Lũ sớm đe dọa vựa lúa miền Tây

(TBKTSG Online) – Lũ về sớm và nhiều hơn mọi năm đã trở thành mối đe dọa đến hàng chục ngàn héc ta lúa đang trong giai đoạn thu hoạch của bà con nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong đó, theo báo cáo của một số địa phương, hàng ngàn héc ta lúa đã bị lũ nhấn chìm gây ảnh hưởng về năng suất, chất lượng do phải thu hoạch “chạy lũ”.

Ở các tỉnh đầu nguồn vùng ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Long An..., nước lũ lên cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 40 cm. Trong ảnh là một cánh đồng lúa bị nước lũ nhấn chìm. Ảnh: Trung Chánh

Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước lũ ở đầu nguồn vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục lên nhanh trong những ngày tới.

Cụ thể, mực nước thực đo tại trạm Tân Châu trên sông Tiền vào ngày 1-8 ở mức 2,96 mét và dự báo đến ngày 6-8 sẽ đạt mức 3,09 mét;  mực nước tại trạm Châu Đốc trên sông Hậu vào ngày 1-8 là 2,24 mét và dự báo đến ngày 6-8 đạt mức 2,32 mét.

Trong khi đó, trao đổi với TBKTSG Online, ông Ngô Văn Đại, ngụ xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An nói so với mọi năm, nước lũ năm nay về sớm hơn khoảng một tháng và nhiều khả năng đỉnh lũ sẽ bằng với đỉnh lũ của năm 2011. “Còn so với cùng kỳ năm ngoái, nước lũ năm nay hiện đã cao hơn khoảng bốn tấc (40 cm) và mực nước lũ như hiện nay đã ngang bằng với đỉnh lũ của năm 2016”, ông Đại nói.

Nước lũ về sớm và nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái đã khiến hàng ngàn héc ta lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch của bà con nông dân vùng ĐBSCL bị thiệt hại.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, tại ba huyện đầu nguồn của địa phương này, gồm Tân Hưng, Vĩnh Hưng và Mộc Hóa nước lũ đang đe dọa hàng ngàn héc ta lúa của bà con nông dân. Cụ thể, tính đến nay, đã có gần 3.500 héc ta lúa bị thiệt hại, trong đó có trên 125 héc ta lúa bị thiệt hại trên 70% năng suất; hơn 2.400 héc ta bị ngập và hơn 900 héc ta lúa buộc phải thu hoạch sớm để “chạy lũ”.

Ruộng lúa chỉ mới chín khoảng 70-80% cũng được nông dân thu hoạch "chạy lũ". Ảnh: Trung Chánh

Riêng tại huyện Tân Hồng, huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp, ông Phan Thanh Xuân, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, vụ lúa hè thu năm 2017, địa phương này đã thu hoạch được gần 16.000 héc ta trên tổng diện tích xuống giống là gần 24.900 ha, trong đó có 1.500 héc ta phải thu hoạch non để "chạy lũ".

Bà con nông dân đang bị ảnh hưởng do lũ cho biết trong vụ thu hoạch này họ không có lãi, thậm chí bị lỗ nặng do chi phí đầu tư tăng cao.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Huỳnh Thanh Hùng, ngụ ấp 4, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An cho biết “Mọi năm máy cắt ngon lành, chứ đâu có tình trạng ruộng ngập nước lênh láng như bây giờ”.

Theo tính toán của ông Hùng, chỉ riêng chi phí thuê nhân công cắt lúa đã lên đến 4 triệu đồng/héc ta trong trường hợp cắt thả (không thu gom lại) và 6 triệu đồng/héc ta trong trường hợp cắt và thu gom. “Đó là chưa kể chi phí thuê máy để phóng (tuốt) lúa và nếu tính luôn, thì chúng tôi cầm chắc lỗ nặng”, ông Hùng cho biết.

Ông Huỳnh Thanh Hùng, ngụ ấp 4, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An thu gom lúa từ dưới vỏ lãi (phương tiện vận chuyển) đưa lên bờ để chờ máy đến phóng. Ảnh: Trung Chánh

Trong khi đó, đối với những ruộng lúa chưa thu hoạch, bà con nông dân phải dồn sức gia cố đê bao và bơm rút nước để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. Thế nhưng, chi phí thuê máy bơm rút nước, mỗi héc ta nông dân phải chi trả đến 600.000 đồng. Còn với chi phí thuê máy cơ giới để gia cố đê bao, thì được tính trên đầu công, tức lấy tổng chi phí thuê máy chia cho tổng diện tích lúa trong khu vực được gia cố đê bao sẽ ra số tiền nông dân phải chi trả trên mỗi công đất.

Xáng cạp đang thực hiện gia cố đê bao bảo vệ lúa cho bà con nông dân. Ảnh: Trung Chánh

Bà Võ Thị Đức, ngụ ấp 1, xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An cho biết, hiện khu vực sản xuất lúa của bà vẫn chưa được gia cố đê bao, trong khi đó, nước lũ đã ngập hơn nửa cây lúa nên những ngày qua bà cũng như bà con nông dân nơi đây không ai dám phun xịt thuốc cho ruộng lúa. “Tụi tôi đang chờ gia cố đê bao và bơm rút nước ra mới dám xịt thuốc, chứ bây giờ không biết lúa có "ăn" được không, trong khi mỗi đợt phun như vậy phải đầu tư hết 2 triệu đồng (3 héc ta)”, bà Đức giải thích.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Văn Đát, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An cho biết, vụ lúa hè thu năm 2017, toàn huyện đã xuống giống được khoảng 22.000 héc ta. “Ngoại trừ một số xã ở khu vực cao như Bình Hòa Tây, Bình Thạnh đã thu hoạch xong, thì phần còn lại vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch”, ông Đát cho biết và khẳng định những ngày qua, địa phương đang tích cực cho gia cố các đoạn đê bao xung yếu và sẽ cho triển khai tiếp những ô đê bao còn lại nhằm đảm bảo 100% diện tích lúa của nông dân được bảo vệ an toàn.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/163265/lu-som-de-doa-vua-lua-mien-tay.html