Lựa chọn đúng vấn đề để phát huy hiệu quả giám sát, phản biện xã hội

HNM) - Ngày 2-8, tại Vĩnh Long, Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị bàn giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TƯ về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Quyết định số 218-QĐ/TƯ về “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” của Bộ Chính trị (khóa XI); đề xuất cơ chế kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên.

(

Các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội trung ương và 22 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tham dự hội nghị.

Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 217, Quyết định 218, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã chủ động và sáng tạo tổ chức các hoạt động, thực hiện 10 chương trình giám sát; nội dung giám sát, phản biện xã hội ngày càng có hiệu quả, gắn với cuộc sống thiết thực của người dân và tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện hai quyết định trên vẫn còn một số hạn chế, bất cập…

Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất những giải pháp có tính khả thi để tiếp tục thực hiện hai quyết định trên có chất lượng, hiệu quả hơn. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị, sớm xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Theo đó, cơ chế kiểm tra, giám sát cần xác định được nguyên tắc thực hiện; chủ thể giám sát; đối tượng, phạm vi giám sát; tiêu chí giám sát; nội dung, phương pháp giám sát; trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, tổ chức có liên quan xử lý kết quả sau giám sát.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh: Để nâng cao hiệu quả Quyết định 217, Quyết định 218 trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần lựa chọn đúng vấn đề để phát huy hiệu quả giám sát và phản biện xã hội. Sau khi lựa chọn vấn đề, phải báo cáo cấp ủy, chính quyền để thống nhất thực hiện. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phải lựa chọn cách thức phù hợp, hiệu quả để giám sát, phản biện; thực hiện tốt việc kiến nghị sau giám sát.

Về kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề xuất, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân nắm tình hình, nắm phản ánh dư luận để tập hợp báo cáo cấp ủy cùng cấp xem xét, xử lý; đồng thời đề nghị cấp ủy cùng cấp phải có thông tin về kết quả xử lý để trả lời cho nhân dân...

HNM

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/874647/lua-chon-dung-van-de-de-phat-huy-hieu-qua-giam-sat-phan-bien-xa-hoi