Lũ lụt miền Trung và những bức ảnh lay động tâm can

Nhà phao của dự án “Nhà chống lũ” đã nổi theo dòng nước – Ảnh sưu tầm

Bức ảnh tuyệt vọng

Một con bò ở xóm Cồn Vang, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình trở nên nổi tiếng bởi hình ảnh tội nghiệp gây xúc động của nó khi bị chìm trong nước lũ, chỉ còn lỗ mũi và đôi mắt. Những trái tim đa cảm có thể nhìn thấy ở đó tình cảnh tuyệt vọng, bất lực trong cơn bĩ cực mà những sinh linh vùng tâm lũ đang phải hứng chịu. Mức độ khủng khiếp của thiên tai thì đã đành, nhưng nỗi đau càng dày vò quay quắt hơn khi hình ảnh về tình cảnh tuyệt vọng, bất lực này được lan truyền và chia sẻ như một biểu tượng.

Con bò chìm trong nước lũ ở Quảng Bình – Ảnh sưu tầm

Lại cũng từ vùng tâm lũ Quảng Bình, xuất hiện một hình ảnh giá trị khác… Đó là hình ảnh hiếm hoi về những ngôi nhà phao, nhà bè, nhà nổi ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa đang trở thành phao cứu sinh bảo vệ mạng người và tài sản thiết yếu. Nhà phao chính là sáng kiến của bà con nơi đây, theo chị Phạm Thị Hương Giang, quản lý dự án “Nhà chống lũ”, thì năm 2010, Tân Hóa lụt lớn, có nơi nước trên 14m, thuyền đi ngang cột điện. Sau năm 2010, một hộ dân trong xã đi làm ăn ở miền Tây, học được cách làm nhà bè của bà con miền Tây đã về cải tiến lại để sử dụng tại xã mình.

Từ những mẫu nhà phao nguyên bản còn đơn sơ kết bằng vật liệu đơn giản dễ tìm như thùng phuy, gỗ, mái tranh, dự án “Nhà chống lũ” lấy làm cơ sở để thiết kế kỹ thuật thành mô hình nhà phao chống lũ tối ưu hơn, trên là kết cấu nhẹ với khung bằng gỗ, sắt, vách bằng mái tôn, dưới là thùng phuy nhựa, sắt để làm nổi. Nước dâng đến đâu, nhà sẽ nổi đến đấy. Có hẳn một phong trào làm nhà phao tại xã này, toàn xã có 668 hộ dân nhưng có 320 hộ có nhà bè. Trong đó, vào năm 2014, 2015, dự án “Nhà chống lũ” đã hỗ trợ người dân làm 62 căn nhà phao.

“Nhà phao đã nổi!”

Những người thực hiện dự án “Nhà chống lũ” reo lên vui mừng như thế khi nhận được hình ảnh người dân xã Tân Hóa gửi ra, một tin mừng hiếm hoi lúc mà lũ chưa xong, nước chưa rút, bão số 7 lại đang đe dọa, các hồ chứa thông báo tiếp tục xả lũ… Không vui sao được khi trong ngôi nhà phao đó, là sự sống của con người được bảo toàn, là thóc gạo cứu đói, là chút tài sản của những con người nghèo khổ. Có thể thấy được phương tiện thoát lũ chính ưu thế nhất vào lúc này là căn nhà phao, giá như người dân ở mọi vùng lũ đều có một căn nhà phao thì nước mắt con người đã không phải rơi vì mất người thân, vì cảnh tan cửa nát nhà, vì mất tài sản tích cóp bấy lâu trong dòng nước lũ.

Giữa một bên là hình ảnh con bò tuyệt vọng, bất lực, một bên là hình ảnh nhà phao đã nổi lên theo dòng nước cứu người. Mừng vì bò thoát chết, người cũng sống, nhưng hình ảnh nào cũng xót xa. Ngày trước thiên tai “đến hẹn lại lên”, nay không chỉ có thiên tai, tác động cộng hưởng từ việc xả lũ của hệ thống hồ chứa thủy lợi, đập thủy điện đẩy số phận con người vùng lũ vào tình thế bất trắc, dù đã đành phải chấp nhận quen với nó và chịu đựng bằng mọi khả năng có thể, nhưng nhiều khi trở tay không kịp…

Dự án “Nhà chống lũ” tiếp tục hành trình hỗ trợ người dân các vùng lũ khác tìm ra mẫu nhà thích hợp để triển khai! Chị Giang cho biết sẽ đi về “rốn lũ” huyện Hương Khê, Hà Tĩnh để triển khai gấp ở đây, để nếu như bất trắc “đến hẹn lại lên” mùa bão lũ sang năm, hình ảnh nhà chống lũ được chia sẻ thay vì hình ảnh con bò tuyệt vọng. Trong khi các phương án, kế hoạch lớn nhỏ phòng chống bão lũ được đưa ra, nhiều cuộc tranh cãi, chỉ trích, bắt lỗi hay ngược lại, không nhận trách nhiệm về hệ quả xả lũ… Rốt cuộc thì dân tự cứu mình, thương nhau và tự cứu nhau!

Nguyễn Việt Hà

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/ban-doc-viet/lu-lut-mien-trung-va-nhung-buc-anh-lay-dong-tam-can-602090.bld