Lớp học đặc biệt của thầy giáo khuyết tật giữa vùng rốn lũ Hà Tĩnh

Là người nông dân không có bằng cấp lại bị tàn tật, đi lại khó khăn nhưng ông Dũng đã có gần 20 năm dạy học, giúp hàng nghìn học sinh nghèo vùng rốn lũ Hương Khê đỗ đạt thành tài.

Ông Đặng Tiến Dũng (61 tuổi, trú thôn 6, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) bị khuyết tật nhưng đã có gần 20 năm dạy học, chắp cánh ước mơ cho biết bao lứa học sinh nghèo đỗ đạt.

Những ngày đầu năm, chúng tôi vượt quãng đường gần 50 km về vùng rốn lũ huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh). Tại đây, chúng tôi có dịp ghé thăm nhà ông giáo làng Đặng Tiến Dũng.

Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ, ông Dũng dành trọn một góc nhà rộng rãi nhất để làm phòng học với bàn ghế ngay ngắn, bảng đen sạch bóng.

Đang trong giờ dạy nên ông Dũng xin lỗi chưa thể tiếp chuyện và bảo chúng tôi ngồi đợi. Thời gian nghiêm chỉnh như một giờ dạy ở trường.

Chính điều này khiến chúng tôi càng hiểu rõ hơn lý do mà nhiều phụ huynh tin tưởng và giao phó con em mình cho ông giáo làng.

Giữa trưa, học sinh tan lớp, ông Dũng mới có thời gian cùng chúng tôi trò chuyện. Vừa rót nước, ông Dũng vừa vui vẻ tâm sự.

Ông Dũng vốn là một người nông dân không có bằng cấp, chỉ học hết lớp 9, việc học của ông cũng từng phải dang dở nhiều lần vì bệnh tật.

Năm học lớp 1, một cơn sốt cao đã khiến ông Dũng bị bại liệt, teo cơ toàn thân không thể đi lại được. Mặc dù đã chạy chữa khắp nơi, qua thăm khám nhiều bệnh viện lớn nhỏ nhưng gia đình cũng chỉ nhận được cái lắc đầu từ bác sỹ.

Lớp học đặc biệt của thầy "giáo làng" Đặng Tiến Dũng.

Trở về nhà, dù đi lại khó khăn nhưng ông Dũng vẫn mong muốn được cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Thấy con ham học, bố mẹ thay phiên nhau cõng con tới trường mỗi ngày.

Thế nhưng, học đến lớp 7 căn bệnh cũ lại bắt đầu tái phát với những cơn đau dữ dội, gia đình phải đưa đến bệnh viện quân đội 108 ở Hà Nội chữa trị.

Sau 2 năm, ông Dũng trở về với một chân bị khuyết tật hoàn toàn.

Dốc hết tiền của chữa bệnh, kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, trường học lại sơ tán xa, sức khỏe yếu đi nhiều, ông đành tạm gác lại việc học khi chỉ học đến lớp 9.

Vốn thông minh, học giỏi nên khi nghe tin Dũng nghỉ học, bạn bè, thầy cô ai cũng đều tiếc nuối.

“Lúc đó, tôi cảm thấy cuộc đời thật bất công với mình, tôi như không còn chút hy vọng nào vào cuộc sống. Nhưng nhìn cha mẹ vẫn đổ mồ hôi lo cho tôi, lo cho anh chị em trong nhà ăn học nên tôi cố lấy đó làm niềm tin mà sống tiếp, và xem đó là số phận của mình”, ông Dũng bùi ngùi.

Điều may mắn nhất cuộc đời ông Dũng là lập gia đình và có cho tổ ấm của mình 4 đứa con. Cuối năm 1984, sau một thời gian tìm hiểu, thầy “giáo làng” và cô gái cùng xã Phạm Thị Hồng đã nên duyên vợ chồng trong sự chúc phúc của hai bên gia đình cũng như bà con lối xóm.

Ông Dũng đã có gần 20 năm chắp cánh ước mơ cho hàng ngàn học sinh vùng lũ.

Cũng từ khi lập gia đình, ông Dũng phải bươn chải làm đủ mọi thứ nghề từ kế toán, bưu điện, đến buôn bán, thợ xây, thợ mộc,… miễn sao có tiền lo cho gia đình, cho các con được ăn học.

Vất vả, khó khăn là thế, nhưng hằng ngày đi làm về ông lại cặm cụi nghiên cứu sách vở, trau dồi kiến thức vừa giảng dạy kèm cặp 4 người con ăn học.

Cứ thế, con học đến lớp nào là cha học đến lớp đó. Ông Dũng tự học và nhiều lúc làm học trò của con.

“Hồi đó, tôi còn làm thợ mộc, ngày đi làm thuê, đêm về mày mò nghiên cứu sách, mấy cha con cùng học tới khuya suốt mấy năm trời, rồi dần dần tôi cũng tích lũy được chút kiến thức từ việc học và kèm cặp các con”, ông Dũng nhớ lại.

Cũng trong thời gian này, có 18 học sinh trong xã tới xưởng xin làm mộc. Thấy cháu nào cũng ham học, ông Dũng lại kèm cặp cho học cùng.

“Lúc đó tôi nói với mấy đứa, tuổi các con chưa phải tuổi đi làm công việc của các con là phải học và thi đỗ cấp 3 thì sau này các con mới không hối hận. Nghe tôi nói, cả 18 đứa quyết tâm theo học đến cùng”, ông Dũng nhớ lại.

Thật may mắn, không lâu sau đó, tất cả 18 học sinh thi lại đều đỗ tốt nghiệp, trong số đó sau này có nhiều em đỗ cả đại học. Cũng trong khoảng thời gian này, 4 người con ông Dũng đều đỗ vào các trường đại học danh tiếng.

Thấy con cháu, những học sinh của ông Dũng đều siêng năng, học hành giỏi giang, nhiều phụ huynh trong làng, trong xã đều đưa con tới nhờ kèm cặp, dạy phụ đạo.

“Thật sự lúc đó rất bất ngờ, tôi chỉ tự học, không có bằng cấp gì nên chẳng dám nhận lời. Nhưng được mọi người động viên, lại thấy nhiều em học sinh ham học muốn được tôi giúp đỡ nên tôi cũng gật đầu”, ông Dũng tâm sự.

Ông Dũng đang gieo những vần chữ tương lại học học sinh vùng lũ Hương Khê.

Năm 1998, ông Dũng bắt đầu có lứa học sinh học sinh đầu tiên, lớp học có 28 em vừa thi trượt lớp 10. Sau 3 tháng ôn luyện tất cả cả em đều thi đỗ vào lớp 10 với số điểm cao, thậm chí có em trước đó thi được 0 điểm sau khi ôn luyện đã đạt 8 điểm.

Tiếng lành đồn xa, lớp học của thầy “giáo làng” ngày càng đông, từ học sinh lớp 3 đến những sinh viên trượt đại học.

Ông Dũng phải chia ra 3 ca với 6 lớp học. Một lớp học của ông có nhiều em học lớp khác nhau vì thế ông phải kèm cặp từng em, thay đổi từng bài toán phù hợp với từng học sinh.

Em Phan Thị Giang (học sinh lớp 7, trường THCS Phúc Đồng) chia sẻ: “Em học thầy Dũng cũng được hơn 2 năm rồi, học ở đây rất thoải mái, không gò bó, thầy lại dạy phù hợp với lực học nên bọn em dễ tiếp thu hơn. Từ ngày học thầy Dũng kết quả học của em tăng rõ rệt”.

Chị Đặng Thị Hoài, (trú xã Phúc Đồng, phụ huynh có 2 con theo học lớp thầy Dũng) tâm sự: “Tôi có hai đứa con theo học thầy Dũng, một đứa giờ đã vào đại học còn một đứa đang học lớp 11. Trước đây con tôi học rất kém, tôi đã nhờ nhiều thầy cô kèm cặp nhưng kết quả vẫn không lắm khả quan.

Nghe có thầy Dũng ở xã Phúc Đồng cách nhà khoảng 20 km dạy giỏi, tôi đã đưa hai cháu xuống nhờ thầy kèm cặp. Qua đó, hai cháu học ở đây về thấy tiến bộ và chăm ngoan, học giỏi hẳn lên nên hai vợ chồng cũng rất vui mừng”.

Những học sinh đến học lớp ông Dũng chỉ phải đóng từ 10 – 20 nghìn đồng/ buổi học trong khi học ở ngoài mỗi buổi học lên đến 40 nghìn đồng.

Thậm chí, thấy nhiều em có hoàn cảnh khó khăn ông lại không thu học phí.

Thấy cuộc sống của vợ chồng ông Dũng khó khăn, vất vả lại dạy không công nên nhiều phụ huynh bàn với nhau thu mỗi em một ít tiền, coi như tiền học phí, tiền mua phấn phục vụ cho việc học tập.

Đặc biệt, phụ huynh đã lập nên quỹ cha mẹ học sinh để lấy đó mua quà trao tặng cho những em có kết quả học tập tốt theo các tháng, các kỳ, nhằm khích lệ các em hơn.

Ông Dũng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Đến nay, sau gần 20 năm dạy học, ông Dũng đã đào tạo hàng nghìn học sinh nghèo vùng rốn lũ Hương Khê thoát cảnh thất học.

Ông Dũng cũng giúp hàng trăm em có giải trong các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh và đỗ đại học. Nhiều em đỗ vào các trường đại học danh tiếng với điểm số rất cao.

Với những thầm lặng, cống hiến của mình cho sự nghiệp trồng người, thầy “giáo làng” Đặng Tiến Dũng đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của xã, huyện.

Đặc biệt, năm 2010 ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen khi đã có thành tích trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tổ chức tại thủ đô Hà Nội.

Năm nay đã ngoài 60 tuổi, gần 20 năm đứng lớp, thầy giáo làng Đặng Tiến Dũng tâm niệm: “Việc dạy học chẳng vì để nhận lại điều gì, chỉ mong các em học ra có được tương lai thành đạt nhờ con chữ. Sau này còn nhớ thì trở về ghé thăm là thầy vui rồi”.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/lop-hoc-dac-biet-cua-thay-giao-khuyet-tat-giua-vung-ron-lu-ha-tinh-805567.html