Lũ mèo chính là thủ phạm hủy diệt rất nhiều sinh vật trong lịch sử

Trên con đường thống trị thế giới của loài mèo, chúng đã khiến cho rất nhiều loài động vật khác phải ra đi không kèn, không trống.

Nghĩ tới mèo , ta thường nghĩ tới gì? Cái bọn lúc nào cũng đuổi theo vật thể di động, hoảng sợ giật thót trước dưa leo, xuất hiện nhan nhản trên Internet cùng với sự nũng nịu "thảo mai" dễ dàng làm xiêu lòng bất cứ con người nào và biến họ thành nô lệ cho chúng.

Vâng, lũ mèo đang thống trị thế giới đấy! Có điều, chúng ta chỉ không biết rằng chúng đã bắt đầu hành động từ rất lâu rồi. Theo như nghiên cứu mới đây, mèo đã biến rất nhiều loài vật cản đường chúng thành dĩ vãng.

Lũ này mà làm được gì chứ?

Động vật tuyệt chủng là do đâu?

Trong quá khứ, không ít lần con người làm cho chính vùng đất địa phương của mình khốn đốn khi mang về cả bầy thú ngoại lai khi đi du dịch. Từ loài chim Dodo ở Mauritus đến Chuột túi chân lợn ở Úc, tất cả đều bị tuyệt chủng do các động vật từ nơi khác đến chèn ép, cạnh tranh.

Theo tiến sĩ Tim Doherty thuộc Trung tâm sinh thái Deakin, tác giả nghiên cứu: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ở nhiều nơi trên thế giới, các loài ăn thịt ngoại lai là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm và thậm chí là tuyệt chủng của các loài khác.". Theo ông, các loài thú như mèo phải chịu trách nhiệm tới 58% vụ tuyệt chủng của các loài chim, thú và bò sát trong vòng 500 năm trở lại đây.

Các loài ăn thịt ngoại lai là cơn ác mộng với động vật đặc hữu

Các số liệu ngày nay thì cho thấy có khoảng 596 động vật có xương sống đang chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ các loài ăn thịt như trên.

Lũ mèo – sát thủ một cách vô tình

Lũ mèo hoang thì không nói làm gì. Chúng là những sát thủ điêu luyện, luôn săn các loài động vật gặm nhấm nhỏ hoặc chim để sinh tồn.

Mèo hoang cũng là một loài cực kỳ "pro" khi săn trong đêm, nên ít có động vật nào lọt vào tầm ngắm của chúng mà còn sống sót cả. Mèo mẹ dạy mèo con săn mồi từ nhỏ, vì thế bản năng sinh tồn của chúng là không thể đùa được.

Hãy chú ý đến kĩ thuật săn nhé, mẹ sẽ không nói lần 2 đâu

Thế còn lũ mèo nhà thì sao? Một buổi tối nào đó bạn mệt mỏi trở về nhà, bạn lăn vào giường và thấy cái gì mềm mềm lạnh lạnh.

Bạn mò mẫm cầm lên thì thấy xác một con chuột gớm ghiếc. Bạn la lên, thầm nguyền rủa chúng và tự hỏi: "Mình có bỏ đói nó đâu!"

Em thích thì em bắt về thôi

Thực ra, chúng săn mồi vì sợ bạn chết đói đấy, như mèo mẹ đang bắt mồi cho mèo con (thế nên lần sau đừng giận chúng). Chúng nghĩ bạn không có kĩ năng, và "bắt mẫu" cho bạn chơi. Nếu chúng muốn ăn thì con chuột đã nát bét không còn dấu vết rồi, không có cho bạn cầm lên và la oai oái đâu.

Nhưng vì lý do gì đi nữa, thì chính vì tập tính săn mồi của chúng và việc con người đưa mèo đến mọi nơi trên thế giới, đã khiến sinh vật dễ thương của chúng ta trở thành một cơn ác mộng cho các động vật đặc hữu của địa phương.

Và cụ thể thì, trong lịch sử phát triển của Trái đất, mèo chịu trách nhiệm cho sự tuyệt chủng của 63 động vật có vú, chim và bò sát. Đó là con số đáng kể được thống kê lại một cách toàn diện nhất.

Cái... gì cơ

Thế đó, dù vô tình hay cố ý, thì lũ mèo đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên tại rất nhiều vùng đất chúng đặt chân đến.

Hiện nay, con người đang chuyển hướng bảo vệ các loài động vật đặc hữu ở địa phương. Chính phủ New Zealand là một ví dụ, đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm loại bỏ hoàn toàn các loài ăn thịt không đặc hữu, bao gồm cả mèo, trước 2050!

Và những nhà nghiên cứu của dự án mới nhất đây hi vọng rằng các quốc gia khác cũng nên thử kế hoạch này.

Nguồn: IFL Science

Theo Thiên Dung / Trí Thức Trẻ

Nguồn Kênh 14: http://kenh14.vn/lu-meo-chinh-la-thu-pham-huy-diet-rat-nhieu-sinh-vat-trong-lich-su-20161007030857328.chn