Lòng người hội tụ

Người dân Dương Lâm 1 thực hiện nghi lễ tại Âm linh làngtrước khi tổ chức ngày hội "Đại đoàn kết".

(Cadn.com.vn) - Ngày 13-11, có dịp về tham dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở Khu dân cư Dương Lâm 1 (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, Đà Nẵng), chúng tôi mới biết, đây là thôn tiêu biểu, xuất sắc trong các phong trào thi đua của xã giai đoạn 2000-2015. Trong 5 tiêu chuẩn quy định thôn đạt chuẩn văn hóa năm 2016, Dương Lâm 1 đạt 97/100 điểm; trong đó 3 tiêu chí về kinh tế - xã hội, cảnh quan môi trường, tinh thần cộng đồng đều đạt số điểm tuyệt đối. Qua bình xét, toàn thôn có 129/135 hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa"... Nhìn cảnh mọi người từ già, trẻ, trai, gái hội tụ vừa thực hiện nghi lễ tri ân các nghĩa sĩ, nghĩa tử tại Âm linh làng, vừa lo cho bữa cơm "đại đoàn kết", chúng tôi mới thấy hết ý nghĩa của ngày hội. Thông thường, người dân địa phương sống và làm việc xa quê thường chỉ trở về mỗi dịp Tết, còn bây giờ họ có thêm một ngày nữa để trở về. Cũng nhờ dịp này, nhiều người con quê hương có điều kiện đã cùng chung tay đóng góp xây dựng xóm làng ngày càng khang trang, đẹp đẽ. Hơn ai hết, các ông Nguyễn Đình Hòa (Trưởng thôn), Nguyễn Thạnh (Phó thôn), Nguyễn Thu (Trưởng ban công tác Mặt trận thôn)... với kinh nghiệm hơn 15 năm "vác tù và" ở cơ sở là những người hiểu rõ ý nghĩa của bữa cơm này. Những người sống trong cùng một khu dân cư, đặc biệt là ở nông thôn vốn không hiếm dịp được "chung mâm", nhất là vào những dịp đình đám, giỗ chạp...

Trước đây, người dân Dương Lâm 1 tuy cuộc sống chưa thật sung túc khá giả cho lắm nhưng quanh năm họ không lo về việc làm. Mỗi gia đình chỉ cần dăm ba sào ruộng là không lo chi đói. Lúc nông nhàn họ làm thêm đủ nghề tăng thu nhập, cho nên lúc đô thị dần tiến về nơi họ sinh sống, đất canh tác bị thu hồi dành cho các dự án: Trung tâm Hành chính huyện, Khu phố chợ Túy Loan; làng quê cũ nhường chỗ cho các khu tái định cư với các dãy phố, đường... Nói về sự phát triển hôm nay, lão nông Phạm Hoanh thừa nhận, ai nấy đều phấn khởi bởi nơi ở mới cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, nhà cửa phố xá khang trang. Nhưng sau sự đổi đời ấy là nỗi trăn trở một thời của người lao động: Làm gì để có thu nhập nên bước đầu, nhiều người còn cân nhắc khi bàn giao đất. Đất đai nơi đây khá màu mỡ, nông dân cần cù chịu khó nên đời sống không đến nỗi khó khăn. 15/20ha đất nông nghiệp của gần 60% hộ dân trực tiếp canh tác và cả khu dân cư hàng trăm năm tuổi lại nằm trong vùng quy hoạch dự án. Lúc đầu, ruột gan người dân như có lửa đốt. Không có đất sản xuất lấy gì thu nhập. Tiền đền bù đất canh tác không nhiều. Không rõ mai đây, khi vào khu tái định cư sẽ sống sao đây... Song, những vấn đề không mới mẻ này được chính quyền các cấp đã đặt ra từ khi có chủ trương mở rộng đô thị. Gần trăm lao động được đào tạo chuyển đổi ngành nghề và nhiều giải pháp an dân cho vùng giải tỏa được triển khai đồng bộ, số người tìm được việc làm ổn định ngày càng nhiều. "Chúng tôi đã bỏ lại sau lưng những ngôi nhà cũ kỹ ở làng quê nghèo để xây những ngôi nhà tầng mặt phố. Ai đó, dù có "khúc mắc" với chủ trương giải tỏa để xây dựng các dự án cũng không thể phủ nhận một sự thật đã và đang diễn ra, đó là đời sống của gia đình nào cũng hơn hẳn khi chưa giải tỏa", ông Hoanh chia sẻ.

Từ một thôn khó khăn về nhiều mặt trở thành thôn tiêu biểu, xuất sắc của xã suốt 15 năm qua là kỳ tích mà khó có địa phương nào "nửa quê, nửa thành thị" như Dương Lâm 1 đạt được. Tuy nhiên, để nông thôn phát triển bền vững hơn nữa, Hòa Vang phải tiếp tục tuyên truyền về nông thôn mới, không chỉ để mọi tầng lớp nhân dân hiểu được lợi ích gắn mục tiêu giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới mang lại, mà còn cần có sự hưởng ứng, đóng góp nhiệt tình của mỗi người dân trong xây dựng đời sống văn hóa mới ở cơ sở.

Vy Hậu

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_157628_lo-ng-nguo-i-ho-i-tu-.aspx