Lớp học tình thương – ngôi nhà thứ hai của trẻ em khó khăn

Tiin.vn - Hãy cùng Tiin.vn đến thăm lớp học tình thương, nơi những trẻ em nghèo làm quen với con chữ nhé

Đến thăm lớp học tình thương nằm khuất trong con hẻm 18, phường Linh Trung, quận Thủ Đức vào một chiều cuối tháng 5. Đúng như cái tên của lớp học, thầy cô và học sinh ở đây đến với nhau bằng tình thương là chính, học sinh gồm đủ mọi lứa tuổi, làm đủ mọi ngành nghề từ bán vé số đếm nhặt ve chai, ẳm em thuê… Đêm về, khi những bộn bề cuộc sống đã tạm rời xa, các em đến với lớp học và ê a con chữ, cười nói hồn nhiên với đúng cái tuổi của mình…

Khi động lực đến từ trái tim

Anh Nguyễn Xuân Thạch (từng là sinh viên ĐH Nông Lâm, Tp.HCM) được xem như chủ nhiệm của lớp học khi gắn bó với nơi này từ ngày được Đoàn phường thành lập đến giờ. Anh chia sẻ “Thầy cô trong lớp học này hầu hết là các bạn sinh viên, có bạn đang là sinh viên năm 2, có bạn chỉ vừa mới đi dạy một tuần nhưng ai cũng nhiệt tình với công việc. Đến với tụi nhỏ bằng tình thương là chính nên không ai nề hà chuyện lớn nhỏ gì. Lớp học này dành cho con em những người nhập cư sống quanh khu này, tuổi từ 5 đến 10, hầu hết hoàn cảnh các em rất khó khăn và bố mẹ thì không mặn mà lắm chuyện học hành của con cái. Có lúc, chúng tôi phải đến vận động từng nhà một để các em được đến lớp!”

Các em nhỏ hăng say học tập dưới sự diều dắt của các thầy cô sinh viên

Hiện, lớp học đã có sỉ số 15 em và người “học giỏi” nhất đang học đến lớp ba. Đó là cậu bé có khuôn mặt ưa nhìn, đôi mắt sáng Trần Văn Dương (10 tuổi), em nói: “Ba mẹ em làm nghề bốc xếp, em là con thứ tư nhà, trước em có anh trai và sau em còn có hai đứa em nữa. Bố mẹ không có tiền nên không thể cho em đến trường được nhưng em rất vui vì thầy cô ở đây đã dạy chữ cho em, dạy cho em biết tính toán nữa. Em rất thích học toán, đó là môn em giỏi nhất!”

Nét đáng yêu và sang sủa của em Trần Văn Dương - một trong những học sinh của lớp học tình thương

Theo lớp mới chỉ vài tuần nhưng bạn Lê Thị Nhung (hiện là sinh viên năm 2 trường ĐH Ngân Hàng, TP.HCM) nói: “ Mình biết đến lớp học này thông qua một vài người bạn, vốn rất thích trẻ con và muốn giúp các em biết đọc, biết viết nên mình đánh liều xin vào dạy. May sao, mọi người vui vẻ chào đón mình ngay. Nhiệm vụ của mình là kèm các em nhỏ tập viết và dạy chúng học đọc, học tính. Hiện tại mình đang dạy cấp 1 trong lớp. Nhìn chung các em khá sáng dạ nhưng đôi lúc còn quên bài vì ngoài những giờ lên lớp các em phải phụ giúp gia đình rất nhiều nên không có nhiều thời gian để ôn bài.”

Sách vở và các dụng cụ học tập của các em đều là những món đồ từ quyên góp mà có, lớp học bắt đầu vào 5 giờ chiều mỗi ngày và kết thúc lúc 7h30 đêm. Học sinh đến lớp được học các môn cơ bản như đọc viết tiếng Việt, học làm toán, học vẽ và cách ứng xử. Khi thấy chúng tôi đến lớp, các em đều tỏ ra thân thiện và chủ động bắt chuyện trước khi chúng tôi kịp hỏi thăm các em. Hầu hết các em ở đây tuy tuổi còn rất nhỏ nhưng rất lanh lợi và nhanh nhảu, có lẽ một phần là vì các em ra đời sớm…

Nếu có quyết tâm, không gì là không thể!

Khi lớp học sắp kết thúc, đã thấy thấp thoáng vài vài phụ huynh đến đón con, bắt chuyện với chị Minh Thu (32 tuổi, phụ huynh của 2 bé trai đang theo học lớp này) nói: “Tui là người miền tây lên đây được gần 1 năm, hai vợ chồng làm phụ hồ ngày kiếm được đủ ăn là mừng lắm rồi nghĩ gì đến chuyện học hành của tụi nhỏ nữa. May mà có cái lớp học tình thương này, anh em tụi nó mới biết đọc biết viết chứ nếu cứ bán vé số miết thì cũng sớm mà mù chữ như vợ chồng tui thôi. Như thế khổ lắm!”. Khi chúng tôi hỏi thêm chị có định cho cháu học ở trường ngoài sau khi kết thúc khóa học ở đây, chị Thu lắc đầu ngán ngẩm: “Chắc không đâu, tụi tui là dân nhập cư làm thuê nay đây mai đó, biết sẽ ở đâu mà cho cháu theo học, với lại, tiền đâu mà học?”

Hầu hết các em ở đây đều không được bố mẹ quan tâm việc học và việc có tiếp tục theo học một lớp cao hơn sau khi kết thúc khóa học ở lớp tình thương hay không vẫn còn là chuyện khó nói của tương lai. Trao đổi với anh Thạch, chủ nhiệm lớp, anh nói: “ Các em ham học lắm nhưng vì cuộc sống quá khó khăn nên đành bỏ dở nửa chừng để phụ giúp gia đình, tôi hi vọng các bậc phụ huynh thấy rõ hơn vai trò của việc học trong tương lai của những đứa con mình…”

Các em say mê nghe giảng và tập viết, tập đọc dù có sự xuất hiện của người lạ

Bí thư đoàn phường Linh Trung Nguyễn Ngọc Quỳnh Loan cho biết đầu năm 2013 lớp học tình thương ở khu phố 5 vừa được UBND phường nâng cấp thành lớp phổ cập. Sau khi kết thúc khóa học ở đây các em vẫn được cấp học bạ và giấy chứng nhận hoàn thành bậc phổ cập tiểu học, có thể nộp đơn và tiếp tục theo học ở các lớp phổ cập cấp 2, 3. Vấn đề là ở các em có quyết tâm học hay không, nếu có, không gì là không thể!

Thầy và trò ở lớp học tình thương

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/thien/xong-lop-hoc-tinh-thuong-ngoi-nha-thu-hai-cua-tre-em-kho-khan.html