Lớp võ đặc biệt cho trẻ tự kỷ

Lớp võ đặc biệt này diễn ra vào sáng thứ 4 hằng tuần tại Nhà Thiếu nhi quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.

Võ sư Hoàng Mai hướng dẫn võ sinh thư giãn trong giờ học.

Thông qua các lớp dạy võ thuật, võ sư Lê Hoàng Mai (ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) đã giúp hàng trăm trẻ khuyết tật, tự kỷ hòa nhập cộng đồng. Ông cũng mở nhiều lớp võ miễn phí cho hàng ngàn công nhân, người lao động, học sinh tham gia rèn luyện sức khỏe và tự vệ.

Suốt 10 năm qua, Nhà Thiếu nhi quận Phú Nhuận đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều trẻ khuyết tật. Các em đến đây để học võ vào các tối thứ 3, 5, 7 hằng tuần. Tham gia lớp võ này, các em được rèn luyện thể lực để trở nên hoạt bát, nhanh nhẹn và lạc quan hơn. Từ lớp võ này, nhiều võ sinh khuyết tật đã trưởng thành và theo võ sư Hoàng Mai dạy kèm, hướng dẫn cho học sinh ở các lớp võ khác.

Đặc biệt, khoảng 3 tháng trước, khi thấy một phụ huynh đến lớp võ của thầy xin học cho con bị tự kỷ, võ sư Hoàng Mai đã quyết định mở thêm một lớp võ đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ với sự hỗ trợ của nhiều tình nguyện viên là học trò võ thuật. Lớp võ đặc biệt này diễn ra vào sáng thứ 4 hằng tuần tại Nhà Thiếu nhi quận Phú Nhuận.

Võ sư Hoàng Mai chia sẻ: Những ngày đầu, lớp võ cho trẻ tự kỷ hoạt động chật vật do các em không giao tiếp và tự tạo vỏ bọc với mọi người xung quanh. Một số em tự kỷ nặng có khuynh hướng bạo lực, thường xuyên đập đầu vào tường hoặc cào cấu tình nguyện viên hướng dẫn. Để khắc phục tình trạng này, tôi chọn mở các bài nhạc nhẹ nhàng trong giờ dạy để các em thư giãn, kiên trì hướng dẫn cho từng em với lòng quyết tâm mang đến cho các em sự thay đổi. Dần dần, các em tự kỷ đã biết ngồi yên khi thầy hướng dẫn, bắt đầu làm quen với các động tác, thế tấn võ Aikido.

Hai em Yến Linh, Hà Thanh bị hội chứng down là những học viên đầu tiên của lớp võ. Qua 3 tháng tham gia lớp học, các em đã có thể cười nói vui vẻ với mọi người, tập được nhiều thế võ và biểu diễn được các động tác tự vệ khi bị tấn công. Tương tự, các em tự kỷ hay đập đầu vào tường, cào cấu người khác đã kiểm soát được các hành vi bạo lực và chịu khó học võ.

Võ sư Lê Hoàng Mai cho biết: Nhiều trẻ tự kỷ không còn thói quen giao tiếp, từ đó trở nên xa lánh mọi người, kể cả người thân trong gia đình. Vì vậy, tôi đưa các em đến với võ thuật để rèn luyện thể lực, có những cách giao tiếp, hướng dẫn gần gũi tùy vào tính cách của từng em. Khỏe về thể chất, tinh thần được minh mẫn thì tự các em sẽ giảm được sự tự kỷ và tham gia giao tiếp với mọi người nhiều hơn.

Không chỉ dừng lại ở việc mở lớp võ miễn phí dành cho trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ, nhiều năm qua, võ sư Lê Hoàng Mai đã phối hợp với Liên đoàn Lao động, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quận Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, các doanh nghiệp, trường học trên địa bàn thành phố mở các lớp võ dành cho phụ nữ, công nhân, học sinh, sinh viên rèn luyện sức khỏe và phòng vệ.

Võ sư Lê Hoàng Mai mong muốn, thông qua các lớp võ sẽ giúp các em thiệt thòi hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, những lớp võ dành cho phụ nữ, công nhân, học sinh, sinh viên sẽ giúp các đối tượng này nâng cao sức khỏe, khả năng phòng vệ khi bị tấn công... Đó cũng chính là mục tiêu của 2 dòng chữ được dán trang trọng trong lớp dạy võ: Học võ để yêu thương - Tự vệ tránh xung đột.

Bài và ảnh: Xuân Dự (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/lop-vo-dac-biet-cho-tre-tu-ky-20161127073621528.htm