Lớp học đặc biệt của bà Cam

GD&TĐ - Tám mươi sáu tuổi, bà Phan Thị Cam được người dân làng Thượng Xá (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) nhắc đến một cách kính trọng, biết ơn và khâm phục không chỉ bởi thành tích chiến đấu anh dũng trong những ngày đất nước còn chiến tranh, mà còn bởi hôm nay, bà đã thực sự là một “người thầy” trong việc tu dưỡng đạo đức, định hướng tương lai cho nhiều thanh thiếu nhi trong địa phương.

Những kí ức không thể nào quên

Đến với cách mạng, năm 11 tuổi, bà Cam chính thức được giao làm công tác giao liên, 20 tuổi, bà làm Tổ trưởng Tổ giao liên, Trưởng ban đấu tranh chính trị và du kích hợp pháp trong vùng địch hậu của huyện Hải Lăng. Ngày đó, nhìn cô gái trẻ thông minh, gan dạ lại xinh đẹp như bà Cam tham gia cách mạng, ai cũng nể phục.

Thấy bọn địch nhiều lần tổ chức đi càn quét bắt bớ những người hoạt động cách mạng, cướp của cải của dân, bà vận động mọi người trong làng đứng ra đấu tranh. Đêm đêm, bà cùng chị em trong làng đến các đồn bốt hò địch vận. Đến ngày kí kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, bất chấp súng gươm kẻ thù kề bên, bà lại là người đi đầu hô vang khẩu hiệu “Đả đảo Bảo Đại, ủng hộ Hồ Chí Minh. Hoan hô Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết”…

Hiếm có một nữ chiến sĩ nào lại có sức chịu đựng và sức sống mãnh liệt như bà Cam, khi bị địch bắt tù đày 4 lần với thời gian giam cầm hơn 9 năm 7 tháng. Lần đầu tiên, đó là năm 1954, bà bị địch giam ở quận Hải Lăng. Hết đòn tra tấn này đến đòn tra tấn khác, đều không khuất phục được khí tiết người cộng sản trung kiên này. Bất lực trước bà, tháng 11 năm đó, bọn chúng đành thả bà ra. Mới ra tù hôm trước, hôm sau bà đã tham gia cách mạng. Rồi bà lại bị bắt, bị địch tra tấn dã man cho chết đi sống lại. Nhưng trước sau như một, bà vẫn giữ tấm lòng sắt son theo Đảng, theo Bác Hồ. Điệp khúc thả về, bị bắt được lặp đi lặp lại. Đến lần thứ 4, địch quyết tâm không thả mà đưa bà Cam đi giam hết nhà tù này đến nhà tù khác. “Đó là năm 1957, tôi bị bắt giam ở nhà lao Quảng Trị, Xoa Rào Quán (Khu trù mật). Đến năm 1962, tôi vượt ngục lên miền Tây Quảng Trị tiếp tục hoạt động cách mạng”, bà tự hào kể lại.

Ngày đất nước thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà, bà Cam trở về quê hương, và giữ nhiều cương vị khác nhau trong bộ máy chính quyền huyện Hải Lăng. Năm 1980, sau khi nghỉ hưu, tưởng như bà sẽ an dưỡng tuổi già với đàn cháu thân yêu (bà không lấy chồng), nhưng, cuộc đời người chiến sĩ ấy vẫn chưa hết nỗi thăng trầm. Năm 1987, bà ốm một trận thập tử nhất sinh. Nhiều người nghĩ bà không qua khỏi. Thế nhưng, điều kì diệu là, sau hơn 10 năm vật lộn với bệnh tật, cuối cùng bà đã chiến thắng. Đặc biệt hơn, từ đó, bà Cam tiếp tục cống hiến cho xã hội bằng những việc làm đáng trân trọng…

Người “chiến sĩ văn hóa”

Năm 2005, khi tinh thần và trí tuệ đã minh mẫn trở lại, bà Cam lại có nhiều niềm trăn trở. Chứng kiến những đứa trẻ trong làng có nhiều thói hư tật xấu như hút thuốc, uống rượu, lêu lổng trộm cắp vặt vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, phụ huynh lại mải lo mưu sinh, ít có thời gian chăm sóc con cái, bà quyết định báo cáo với Chi bộ, xin ý kiến để tập hợp, giáo dục, dạy dỗ cho các cháu điều hay lẽ phải. Sau một thời gian kiên trì vận động, đến 2/2005, “Tổ thiếu nhi tình thương Hồ Chí Minh” của bà Cam được thành lập. Từ đó, căn nhà nhỏ của bà trở thành lớp học đặc biệt, ở đây không có bục giảng, không phấn trắng, nhưng lúc nào cũng đầy ắp tình thương. Bà Cam lấy tiêu chí “5 điều Bác Hồ dạy” để phân tích, dạy cho các cháu trong Tổ áp dụng vào học tập cũng như sinh hoạt hằng ngày. “Phải bảo ban các cháu từ từ, không nên nóng vội, mà phải khơi dậy tính tự giác, sự yêu thích của trẻ”, bà cho biết. Nhìn cách bà say mê giảng bài, dạy các cháu những bài thơ, bài hát cách mạng bằng tất cả lòng nhiệt tình, tận tụy, ít ai có thể hình dung bà Cam đã sắp bước vào tuổi 90 “xưa nay hiếm”.

Để động viên các cháu, bà Cam còn trích tiền lương hưu thưởng cho cháu nào đạt học sinh khá, giỏi, đạo đức tốt. Phối hợp với phụ huynh, bà thường xuyên tổ chức những đợt đi tham quan các di tích trong tỉnh như Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, đôi bờ Hiền Lương…; các buổi sinh hoạt, vui chơi Tết thiếu nhi, Trung thu… để mỗi cháu tự kiểm điểm về những điều đã làm được và chưa làm tốt. Nhìn thấy những việc làm đầy ý nghĩa của bà, nhiều bậc cha mẹ đã chở con cái mình từ cấp 1 đến cấp 3 đến xin được gia nhập vào Tổ. Từ năm 2013, “Tổ thiếu nhi tình thương Hồ Chí Minh” của bà Cam đã có đến 78 thành viên, đến nay, nhiều em đã đi học, đi làm ăn xa...

Với những cống hiến của mình, bà Cam được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy hiệu Bác Hồ vì sự nghiệp nông dân, Huy hiệu Bác Hồ công tác dân vận, Kỷ niệm chương 9 năm 7 tháng bị địch bắt tù đày, Huy hiệu thanh niên xung phong ba sẵn sàng, Huy chương nổi dậy tấn công anh dũng kiên cường…

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/lop-hoc-dac-biet-cua-ba-cam-2572156-b.html