Long Thành, Đồng Nai: Thu hồi đường dân sinh giao cho cá nhân dùng

Gần đây, dư luận tại xã Lạc An, huyện Long Thành tỏ ra rất bức xúc trước chỉ đạo thu hồi phần diện tích đất mà người dân đã hiến làm đường trước đây để thêm vào diện tích đất của một cá nhân.

Dấu hiệu bất thường?

Văn bản chỉ đạo xử lý đoạn đường đi vào các tổ 6, 7 ấp Thanh Bình, xã Lộc An số 5258/UBND -KT được UBND huyện Long Thành ban hành ngày 25/8/2016 do Phó Chủ tịch Nguyễn Tấn Hưng ký. Nội dung chỉ đạo khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ nhất có lẽ là kiểu quy chụp trắng trợn của Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành - Nguyễn Tấn Hưng khi cho rằng "hiện nay tuyến đường này không còn sử dụng" (?).

Dẫu biết rằng đây là con đường sử dụng chính của gần 100 hộ dân tại tổ 6 và 7, ấp Thanh Bình, trên con đường này còn có hệ thống lưới điện cũng được các hộ dân này tự đầu tư trước đây. Và cách nay không lâu, hết kiên nhẫn chờ đợi chính quyền địa phương xử lý, buộc kẻ phá hoại con đường khắc phục lại nguyên hiện trạng, người dân nơi đây đã huy động sức người, tiền của các hộ dân gom góp gần 100 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp phần đường bị phá hoại này.

Điều khó hiểu, trong công văn chỉ đạo Phó Chủ tịch Nguyễn Tấn Hưng thống nhất cho thu hồi phần diện tích dân hiến trước đây để làm đường, với lý do hiện nay tuyến đường này không còn sử dụng. Thế nhưng để triển khai chỉ đạo này, Phó Chủ tịch Nguyễn Tấn Hưng lại giao cho Chủ tịch UBND xã Lộc An chủ trì, phối hợp, tổ chức làm việc với các hộ dân tại khu vực có sử dụng tuyến này để thông báo việc di dời tuyến đường và hệ thống điện trung thế.

Cũng theo công văn chỉ đạo này, UBND huyện giao Phòng TNMT, Phòng quản lý đô thị phối hợp với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Đồng Nai - Chi nhánh Long Thành, UBND xã Lộc An thực hiện điều chỉnh quy hoạch, bản đồ thửa đất các hộ Lê Huỳnh Vương, Lê Minh Hồng, Phùng Thị Bích Vân.

Qua tìm hiểu, ngay sau khi UBND huyện Long Thành có chỉ đạo cho thu hồi con đường dân sinh được sử dụng ổn định từ năm 2008 đến nay, gần 100 hộ dân thuộc tổ 5,6 và 7 ấp Thanh Bình đã tổ chức ngay cuộc họp để bày tỏ quan điểm không đồng ý việc di dời con đường dân sinh với nhiều lý do.

Cụ thể, việc di dời con đường và hệ thống điện không xuất phát từ mục đích chung mà nhằm làm đẹp đất vườn của cá nhân bà Lê Minh Hồng và Lê Văn Bình. Vì vậy, quyết định di dời con đường không phải là sự đồng thuận và nhu cầu của người dân đang sử dụng con đường. Và hiện nay con đường dân sinh này đang được gần trăm hộ dân làm đường đi chính, chứ không phải không còn sử dụng như Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành - Nguyễn Tấn Hưng tự đưa ra để lấy lý do thu hồi đường đi của dân, lãng phí ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, con đường dân sinh bị đưa vào diện thu hồi là con đường Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đất làm đường có nguồn gốc từ việc vận động người dân tự nguyện hiến, còn Nhà nước đầu tư cho con đường này trên 1,2 tỷ bằng tiền ngân sách. Và từ khi hoàn thành cho đến nay, người dân vẫn lưu thông chính bằng con đường này và đã có đường dây điện trung thế chạy dọc theo con đường.

Vì sao hành vi phá hoại đường dân sinh do Nhà nước đầu tư, dân hiến đất, và tổ chức móc trộm vào hệ thống điện trung thế do các hộ dân tự đầu tư của ông Bình nhiều năm qua vẫn chưa được xử lý?

Tại buổi họp dân mới đây, nhiều người dân cũng bày tỏ bức xúc khi nhiều vi phạm liên quan đến các cá nhân mà UBND huyện chỉ đạo lấy đất đường dân sinh giao cho họ lâu nay chưa được giải quyết. Trong đó, hành vi phá hoại con đường này từ năm 2011 đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Hay vụ câu trộm điện và tự ý xây dựng hạ thế của ông Bình cũng rơi vào im lặng đến đáng ngờ, dù người dân đã liên tiếp có đơn thư khiếu nại đối sự chậm trễ này của cơ quan chức năng thụ lý vụ việc.

Nhiều hộ dân đứng trước nguy cơ không còn đường đi vào thửa đất của mình nếu con đường bị thu hồi theo chỉ đạo của UBND huyện Long Thành bức xúc, con đường bị thu hồi, chúng tôi sẽ phải đi bằng đường nào? Trong khi mục đích thu hồi là cập nhật biến động cho cá nhân. Lý do này bộc lộ nhiều bất thường nếu không muốn nói có dấu hiệu tiêu cực, vì tiền ngân sách Nhà nước đã bỏ ra đầu tư làm đường cho dân mà không phải trả tiền đền bù giải tỏa. Vậy tại sao phải đánh đổi, thu hồi đường Nhà nước và nhân dân cùng làm để cấp cho cá nhân bà Hồng, ông Bình. Để rồi mong đợi các cá nhân này làm lại đường, điện trên đất sở hữu riêng của họ và nông trường cao su cho dân sử dụng?

Được biết, hiện có 96 hộ dân đồng loạt ký đơn, gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai và Trung ương xem xét, ngăn chặn không thu hồi đường dân sinh hiện hữu đang lưu thông chính của bà con nhân dân tổ 5,6 và 7 ấp Thanh bình hiện nay. Đồng thời, giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại liên quan đến các cá nhân này... Giúp nhân dân ổn định sản xuất và cuộc sống.

Chính quyền địa phương nói gì?

Theo UBND xã Lộc An, vào năm 2008, UBND xã Lộc An có vận động các hộ dân ấp Thanh Bình hiến đất để đầu tư xây dựng tuyến đường vào tổ 6,7 với hình thức nhân dân hiến đất, không bồi thường và Nhà nước xây dựng bằng tiền ngân sách. Thực hiện chủ trương này, đồng loạt các hộ dân có đất nằm trên tuyến đường đã tự nguyện bàn giao mặt bằng. Con đường do Đội duy tu bảo dưỡng công trình giao thông huyện thi công và đưa vào sử dụng vào năm 2009. Riêng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho công trình này gần 1,3 tỷ đồng.

Tại thời điểm này, người dân tự nguyện hiến đất nên không có Quyết định thu hồi, do đó không cập nhật biến động theo hướng giảm diện tích trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân. Tuy nhiên, con đường thể hiện trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất của xã là đất đường giao thông. Theo đó, con đường có cắt ngang thửa đất số 298, tờ bản đồ số 1, xã Lộc An của ông Phạm Đình Thanh và được ông Thanh tự nguyện hiến đất làm đường.

Đến năm 2010, ông Thanh mới chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng thửa đất 298 cho bà Lê Minh Hồng (SN 1958, ngụ quận Ba Đình, Hà Nội) có diện tích 36.165m2, bao gồm cả phần đất mà ông Thanh đã hiến làm đường trước khi bán. Vào năm 2011, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Long Thành xác định thửa đất số 298 có diện tích thực tế 33.410m2, diện tích giảm so với trước đây là do trừ diện tích làm đường. Dù vậy, người trông giữ đất mướn cho bà Hồng là ông Lê Văn Bình (SN 1966, ngụ xã Suối Trầu, huyện Long Thành) ngang nhiên phá hoại tuyến đường này, đòi chiếm lại phần đất mà chủ đất cũ đã hiến làm đường trước khi bán.

Hành vi xem thường pháp luật này của ông Bình đã được UBND xã mời lên làm việc và yêu cầu khôi phục lại hiện trạng con đường. Tại UBND xã, ông Bình cam kết sẽ hoàn trả lại con đường cho người dân. Cam kết là vậy nhưng phải đến khi người dân không thể chịu nổi cảnh đường bị chiếm phải đi nhờ đất người khác, tập thể người dân tổ 6,7 ấp Thanh Bình tự đóng góp để hoàn trả lại đoạn đường mà ông Bình phá hủy và hứa khắc phục nhưng nhiều năm không thực hiện.

Trước bức xúc của người dân, UBND xã Lộc An tổ chức họp để thống nhất khôi phục lại hiện trạng con đường. Tại đây, ông Bình đồng ý khôi phục lại tuyến đường mà nhà nước đã mở trước đây, cam kết không thắc mắc khiếu nại gì và chịu toàn bộ chi phí làm lại con đường. Và con đường sau đó được người dân đóng góp gần 90 triệu đồng để khôi phục đúng hiện trạng phần đường bị ông Bình phá hủy trước đây. Thế nhưng nhiều năm trôi qua, cam kết của Bình với UBND xã vẫn không thực hiện, không hoàn trả lại phần tiền cho người dân.

Hệ thống đường điện trung thế chạy dọc tuyến đường.

Theo đó, UBND xã Lộc An khẳng định, con đường qua thửa 298 là đường đi công cộng được Nhà nước đầu tư bằng nguồn sách có đầy đủ hồ sơ thiết kế, nghiệm thu công trình theo đúng quy định. Cùng đó, hệ thống đường điện trung thế cũng đã được đầu tư dọc theo tuyến đường này. Đây là con đường đi chính của cả trăm hộ dân tổ 6,7 ấp Thanh Bình, trên đó có thêm hệ thống điện kéo về đến tận nhà là niềm vui lớn của người dân nơi đây.

Trong niềm vui lớn của dân nghèo nơi đây, dư luận không khỏi thắc mắc, vì sao hành vi phá hoại đoạn đường được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước của ông Nguyễn Văn Bình vẫn chưa được xử lý theo quy định pháp luật. Thậm chí, chi phí để khôi phục lại đoạn đường sau khi bị phá hủy mà ông Bình cam kết trước chính quyền địa phương vẫn không được thực hiện. Trong khi đó, người dân nghèo phải xúm nhau oằn lưng ra gom góp, còn kẻ gây ra hậu quả này vẫn "vô can"... Khó hiểu hơn, trong vụ việc này lại không một cơ quan nào đứng ra bảo vệ quyền lợi người dân, xử lý đến nơi đến chốn người đã phá hoại con đường do nhân dân tự nguyện hiến đất, nhà nước bỏ tiền đầu tư từ năm 2008.

Không chỉ phá hoại con đường được đầu tư xây dựng từ đất người dân tự nguyện hiến và nguồn vốn ngân sách Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình còn liên quan đến vụ kết nối trộm vào hệ thống điện cũng do người dân đóng góp kinh phí lắp đặt trên con đường này.

Vụ việc xảy ra từ năm 2013, nhưng đến nay chưa biết được kết quả xử lý của cơ quan chức năng. Dù khi xảy hành vi trái pháp luật này các đối tượng và tang vậy đã được bàn giao cho công an địa phương. Không được người dân và ngành điện lực cho kết nối vào hệ thống điện do người dân tự bỏ kinh phí lắp đặt, gần đây vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi ông Bình dùng xe xúc đào sâu chân cột điện gây nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông trên con đường này.

Nhóm PVPL/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/long-thanh-dong-nai-thu-hoi-duong-dan-sinh-giao-cho-ca%cc%81-nhan-dung-p41388.html