở khía cạnh vĩ mô cần xem xét nhiều vấn đề. Chẳng hạn ở vùng ven biển ưu tiên phát triển thủy sản thì cần đầu tư thủy lợi một cách phù hợp; ưu tiên hỗ trợ về kiến thức, tín dụng; tổ chức thu mua... “Cần có những chính sách khuyến khích người ta đầu tư theo quy hoạch chứ không nói chung chung như nhiều năm qua. Cần kèm theo hàng loạt giải pháp mới mong thực hiện được...”, ông Hiệp nói.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/150172/lua-gao-thoai-trao-rau-qua-len-ngoi.html/