Long đong “hạt thóc Thành Dền”...

NDĐT - THỜI NAY - “Hạt thóc cổ 3000 năm tuổi” ở Thành Dền nảy mầm được báo chí “thổi” lên trong thời gian qua đã gây rung động trong dư luận. Tại Hội nghị thông báo khảo cổ học lẩn thứ 45 (29; 30- 9) đã có cuộc tranh luận sôi nổi về điều đó. Những thông tin thêm từ người chủ trì khai quật Thành Dền - PGS TS Lâm Thị Mỹ Dung, GĐ Bảo tàng nhân học, Đại họcKHXH&NV Hà Nội - và các nhà khoa học về những “hạt những thóc nổi tiếng” đã giải tỏa nhiều điều thắc mắc.

“Hạt thóc khảo cổ” và “hạt thóc di chỉ” Thành Dền (xã Tự Lập, Mê Linh, Hà Nội) nằm trong địa bàn cư dân nông nghiệp cổ. Vết tích thóc gạo trong di chỉ này là điều không cần bàn cãi. Nhưng những hạt thóc tìm được khi khai quật lần thứ 7 (tháng 4 đến tháng 6- 2010) ở đây lại mọc mầm. Sự kiện này đã gây xôn xao trong giới khoa học và cả trong dư luận. Đây là hiện tượng chưa từng gặp trong thực tế khảo cổ học Việt Nam. Phản ứng đầu tiên của giới khoa học là ngạc nhiên, vui mừng nhưng sau đó là nghi ngờ… PGS, TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền, cơ quan nuôi dưỡng những hạt thóc (đã nảy mầm và trở nên nổi tiếng) - nói trong buổi Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học di chỉ Thành Dền (ngày 16- 6): “Trên lý thuyết, hạt thóc 3000 năm khó lòng tồn tại. Tuy nhiên, trong tự nhiên có nhiều điều chúng ta chưa thể lý giải được”. Ông Hàm cũng cho rằng: “Đây là tư liệu quý để những người nghiên cứu sinh học biết được thêm về quy trình bảo quản, thành phần PH, thành phẩn vi sinh để lưu giữ được hạt lúa...”. TS Nguyễn Việt, một nhà khảo cổ học có kinh nghiệm, đã lưu ý báo chí khi đưa tin cần phân biệt rõ những hạt thóc là di vật - được xác định cùng tuổi với di chỉ - với những hạt thóc thu được trong di chỉ - mà rất nhiều yếu tố khác có thể “đưa” chúng vào “nằm” trong đó muộn hơn. Trong trường hợp này chỉ nên tạm gọi là “hạt thóc khảo cổ học”, “Hạt thóc Thành Dền” còn về nguồn gốc, niên đại của chúng cần được xem xét thận trọng…”. Lúng túng về phương pháp nghiên cứu…? Cho tới nay đã có 18 hạt thóc khảo cổ Thành Dền nảy mầm, 13 cây lúa còn sống. Những hạt thóc nảy mầm được đưa về trồng để nghiên cứu, đối chứng, so sánh ở Viện Di truyền (Viện nghiên cứu nông nghiệp, Bộ NN&PTNN). Sau khi những cây lúa này đâm bông và cho thu hoạch, kết quả quan sát được cho thấy: Về hình thái và thời gian sinh trưởng cũng như một số chỉ số sinh học khác, 9 cây lúa Thành Dền (đợt 1) về cơ bản giống với lúa Khang Dân 18. Ba mẫu vật, trong đó có vỏ trấu của hạt thóc đã nảy mầm, đã được gửi sang Đại học Nakarawa (Nhật Bản) để xét nghiệm niên đại bằng phương pháp AMS. Sau nhiều tháng chờ đợi, kết quả phân tích cho thấy mẫu này thuộc thời hiện đại. Phương pháp xác định niên đại AMS rất thích hợp với mẫu vật hữu cơ và cho kết quả chính xác cao, nhưng mới chỉ được áp dụng cho những vật đã chết (gạo cháy, than, xương, răng hay gỗ…). Đây là lần đầu tiên một cơ quan nghiên cứu Nhật Bản (Institute of Accelerator Analysis Ltd.) phân tích mẫu vật chưa ngừng trao đổi chất như những hạt thóc Thành Dền. Như vậy, quan sát về hình thái cũng như kết quả xét nghiệm theo phương pháp AMS tiên tiến nhất, không cho thấy những hạt nảy mầm cùng niên đại với các hiện vật tìm thấy trong cùng các hố rác bếp, (niên đại văn hóa Đồng Đậu). TS Ngô Quang Miên (Trưởng phòng C14, Viện Khảo cổ học) cũng cho biết rõ: “Các phương pháp xác định niện đại C14 và AMS chỉ áp dụng trên những vật thể không có (hoặc đã ngừng) trao đổi chất. AMS về nguyên tắc cũng giống như C14, chỉ có điều phương pháp và công cụ giải bài toán niên đại của AMS tiên tiến hơn mà thôi”. Cần tiếp tục mở rộng nghiên cứu Theo tư vấn của một số nhà khảo cổ Nhật Bản: Việt Nam có thể dùng phương pháp AMS trên những hạt gạo cháy và xương động vật cháy lấy cùng chỗ với những hạt thóc đã nảy mầm để so sánh. Bên cạnh đó vẫn cần tiếp tục nghiên cứu những cây lúa và hạt thóc Thành Dền khác (đã nảy mầm, được trồng và thu hoạch). Tuy nhiên, có lẽ hợp lý và khả thi nhất là tiến hành một đợt nghiên cứu mới (bao gồm tất cả công đoạn từ khảo sát, khai quật thực địa đến nghiên cứu phân tích trong phòng thí nghiệm) với sự kiểm soát khoa học nghiêm ngặt, áp dụng các phương pháp khảo cổ và sinh học, môi trường tiên tiến, đặc biệt là phân tích các điều kiện tự nhiên môi trường và thành phần vi sinh của nơi có mẫu vật. TS Vũ Thế Long - nhà nghiên cứu cổ sinh vật học - rất lạc quan cho rằng: “Việc nghiên cứu những hạt thóc Thành Dền có thể mở đầu cho việc phát triển những chuyên ngành khảo cổ học (mới) ở Việt Nam: Khảo cổ học nông nghiệp, khảo cổ học môi trường… Qua đó hậu sinh có thể có những hình ảnh rõ nét hơn, sinh động hơn về nền văn minh nông nghiệp của cha ông cũng như những vấn đề môi trường trong lịch sử”. NGÔ VƯƠNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=184969&sub=72&top=41