Lồng đèn cá chép siêu nặng

Rạng sáng 22/9, những ngọn nến đầu tiên đã được thắp sáng trong chiếc lồng đèn cá chép khổng lồ dài 6,3 m, cao 3,2 m, ngang 85 cm, nặng 150 kg

Được đánh giá là chiếc lồng đèn thủ công lớn nhất nhì Việt Nam, lễ rước đèn sẽ chính thức diễn ra tại TP Đà Nẵng cho hàng trăm thiếu nhi vẽ ước mơ của mình lên thân cá chép Lồng đèn được công ty 4 Oranges đặt hàng gia đình “hai lúa” Huỳnh Viết Thịnh, ngụ phường Cẩm Nam, thị xã Hội An, Quảng Nam làm ngày làm đêm trong suốt 6 ngày (từ 15/9 đến 21/9). Do kích cỡ khổng lồ, nên khi di chuyển từ Hội An ra TP Đà Nẵng, toàn bộ “da cá” đã chùng lại. Vậy là, dù đã 22 giờ, nhưng anh Thịnh và 2 người thợ phải chạy hơn 30 km đến TP Đà Nẵng để sửa lại. Mãi đến 0 giờ 30 phút, những ngọn nến đầu tiên của chiếc lồng đèn mới được thắp sáng. Để hoàn thành chiếc đèn khổng lồ, các nghệ nhân đã sử dụng hơn 46 m lụa tơ tằm mua từ phố cổ Hội An, hơn 50 kg sắt làm xương cá và 10 cây tre to. Mỗi nghệ nhân làm một công đoạn, người vót tre, người ráp sườn, người căng vải, người vẽ họa tiết. “Chỉ riêng công đoạn chọn tre và uốn tre đã ngốn gần 1 ngày. Khó nhất là khắc họa chân dung cá chép và ráp bộ xương cá vì chỉ cần lệch chút xíu phải làm lại từ đầu” - anh Thịnh cho biết. Miệng cá mở to hoặc hẹp quá đều không đẹp, bề ngang miệng rộng quá lại không duyên. Chỉ riêng miệng cá chép các nghệ nhân đã sửa đi sửa lại hơn 3 lần, nhờ vậy miệng cá chép trông sống động hơn. Đôi mắt cá chép cũng là chi tiết khó, ban đầu nhóm thợ của anh Thịnh định dùng sơn vẽ đôi mắt, nhưng khi vẽ mắt lại không có hồn. Thế là cả nhóm quyết định dùng trái banh nhỏ cắt làm đôi rồi “độn” bóng đèn vào. “Năm lần bảy lượt, nhưng vẫn chưa ưng nên chúng tôi phối hợp vừa vẽ vừa dùng bóng đèn. Tự nhiên mắt chú cá hiền hậu hơn. Cả đuôi cá cũng thế, dù là chi tiết phụ nhưng tạo dáng rất khó, nếu thẳng quá chú cá cứng đơ, mềm quá lại không thể giữ thăng bằng được. Phải cong cong mới ra dáng cá” - anh Huỳnh Viết Trường, người trực tiếp làm mắt cá, kể. Nâng niu chiếc đèn cá chép, “hai lúa” Thịnh cười: “dù đã sống nhờ nghề làm lồng đèn xuất khẩu hơn 4 năm, nhưng khi nhận lời tôi run lắm vì từ trước đến giờ có làm đâu. Có lúc tưởng công trình đã hư rồi nhưng sợ “quê” với chính mình nên gắng mày mò mới có được thành công”. Nói về biệt danh “hai lúa”, anh Thịnh bật cười: Gọi là “hai lúa” là đúng rồi vì gia đình tôi ai cũng mày mò tự học làm đèn rồi vay tiền bà con, bạn bè để mở xưởng. Nhưng sắp tới, biệt danh này sẽ không còn vì Hội An đã có “Hiệp hội lồng đèn Hội An”, rồi đây lồng đèn phố cổ sẽ được dán nhãn mác, thương hiệu chỉn chu. Lồng đèn sẽ có giá hơn, cuộc sống người dân đỡ vất vả hơn. Tối 22/9, chiếc đèn chính thức được hàng trăm thiếu nhi của TP Đà Nẵng làm lễ rước, những ước mơ nhỏ được vẽ lên thân cá chép khổng lồ hòa cùng ước mơ của gia đình những người thợ thủ công “xóm” lồng đèn của thị xã Hội An “mong cho lồng đèn Hội An sớm trở thành thương hiệu vang xa ra thế giới”. (Theo Người Lao Động)

Nguồn Ngôi Sao: http://ngoisao.net/news/buon-chuyen/2007/09/3b9c1083/