Lòng đường, vỉa hè: Nhiều vi phạm từ kẽ hở quản lý

Sau khi tiến hành thanh tra vỉa hè lòng đường tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm ở các đơn vị, đặc biệt là những sai phạm trong công tác quản lý do bất cập về hệ thống văn bản của cả hai thành phố thiếu nhất quán, xuyên suốt đã dẫn đến những kẽ hở trong quản lý sử dụng lòng đường vỉa hè.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải về vấn đề này.

Quá nhiều đơn vị quản lý

- Ông đánh giá như thế nào về đợt thanh tra vỉa hè, lòng đường tại hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua?

Ông Thạch Như Sỹ: Qua công tác thanh tra vỉa hè, lòng đường đã nổi lên rất nhiều bất cập từ hệ thống văn bản giữa các cơ quan thiếu sự thống nhất, sai phạm trong việc tổ chức thực hiện của từng cơ quan đơn vị trong quy hoạch sử dụng lòng đường, hè phố, cấp phép các điểm trông giữ phương tiện, mức thu phí và lệ phí trông xe, các công trình xây dựng nhà cao tầng thiếu điểm đỗ và sai quy hoạch, một số lực lượng được giao nhiệm vụ, chức năng xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè nhưng lại chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ…

Tuy nhiên, sai phạm nhiều nhất trong lĩnh vực này vẫn là sử dụng quá diện tích, lấn chiếm lòng đường hè phố và thu quá giá quy định.

Tất cả những thiếu sót, bất cập trong quy hoạch và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vỉa hè sẽ được Thanh tra Bộ báo cáo trong bản kết luận thanh tra sẽ được công bố vào giữa tháng 6 để cơ quan chức năng kịp thời sửa đổi bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố.

- Có trường hợp các Sở ban hành một cách vội vã các văn bản quy định về sử dụng lòng đường, hè phố dẫn đến chồng chéo, làm các đơn vị cở sở lúng túng, hiểu sai mục đích, buông lỏng quản lý…

Ông Thạch Như Sỹ: Cả hai thành phố đều quan tâm và mất nhiều công sức trong việc này, song kết quả chưa được như mong muốn. Hiện tượng lấn chiếm còn nhiều. Vì sao? vì bất cập về hệ thống văn bản.

Ví dụ như việc phân chia chức năng nhiệm vụ cho các sở hai thành phố đều giống nhau ở chỗ, chưa rõ ràng, cụ thể, thậm chí còn chồng chéo, chưa đúng chuẩn. Việc ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn của hai thành phố chưa xuyên suốt nhất quán trong từng thời ký, manh mún ở từng việc.

Ví dụ như việc trên cùng một tuyến đường, có thời điểm thì cho phép, thời điểm sau cấm, sau đó ít lâu lại cho phép trông giữ…thay đổi liên tục làm cho thói quen sử dụng lòng đường hè phố không thành nếp.

Hoặc ở Thành phố Hồ Chí Minh lúc thì tuyến đường giao cho sở quản lý cả đường cả hè, có tuyến đường lại giao cho quận quản lý hè, Sở giao thông quản lý lòng đường. Có nơi lòng đường vỉa hè lại giao cho Sở xây dựng quản lý…

Cụ thể, tại Hà Nội, thời gian trước năm 2008 giao cho Sở giao thông cấp toàn bộ giấy phép sử dụng lòng đường, vỉa hè, cả vấn đề duy tu bảo dưỡng trên các tuyến đường có tên. Đến sau năm 2008 thì giao cho Sở quản lý đường, còn quận quản lý hè và cấp phép trên hè. Đến cuối 2011 đầu 2012, lại giao cho Sở Giao thông quản lý tổng thể lòng đường, vỉa hè những tuyến đường trọng điểm, tuyến đường có nguy cơ ùn tắc cao.

Như vậy, trên một quận, tuyến này thì Sở quản lý đường, tuyến kia quận quản lý hè… rất chồng chéo. Một hè đường phố nhiều cơ quan quản lý, nhiều cơ quan được phép cấp phép….Văn bản của cả hai thành phố thiếu nhất quán, xuyên suốt.

- Hiện nay, quy hoạch các điểm đỗ xe bị phá vỡ và đẩy tình trạng xe đỗ tràn lan trên vỉa hè, lòng đường. Quan điểm của ông như thế nào về thực tế này?

Ông Thạch Như Sỹ: Mạng lưới đường hè phát triển giao thông hiện nay đã có nhưng quy hoạch chi tiết bến bãi, điểm đỗ xe Hà Nội có trong khi Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện.

Việc thực hiện quy hoạch ở đơn vị cơ sở lại không tuân theo quy hoạch chung của thành phố. Hệ thống quy hoạch liên tục thay đổi, thậm chí nhiều quận huyện ít biết quy hoạch điểm đỗ xe do chưa thực hiện và công tác quy hoạch thiếu, yếu.

Tại Hà Nội có một số điểm đã quy hoạch làm điểm đỗ xe xây dựng rồi nhưng lại không sử dụng đúng mục đích thực hiện.

Ngoài ra, trong thiết kế xây dựng các nhà cao tầng bắt buộc phải bố trí đầy đủ các điểm đỗ xe nhưng quá trình thi công, quá trình sử dụng các chủ sở hữu đã cố tình thay đổi. Qua kiểm tra, phát hiện nhiều tòa nhà có điểm dừng đỗ được sử dụng sai mục đích, bị thay đổi so với thiết kế ban đầu.

Đoàn thanh tra kiểm tra 80 nhà cao tầng ở Thành phố Hồ Chí Minh thì có 16 tòa nhà đủ điều kiện phục vụ điểm đỗ xe, 6 tòa nhà không có điểm đỗ, số còn lại không đáp ứng được yêu cầu đỗ xe nên đã đẩy áp lực đỗ ra ra cả lòng lề đường.

Chỉ xử lý vi phạm nhỏ!

- Nhiều điểm trông giữ xe vẫn thu phí quá giá thậm chí có điểm được các đơn vị trông giữ xe khoán doanh thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè tạo nên sự lộn xộn bất bình đẳng cạnh tranh về thu phí đối với doanh nghiệp. Ông nghĩ gì về điều này?

Ông Thạch Như Sỹ: Hiện nay, mức phí sử dụng lòng đường và mức thu phí trông giữ phương tiện giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chưa thống nhất nhau.

Cụ thể, phí sử dụng lòng đường vỉa hè Hà Nội thu 25.000 đồng/m2 và 45.000 đồng/m2 trong khi Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là 12.000 đồng/m2 do các quận cấp lệ phí. Phí trông giữ xe ôtô ở Hà Nội là 30.000 đồng/2 tiếng và có nhiều mức thu do phụ thuộc vào điểm trông “thổi giá”, ôtô gửi ở Thành phố Hồ Chí Minh là 5.000 đồng/lượt xe.

Ngoài ra, mức giá trông giữ xe cũng được chia theo cách tính theo mét vuông sử dụng áp dụng cho tất cả các đơn vị trông giữ và tính theo phí áp dụng dựa vào doanh thu. Những cách tính này đã tạo nên sự lộn xộn, bất bình đẳng cạnh tranh về giá thu cho doanh nghiệp.

- Phải chăng đơn vị trực tiếp quản lý và xử lý vi phạm vỉa hè ở các cấp vẫn chưa làm đúng thẩm quyền và chức trách nhiệm vụ được giao?

Ông Thạch Như Sỹ: Xử lý vi phạm lòng đường, hè phố được giao cho Ủy ban Nhân dân các cấp, Cảnh sát, Thanh tra Giao thông và Thanh tra Xây dựng. Tuy nhiên, lực lượng này chỉ xử lý những hành vi dễ như dừng , đỗ xe sai quy định còn khó thì họ không chịu làm.

Theo kết của thanh tra hai Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng chỉ xử lý được 4 vụ chiếm dụng đường hè phố; 3 vụ lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ.

Ở Hà Nội, vi phạm lòng lề đường chủ yếu do Thanh tra và Cảnh sát xử lý trong khi lực lượng Thanh tra Xây dựng gần như không làm. Riêng Ủy ban Nhân dân quận, huyện, phường không có lực lượng tham mưu chuyên thiết lập hồ sơ tuần tra kiểm soát vi phạm vi phạm nên chưa xử lý được trường hợp vi phạm nào.

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng các cấp xử phạt rất mạnh tay. Chẳng hạn, Lực lượng Thanh tra Xây dựng được sử dụng mạnh mẽ để làm tham mưu lập hồ sơ báo cáo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường, quận ký quyết định xử phạt. Nhưng đáng bàn ở đây là chỗ Thanh tra Xây dựng lập hồ sơ vi phạm dừng đỗ xe là sai thẩm quyền.

Hơn nữa, cấp cơ sở quận, phường không có Chánh Thanh tra Xây dựng vốn là người quyết định ký biên bản xử phạt. Vì lẽ đó không nên quy định Thanh tra Xây dựng ở phường quận mà nên trả lại tên cũ cho lực lượng này thành Đội Quản lý Trật tự đô thị.

- Vậy ông có kiến nghị gì để có sự thống nhất trong quy hoạch, cấp phép, quản lý vỉa hè lòng đường?

Ông Thạch Như Sỹ: Chúng ta cần xây dựng hệ thống văn bản của tất cả các cơ quan để hợp nhất và tính toán cụ thể cũng như sửa đổi các Nghị định, Thông tư có liên quan đến vỉa hè, lòng đường do không phù hợp với thời điểm này./.

-Xin cảm ơn ông./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/long-duong-via-he-nhieu-vi-pham-tu-ke-ho-quan-ly/20126/142985.vnplus