Lũ lên nhanh, nhiều nơi ngập nặng

Sáng 4-12, mực nước trên các sông Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam) đã chững lại tuy nhiên trước thông tin khu vực miền Trung sắp đón đợt mưa lớn tiếp theo do ảnh hưởng không khí lạnh miền Bắc người dân vẫn chưa biết phải ứng phó như thế nào.

Nhiều diện tích trồng hoa màu ở Quảng Nam bị thiệt hại trong cơn lũ.

Xả lũ trong đêm, dân trở tay không kịp

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên trong những ngày qua các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 40-80mm. Riêng khu vực Quảng Nam – Quảng Ngãi có mưa rất to khiến nước sông dâng cao. Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên mức 8,5m, dưới báo động 3 là 0,5m, sông Thu Bồn tại Giao Thủy lên mức 8,3m, dưới báo động 3 là 0,3m. Trước tình hình trên hàng loạt thủy điện, hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tiến hành xả tràn khiến khu vực hạ lưu các sông ngập nặng.

Đến sáng ngày 4-12, dù mưa đã ngớt nhưng nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như TP Tam Kỳ, TP Hội An, Phú Ninh, Đại Lộc vẫn còn ngập sâu. Tranh thủ dọn dẹp lại nhà cửa anh Nguyễn Tấn (trú xã Tam Đàn, Phú Ninh, Quảng Nam) cho biết: “Thấy mưa lớn kéo dài nhiều ngày vợ chồng tôi cũng lo lụt vì khu vực này thấp trũng tuy nhiên thấy nước sông còn chưa cao lắm nên cũng nghĩ hết mưa thì thôi. Ai ngờ nửa đêm ngày 2-12 tôi nghe hàng xóm hô hoán hồ Phú Ninh xả lũ. Cả gia đình phải thức trắng đêm dọn dẹp”.

Còn bà Tám (trú H. Duy Xuyên) cho biết không nghe đài báo lũ nên bà cũng chủ quan. “Qua 23-10 ÂL rồi nên ai cũng nghĩ năm ni rứa là hết lụt rồi. Ai ngờ trời tha mà thủy điện... không tha! Đêm hôm mà nghe thủy điện Sông Tranh xả hồ đến 2.000m3/s tui quáng quàng dắt bò đi gửi rồi chạy về dọn dẹp nhà cửa. Nếu mà lũ lên do mưa thì còn nói có thời gian chuẩn bị, nước từ từ lên chứ còn lũ thủy điện về thì trở tay không kịp”.

Không chỉ hồ thủy điện Sông Tranh mà hàng loạt hồ thủy lợi Phú Ninh, Vĩnh Trinh, Đá Vách trên địa bàn Quảng Nam cũng tiến hành xả tràn. Ông Huỳnh Hoàng – Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, đơn vị quản lý vận hành hồ Phú Ninh cho biết lượng mưa khu vực lòng hồ vượt mức do đó đã tiến hành xả khoảng 90 triệu m3 nước, trung bình lưu lượng xả tràn khoảng 440m3/s.

Hiện nay, mực nước tại các trạm thủy văn đã đạt đỉnh và đang xuống chậm. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết: Các đơn vị quản lý các hồ Phú Ninh, Sông Tranh 2 và thủy điện Đắc Mi 4 đang tiến hành giảm xả nước để hạn chế tình trạng ngập sâu trên diện rộng.

Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ngập sâu.

Xơ xác làng rau Bàu Tròn

Nước lũ đột ngột đổ về khiến hàng chục héc-ta rau ở làng Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) bị thiệt hại. Bao dự tính của người nông dân cho vụ rau ngày Tết vì thế cũng tan biến theo nước lụt. Ngày 4-12, khi nước lụt dần rút ra khỏi cánh đồng thì người dân thôn Bàu Tròn mới nhìn thấy hết những thiệt hại to lớn mà nó gây ra. Những sào rau, ớt, khổ qua và đu đủ bị bùn đất bám chặt, dần héo úa, nhiều diện tích hoa màu khác vẫn còn bị ngập trong nước. Vùng rau sạch Bàu Tròn xanh tươi hôm trước bây giờ chỉ còn là màu xám ngắt của bùn đất và nước lũ. Tất tả xách nước rửa bùn bám vào từng cây rau, vợ chồng anh Huỳnh Văn Thành (thôn Bàu Tròn, Đại An) hy vọng làm thế sẽ vớt vát lại phần nào thiệt hại. “Hy vọng rứa thôi chứ rau mà ngập nước lụt rồi thì khó sống lắm. Như ri là mất hết rồi”, anh Thành than thở.

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo: Từ đêm ngày 5-12 đến ngày 9-12, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên khu vực Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt mưa lũ lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1-2. Hiện nay, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục ở khoảng 5-8 độ vĩ Bắc nên khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa); vùng biển từ Bình Thuận - Cà Mau, Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Dự báo trong ngày và đêm nay, các vùng biển nói trên tiếp tục có mưa dông mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh, sóng biển cao từ 1.5-2.5m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

B.T

Đầu tư gần 10 triệu đồng canh tác 4 sào rau các loại như khổ qua, ớt, dưa leo để kịp bán trong dịp Tết, tuy nhiên mưa lớn những ngày qua làm nước sông Thu Bồn – Vu Gia dâng cao, khiến bao công sức và vốn liếng gia đình anh Thành mất trắng. “Trong ngày 3-12, nước lụt dâng lên rất nhanh, chỉ vài giờ đồng hồ là nước ngập hết đồng rau. Nông dân chúng tôi ai cũng bất ngờ, bởi có ai nghĩ lại có nước lụt vào thời điểm này”, anh Thành nói. Theo kinh nghiệm nhà nông, sau ngày 23-10 âm lịch là có thể xuống giống gieo trồng đại trà, điều đó được người xưa đúc kết bằng câu “ông tha mà bà chẳng tha, làm cho cơn lụt 23-10”, thế nên cơn lũ xuất hiện vừa qua khiến cho nông dân làng rau Bàu Tròn thiệt hại lớn, khi gần 100% diện tích canh tác ở làng Bàu Tròn đã được nông dân gieo giống.

Anh Phan Nghĩa (thôn Bàu Tròn) cho biết cơn lụt khiến gia đình anh mất trắng 5 sào hoa màu, gồm đu đủ, ớt và rau cải. “Tôi đã cẩn thận xuống giống sau ngày 23-10 thế mà nước lụt lại bất ngờ xuất hiện nên đu đủ và rau chết hết. Số rau này chừ nhổ bỏ chứ không cứu được nữa. Tết nhất đều trông vào vụ rau này nhưng chừ nước lụt thế này thì mất hết. Thời tiết bây giờ diễn biến khó lường quá”, anh Nghĩa tâm sự. Làng rau Bàu Tròn là nơi sản xuất và cung cấp rau sạch lớn của Quảng Nam, mang lại nguồn thu không nhỏ cho người nông dân, thế nên cơn lũ đột ngột vừa qua khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ông Đỗ Văn Hòa – Chủ tịch UBND xã Đại An (H. Đại Lộc) cho biết, nước lụt đã khiến gần 47ha đất sản xuất rau trên địa bàn xã bị thiệt hại, ngoài ra hơn 200ha hoa màu cũng bị ngập. “Cơn lũ này khiến cuộc sống của người dân trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn, bởi đây là vụ rau chính trong năm cung cấp cho thị trường Tết. Bây giờ nông dân tái sản xuất cũng khó, bởi bao nhiêu vốn và giống cây đều đã gieo trồng đợt vừa qua. Vì vậy nông dân rất mong được hỗ trợ giống cây trồng để sớm sản xuất trở lại”, ông Hòa nói.

Thiệt hại nặng

Tính đến 7 giờ ngày 4-12, theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy PCTT và TKCN, tại tỉnh Quảng Nam có 3 người chết trong lũ đều là trẻ em. Cả ba đều bị nước lũ cuốn trôi vào sáng 3-12. Ông Nguyễn Phi Thạnh, Chủ tịch UBND H. Phú Ninh, cho biết khoảng 6 giờ 30 ngày 3-12, chị Trần Thị Vũ (28 tuổi, trú xã Tam Đàn, H. Phú Ninh) điều khiển xe máy BKS 92-B1 263.09 chở theo đứa con trai 5 tuổi hướng từ H. Phú Ninh xuống Tam Kỳ. Khi đi qua khu vực cầu Tây Yên (xã Tam Đàn) thì bị dòng nước lũ cuốn trôi. Người dân phát hiện đã nhanh chóng cứu giúp nhưng chỉ chị Vũ được cứu sống.

Sáng cùng ngày, trong lúc chơi đùa trong nước lũ, em Phùng Quốc Dũng (HS lớp 8 Trường THCS Quế Lộc, H. Nông Sơn, Quảng Nam) cũng bị nước lũ cuốn trôi. Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng và người dân tổ chức tìm kiếm và thi thể của em học sinh xấu số này đã được tìm thấy vào sáng cùng ngày. Cùng ngày, cháu Lê Thị Hồng Hạnh (2003, trú Tam Anh Bắc, H. Núi Thành) bị đuối nước trên đường đi học về.

Theo thống kê, có tất cả 1.164 nhà ở các huyện Nông Sơn, Núi Thành và TP Tam Kỳ bị ngập, 2 ngôi nhà của ông Đoàn Văn Cam, Đoàn Văn Bá ở xã Tam Lãnh, H. Phú Ninh bị sập do lở đất. Ngoài ra, một số khu dân cư, các thôn ở huyện Thăng Bình và Núi Thành cũng bị ngập nặng. Mưa lũ cũng khiến một số tuyến đường giao thông bị chia cắt, 60 m bờ kênh ở H. Thăng Bình bị trôi, bồi lấp, gần 68ha hoa màu bị thiệt hại. Bên cạnh đó, ngày 3-12, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý địa cầu, cho biết vào lúc 8 giờ 30, một trận động đất có độ lớn 2,4 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 15.325 độ vĩ Bắc, 108.084 độ kinh Đông (thuộc địa bàn H. Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), độ sâu chấn tiêu khoảng 7km.

H.Dung - H. Anh

NỖ LỰC TÌM NGƯỜI NGHI MẤT TÍCH

Chiều 30-11, trong lúc mưa to ông Đinh Kim Hùng (1960, trú thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa, H. Núi Thành, Quảng Nam) đi từ xã Tam Nghĩa lên xã Tam Mỹ Tây. Lúc qua đoạn đường ngập nước thuộc thôn 6, xã Tam Mỹ Tây, bị rơi xuống rộng. Đến chiều 3-12, nhân dân phát hiện chiếc xe nằm dưới rộng ven đường vớt lên, xác minh đó là xe của ông Đinh Kim Hùng. Trước đó, gia đình có báo với CAX Tam Nghĩa ông Hùng đi mấy ngày chưa về. Hiện lực lượng chức năng địa phương tiếp tục tổ chức tìm kiếm. Được biết đây là đoạn đường dễ xảy ra ngập nước, chảy xiết. Trong mấy ngày mưa lũ vừa qua đã có 3 người trôi nhưng nhờ nhân dân gần đó kịp thời cứu vớt.

Nhân dân và lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm ông Đinh Kim Hùng.

Lê Huỳnh Dạ Thảo

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_158622_lu-len-nhanh-nhie-u-noi-nga-p-na-ng.aspx