Lựa chọn, bố trí sử dụng đúng cán bộ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Cán bộ là gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém. Tại buổi làm việc với Ban Tổ chức T.Ư Đảng vào cuối năm 2011, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nếu xem công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển của đất nước thì công tác cán bộ là nhiệm vụ then chốt của then chốt.

Nhắc lại như vậy để thấy rằng, công tác cán bộ có tầm quan trọng quyết định đến sự phát triển của đất nước. Xét cho cùng, mọi hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chúng ta đều có liên quan cán bộ và công tác cán bộ.

Vì vậy, việc lựa chọn, bố trí, sử dụng đúng cán bộ sẽ phát huy hiệu quả hoạt động của tổ chức đó, là điều kiện để cán bộ cống hiến, phát huy năng lực, đồng thời sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Song, công tác cán bộ hiện nay còn nhiều yếu kém như Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã nêu: Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước.

Để từng bước khắc phục những yếu kém nêu trên, để làm tốt công tác lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ, theo chúng tôi cần thực hiện tốt các bước cơ bản sau đây:

Trước hết là, trên cơ sở đánh giá cán bộ, tiến hành quy trình quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công tâm, khách quan, lựa chọn những người tiêu biểu nhất về phẩm chất, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Đây được xem là bước đầu "sơ tuyển" trong quy trình lựa chọn cán bộ.

Tiếp đến là, lựa chọn một số trong số cán bộ được quy hoạch luân chuyển về địa phương hoặc lĩnh vực công tác khác, ngành khác, ở môi trường khó khăn gian khổ hơn để rèn luyện, thử thách, sàng lọc cán bộ.

Qua thời gian luân chuyển, những người phát huy tốt năng lực, thể hiện đầy đủ bản lĩnh, thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công, làm chuyển biến được tình hình của địa phương, đơn vị mà cán bộ đó luân chuyển tới, đứng vững trước những thử thách cam go, cám dỗ vật chất sẽ được lựa chọn để cất nhắc, bố trí đảm nhiệm trọng trách cao hơn sau khi hoàn thành nhiệm vụ luân chuyển. Đây được xem là giai đoạn "thu hoạch" sau quá trình "vun bón, chăm sóc". Đồng thời, qua luân chuyển, thử thách từ thực tiễn, cũng giúp cấp ủy đánh giá, nhìn nhận chính xác hơn về trình độ, năng lực của các đồng chí chưa hoàn thành hoặc hoàn thành chưa tốt nhiệm vụ để bố trí, sắp xếp lại cho phù hợp.

Tuy nhiên, lựa chọn cán bộ tốt chưa đủ, cần phải biết khéo léo bố trí, sử dụng cán bộ đúng chỗ, đúng sở trường mới phát huy tốt năng lực của cán bộ. Sắp xếp, bố trí cán bộ phải vừa tầm, không quá cao hoặc quá thấp so với khả năng của cán bộ. Song, qua đúc kết từ thực tiễn, đối với cán bộ trẻ, có triển vọng thì có thể bố trí giữ trọng trách cao hơn so với khả năng để tạo động lực phấn đấu, giúp cán bộ phát triển nhanh hơn, trưởng thành sớm hơn.

Có thể khẳng định việc lựa chọn, bố trí sử dụng đúng cán bộ sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên hiện nay.

Trước hết, xin được nhắc lại đánh giá về những hạn chế yếu kém mà Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 khóa XI về xây dựng Đảng chỉ rõ: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống...". Có nhiều nguyên nhân giải thích về những hạn chế, yếu kém nêu trên, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ công tác cán bộ, mà chủ yếu là khâu bố trí, sử dụng cán bộ. Cách thức sử dụng và bổ nhiệm cán bộ của chúng ta thời gian qua còn nhiều bất cập, đôi lúc dễ dãi, cảm tính, chưa thực hiện chặt chẽ theo quy trình, có cả quan liêu, tiêu cực và có khi còn nặng về cơ cấu, bằng cấp, chưa căn cứ vào thực chất, khả năng trí tuệ sáng tạo của những người thật sự cần thiết cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác đánh giá cán bộ là khâu quan trọng nhất nhưng vẫn là khâu yếu nhất. Từ đó, nhiều người có đức, có tài chưa được bổ nhiệm hoặc giao nhiệm vụ không đúng sở trường, làm mai một trình độ, năng lực và ý chí của cán bộ.

Chính vì vậy, việc lựa chọn đúng người thật sự có tâm, có tầm, có tài, có đủ tiêu chuẩn chính trị và bố trí giữ trọng trách tương xứng sẽ không chỉ phát huy được năng lực, sở trường của cán bộ mà còn tác động mạnh mẽ, tạo được sự đồng thuận, "tâm phục, khẩu phục" đối với bộ phận, cán bộ thuộc quyền. Đó chắc chắn là những người luôn phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của đất nước, toàn tâm, toàn ý với công việc, là người tuyên truyền, phổ biến, dẫn dắt người khác thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, là tấm gương để người khác noi theo.

Ngược lại, nếu vì lý do nào đó mà lựa chọn không đúng cán bộ, bố trí cán bộ không đủ phẩm chất, không đủ tầm, không đủ năng lực lãnh đạo hoặc để những phần tử cơ hội, thực dụng lọt vào bộ máy của hệ thống chính trị thì hậu quả sẽ khó lường tùy theo trọng trách, chức vụ của người đó: người giữ chức vụ thấp thì ít gây hậu quả, người giữ chức vụ càng cao thì hậu quả gây ra sẽ càng nghiêm trọng hơn. Những cán bộ không có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực thường dễ dao động, mất phương hướng, dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, lợi ích cục bộ, thậm chí còn dung túng hoặc lôi kéo người khác theo mình.

Có thể nói việc lựa chọn, bố trí sử dụng đúng cán bộ là liệu pháp quan trọng, hữu hiệu để ngăn ngừa sự suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên, là giải pháp "phòng bệnh hơn chữa bệnh" trong công tác cán bộ. Thực tế, hiện nay có một bộ phận cán bộ, đảng viên đang "mắc những căn bệnh" như Nghị quyết T.Ư 4 , khóa XI về xây dựng Đảng đã nêu. Chúng ta phải thực hiện quyết liệt phác đồ để chữa dứt căn bệnh này, đó chính là một trong những giải pháp để thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

Trên cơ sở đó, hơn lúc nào hết, việc lựa chọn, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ gồm những người biết lo cái lo của dân, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy càng cấp thiết hơn lúc nào hết.

DƯƠNG THẾ DOÃN
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/2.670/l-a-ch-n-b-tri-s-d-ng-ung-can-b-1.358503