Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật

Trong hai ngày 25-26, tại Hải Phòng, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội với Quỹ phát triển phụ nữ Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNIFEM) nhằm bước đầu thử nghiệm việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào một số dự án luật cụ thể sẽ được Quốc hội xem xét ban hành trong thời gian tới.

Bình đẳng giới là vấn đề cần quan tâm trong việc xây dựng pháp luật Ảnh: Trần Việt Vấn đề giới phải đặt lên hàng đầu Theo Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, sau 10 năm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, Việt Nam đã đạt được chỉ số phát triển giới (GDI) khá cao so với các nước có cùng mức độ phát triển. Theo Báo cáo phát triển con người năm 2009 của Liên hợp quốc, Việt Nam đứng thứ 94 trong số 155 quốc gia về chỉ số phát triển giới và đứng thứ 62 trong số 109 nước về chỉ số vai trò của giới (GEM). Có được những kết quả trên, không thể không nói đến vai trò của luật pháp và chính sách “Bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật”, là một trong những nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới được quy định trong Luật bình đẳng giới. Luật cũng quy định rõ nội dung của hoạt động lồng ghép giới bao gồm xác định vấn đề giới và các biện pháp giải quyết, dự báo tác động của các quy phạm pháp luật đối với phụ nữ và nam giới, xác định trách nhiệm và nguồn lực để giải quyết vấn đề giới... Tuy nhiên, thực tế hoạt động lập pháp thời gian qua cho thấy đây không phải là công việc đơn giản. Phát hiện ra vấn đề đã khó, tìm ra biện pháp phù hợp và nguồn lực để giải quyết vấn đề lại càng nan giải hơn. Để làm tốt hoạt động lồng ghép giới, đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giàu kỹ năng và kinh nghiệm cùng với nguồn thông tin, số liệu đầu vào đã được phân tách theo giới. Và quan trọng nhất cần có sự quan tâm đến vấn đề giới ngay từ khi bắt đầu xây dựng dự án luật. Chúng ta dường như đang thiếu rất nhiều thứ, cả nguồn nhân lực, tài chính, thông tin lẫn sự quan tâm thích đáng... Chính vì vậy, có rất ít (hay gần như chưa có) tờ trình, báo cáo thẩm định hoặc báo cáo thẩm tra về một dự án luật có đề cập đến vấn đề bình đẳng giới. Dù theo luật định, trách nhiệm của từng cơ quan từ khi chuẩn bị soạn thảo văn bản cho đến khi thẩm định, thẩm tra dự án luật đều được quy định cụ thể. Về vấn đề này Ông Lương Phan Cừ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho biết: Chưa có một cơ quan soạn thảo, thẩm định, thẩm tra báo cáo về quy trình thực hiện lồng ghép giới theo quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới nêu trong Luật Bình đẳng giới; Có rất ít dự án, dự thảo vấn đề lồng ghép giới được xem xét và thực hiện; Cơ quan quản lý nhà nước về BĐG và Hội Liên hiệp phụ nữ, chuyên gia BĐG tham gia vào quá trình soạn thảo, xây dựng cũng rất ít, thậm chí không rõ và không được mời tham gia... Nam giới cũng cần bảo vệ Trong những năm gần đây, hiện tượng mua bán đàn ông, chủ yếu để bán qua biên giới nhằm bóc lột sức lao động diễn ra khá phổ biến. Trước thực trạng này, nhằm có các biện pháp ngăn chặn, năm 2009 Quốc hội đã sửa đổi Bộ Luật Hình sự, theo đó tội mua bán phụ nữ được sửa thành Tội mua bán người để bao quát cả đối tượng bị mua bán là đàn ông. Tuy nhiên, theo Th.S Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, qua thực tiễn tổng kết trong thời gian qua, có xuất hiện hiện tượng mua bán đàn ông, nhưng Chính phủ cũng chưa đưa ra số liệu cụ thể bao nhiêu nam giới bị mua, bán trong thời gian qua. Theo thông tin không chính thức chúng tôi có được, thì số đàn ông bị mua bán thời gian qua khoảng 10 trường hợp. Các tài liệu tổng kết cũng như khảo sát chỉ tập trung vào mua bán phụ nữ và trẻ em theo Chương trình 130 của Chính phủ và số liệu điều tra, truy tố, xét xử thì chỉ tổng hợp theo số liệu các tội theo quy định của Bộ Luật Hình sự năm 1999 trước khi Quốc hội sửa đổi( tức không có nạn nhân bị mua bán là đàn ông). Từ thực tế trên cho thấy: Những giải pháp phòng chống trong Luật Phòng chống buôn bán người cần bám sát vào những đặc điểm vi phạm pháp luật và tội phạm trong thời gian qua và dự báo trong thời gian tới. Các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người được ban hành trong thời gian qua chủ yếu đề cập đến đối tượng nạn nhân là phụ nữ và trẻ em, chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện công tác bảo vệ, hỗ trợ đối với nạn nhân là nam giới trên 16 tuổi. Ông Nguyễn Công Hồng, Vụ trưởng Vụ Hành chính – Hình sự, Bộ Tư pháp nói. Minh Toàn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=17701&menu=1390&style=1