Lòng hồ chứa nước Phú Thạnh bị khai thác tan hoang

Dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép, nhưng Hợp tác xã Nông nghiệp (HTX NN) Hoài Hảo (xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) - đơn vị được giao quản lý hồ chứa nước Phú Thạnh đã tự ý cho 2 doanh nghiệp đưa phương tiện vào lòng hồ để khai thác đất.

Không thông báo cho xã!

Theo tìm hiểu của phóng viên, công trình hồ chứa nước Phú Thạnh thuộc cấp IV (dung tích chứa 0,986 triệu khối nước), có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 150ha đất canh tác của xã Hoài Hảo. Bên cạnh đó, công trình đầu mối gồm đập đất, tràn xả lũ nằm ở vai hữu đập đất, lưu vực hồ là rừng phòng hộ với nhiệm vụ chống xói mòn, giảm lưu lượng đỉnh lũ… Tuy nhiên, thời gian qua phương tiện đào, xe ben ồ ạt di chuyển vào lòng hồ để khai thác đất khiến người dân lo lắng.

Lòng hồ Phú Thạnh bị khai thác tan hoang, dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép.ảnh: Dũ Tuâ

Ông N.V.T (40 tuổi, trú xã Hoài Hảo) cho biết: “Rất nhiều đoàn xe ben của doanh nghiệp vào lòng hồ Phú Thạnh để khai thác đất rồi chở đất ra ngoài khiến đất lòng hồ bị băm nát, tạo nhiều hố sâu. Chúng tôi không biết việc này đã được cơ quan chức năng đồng ý chưa, nếu tự ý khai thác mà không tính toán, người dân lo ngại ảnh hưởng đến chức năng của hồ chứa nước”.

Theo ông Nguyễn Đắc Cường - cán bộ phụ trách giao thông thủy lợi xã Hoài Hảo, hồ chứa nước Phú Thạnh do HTX NN Hoài Hảo quản lý, vận hành. Ngay sau khi phát hiện việc khai thác đất trong lòng hồ, UBND xã đã thành lập tổ công tác kiểm tra, lập biên bản đình chỉ khai thác.

“Khi vào cuộc, chúng tôi mới biết được chính HTX NN Hoài Hảo đã đứng ra cho phép doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thành Nhuận và DNTN Sỹ Phương vào khai thác đất. Trong khi đó, UBND xã không nhận được thông báo gì về việc khai thác đất trong lòng hồ Phú Thạnh từ HTX NN Hoài Hảo”- ông Cường cho hay.

Giải thích về vấn đề trên, ông Nguyễn Ảnh - Giám đốc HTX NN Hoài Hảo, cho rằng: “Do lòng hồ Phú Thạnh bị đất, đá bồi lấp, khiến khả năng tích trữ nước không đảm bảo. Để có thể dự trữ nguồn nước tưới trong mùa mưa năm nay, HTX đồng ý cho DNTN Thành Nhuận và DNTN Sỹ Phương vào lấy đất nhằm mục đích nạo vét lòng hồ. Cái sai của chúng tôi là chưa hoàn thành đầy đủ các thủ tục hồ sơ có liên quan và chưa được đồng ý của UBND huyện Hoài Nhơn”.

San lấp, tạo mặt bằng… trước ngày 30.9

UBND huyện Hoài Nhơn đã yêu cầu đơn vị chủ hồ (HTX NN Hoài Hảo-PV) phải san lấp, tạo lại mặt bằng cho lòng hồ và đầm kỹ tại những hố sâu, tạo độ dốc về phía cống lấy nước. Đắp, tạo lại mái lòng hồ phía ven biên rừng phòng hộ bảo đảm có hệ số mái tối thiểu bằng 2,5 và kè đá bảo vệ mái. Tất cả những việc trên, chủ hồ phải hoàn thành trước ngày 30.9”.
Ông Nguyễn Hữu Vui - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định

Ông Nguyễn Chí Công- Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho biết: “Nếu HTX NN Hoài Hảo làm theo đúng trình tự và đúng theo chủ trương của cấp trên thì việc nạo vét lòng hồ Phú Thạnh để tích nước là tích cực. Tuy nhiên, đơn vị lại tự ý để doanh nghiệp vào khai thác đất trong lòng hồ là việc làm coi thường pháp luật, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều, Luật Khoáng sản. Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên -Môi trường phối hợp cơ quan chức năng của huyện kiểm tra cụ thể để xử lý và làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể có liên quan”.

Trước tình hình đó, Sở NNPTNT Bình Định đã cử đoàn khảo soát, kiểm tra tại hồ Phú Thạnh. Theo ông Nguyễn Hữu Vui- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, qua kiểm tra tại hồ có xuất hiện tình trạng: Khai thác đất lòng hồ nham nhở, tạo thành các hố sâu cục bộ. Vị trí khai thác đất sát biên rừng phòng hộ trong lòng hồ tạo vách đứng, có nguy cơ sập khi đất trong hồ ngập nước và gây sóng nước lan truyền đến tuyến đập. Khai thác cây gỗ trong phạm vi rừng phòng hộ.

“Việc khai thác đất trong lòng hồ không xin phép là vi phạm pháp lệnh về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. UBND huyện Hoài Nhơn tổ chức xử phạt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều. Yêu cầu đơn vị chủ hồ (HTX NN Hoài Hảo) phải san lấp, tạo lại mặt bằng cho lòng hồ và đầm kỹ tại những hố sâu, tạo độ dốc về phía cống lấy nước. Đắp, tạo lại mái lòng hồ phía ven biên rừng phòng hộ bảo đảm có hệ số mái tối thiểu bằng 2,5 và kè đá bảo vệ mái. Tất cả những việc trên, chủ hồ phải hoàn thành trước ngày 30.9. Đồng thời, việc khai thác rừng trồng trong lòng hồ phải đúng quy định và nghiêm cấm xe có tải trọng chạy trên mặt đập đất”- ông Vui cho hay./.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/long-ho-chua-nuoc-phu-thanh-bi-khai-thac-tan-hoang-711113.html