Lòng sông Tiền, sông Hậu sâu bất thường

Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường phối hợp trong công tác phòng chống thiên tai.

Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phối hợp phòng chống thiên tai

Một trong những nội dung được bàn thảo nhiều nhất, đó là vấn đề hạ thấp lòng dẫn và hiện tượng xâm nhập mặn tại ĐBSCL.

Ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, thông tin: Các kết quả nghiên cứu của quốc tế cho thấy, trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, lòng dẫn sông Tiền, sông Hậu bị hạ thấp từ 1,3 - 1,6m. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của chúng tôi, hiện tượng hạ thấp lòng dẫn của hai hệ thống sông này không đồng nhất trên toàn lưu vực.

Nguyên nhân chính là do 6 đập thủy điện lớn của Trung Quốc đã ngăn bùn cát tại thượng nguồn sông Mê Kông. Trước đây, tổng lượng bùn cát đổ về vùng ĐBSCL khoảng 150 triệu tấn/năm, nhưng bây giờ giảm xuống chỉ còn khoảng 70 triệu tấn/năm. Ông Hoằng cảnh báo: “Nếu các đập thủy điện của Lào và Campuchia được hình thành, thì lượng cát đổ về vùng ĐBSCL chỉ còn khoảng 30 triệu tấn/năm”.

Ngoài các đập thủy điện ở phía thượng nguồn sông Mê Kông, việc khai thác cát không được kiểm soát chặt chẽ trên các hệ thống sông ở ĐBSCL cũng là thủ phạm dẫn đến việc hạ thấp lòng dẫn. Từ đây đã kéo theo rất nhiều hệ lụy. Một điều dễ thấy nhất đó là, mỗi năm khu vực ĐBSCL sạt lở khoảng 500ha đất; sự suy giảm rừng cũng gần tương đương. Theo các nghiên cứu của chuyên gia Mỹ và Nhật, mỗi năm khu vực ĐBSCL bị sụt lún từ 1,6 - 3cm. Nhưng vấn đề này còn đang tranh cãi về nguyên nhân,do sự dịch chuyển của kiến tạo địa chất hay là việc khai thác quá mức mực nước ngầm.

GS Trần Đình Hòa, PGĐ Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, nhận định: Việc hạ thấp lòng dẫn trên các lưu vực sông của ĐBSCL ở thời điểm hiện tại chưa ảnh hưởng tới mực nước. Bởi tổng lượng nước đổ về khu vực này là rất lớn. Nhưng, khả năng xảy ra những tình huống đột biến về xâm nhập mặn ngày càng cao. Ông Trần Bá Hoằng dự báo, năm nay, xâm nhập mặn không diễn biến như năm ngoái. Nhưng tháng 12, hạn mặn sẽ xâm nhập vào khoảng 15 - 20m. Sang tháng 2 năm sau, mặn có thể tiến sâu 40km.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng: Dưới tác động ngày càng mạnh mẽ của BĐKH, những hiện tượng thời tiết cực đoan bất lợi xảy ra với tần suất nhanh hơn; thời gian và mức độ thiên tai cũng trái với quy luật.

Trước thách thức đó, chúng ta phải có tầm nhìn dài hạn để quyết định những vấn đề chiến lược cũng như trước mắt. Các đơn vị nghiên cứu khoa học cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tìm kiếm những khoa học công nghệ hiện đại phục vụ công tác phòng chống thiên tai để ứng dụng trong nước. Ngoài các giải pháp công trình, cần nghiên cứu để đề xuất phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/long-song-tien-song-hau-sau-bat-thuong-post181594.html