Lòng dân như nước

Vấn đề cơ bản là phải tìm được tiếng nói đồng thuận với nhân dân thì mới phát huy được tất cả lòng yêu nước của người dân phục vụ cho mục tiêu đúng đắn. Mỗi người đều phải biết hy sinh cái riêng của mình vì lợi ích chung.

Tranh tư liệu: Phong trào Xôviết Nghệ Tĩnh những năm 1930 - 1931.

Câu chuyện của chúng tôi với hai nhà sử học xoay quanh 2 chữ: Lòng dân. Nhắc lại sự kiện lịch sử Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng đó là bài học về lòng dân, khi đã thấy được lòng dân ủng hộ thì việc lớn sẽ thành. Còn đối với Giáo sư Lê Văn Lan, tư tưởng trọng dân, an dân thấm đẫm trong tư tưởng Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi…, được tiếp nối tài tình ở Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi vì các nhà lãnh đạo kiệt xuất ấy hiểu sâu sắc: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (Lật thuyền mới biết lòng dân như nước).

Cách đây vài năm, một lần tới Tây Nguyên, tình cờ được dự một cuộc triển lãm ảnh về Anh hùng Núp, tôi nhớ mình đã đứng lặng rất lâu trước bức ảnh chụp cảnh ông Núp cùng với dân, ở dưới bức ảnh ghi: "Đi với ông Núp nghĩa là đi vào dân, hầu như suốt đời ông ấy chẳng đi đâu khác nữa ngoài việc đi vào dân”. Câu nói ấy lý giải vì sao người Tây Nguyên gọi ông Núp là Bok Núp giống như gọi Bok Hồ. Lý giải vì sao ở một bức ảnh khác chụp bàn thờ của người Bahnar với dòng chú thích rằng: "Núp đã đi xa nhưng người Bahnar vẫn tin rằng ông đang sống. Một số gia đình ở Sơtơr thờ Bok Hồ, Bok Núp cùng với ông bà cha mẹ họ”...

Khi truyền hình chiếu bộ phim về Cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, nhân dân cả nước rất quan tâm. Và nhân dân dành cho ông nhiều lời ca tụng: "Bài học về khoán hộ ở Vĩnh Phúc mãi còn giá trị, không phải ở cách cụ thể mà ông Kim Ngọc giải quyết mà là ở chỗ ông đồng cảm sâu sắc trước tình cảnh đói nghèo của người dân, cùng đau nỗi đau của họ và dám tháo bỏ những quy định mà thực tiễn đã chứng tỏ không phù hợp để thúc đẩy phát triển”. Nếu ngày đó "công bộc” Kim Ngọc say mê với vị trí Bí thư Tỉnh ủy và biết đâu, còn có thể “lên cao” hơn nữa, mà không "lội ruộng như người nông dân và coi nông dân như máu thịt của mình”, nếu Bí thư Kim Ngọc không suốt đời chỉ lo dân đói để tìm cách lo cho dân khỏi đói thì lòng dân hôm nay không tôn kính ông như vậy.

Một khi lòng dân đã cùng một ý chí thì đó là sức mạnh lớn lao. Nhân dân tự quyết định thái độ và tình cảm. Không có lòng dân như nước, không thể kết thành sức mạnh của cả dân tộc.

Theo GS Lê Văn Lan, sẽ rất nguy nếu mất lòng tin của Dân. Muốn được an dân thì phải có tín dân, dân phải tin đã. Nếu dân không tin thì không yên. GS Lê Văn Lan dẫn lại những bài học từ lịch sử. Ở thế kỷ 13, Trần Hưng Đạo đã đề cao sức mạnh lòng dân bằng hành động cụ thể. Quốc công Tiết chế là người tổ chức chiến tranh lần đầu tiên khác với Lý Thường Kiệt, khác với Lê Hoàn. Ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo đều dựa vào nhân dân. Đức Thánh Trần chưa đúc rút thành tư tưởng chiến tranh nhân dân như sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm nhưng trên thực tế Ngài đã làm được cái việc dựa vào dân để cứu nước, giữ nước. Trần Hưng Đạo từ vai trò to lớn của dân trong chiến tranh mở rộng ra vai trò của dân trong tất cả các hoạt động xã hội và lịch sử để thành sách lược ứng xử với dân: Khoan thư sức dân.

Theo Gs Lê Văn Lan, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm Côn Sơn đã dừng lại rất lâu ở nơi Nguyễn Trãi từng ở ẩn. Người đã đồng cảm mạnh mẽ với tư tưởng của Nguyễn Trãi "Chở thuyền lật thuyền cũng là Dân”. Có thể coi "Dễ muôn phần không dân cũng chịu” là tuyên ngôn của Hồ Chí Minh về lòng Dân.

Nhắc lại sự kiện lịch sử Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, đó là bài học về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân trên cơ sở một sự đồng thuận cao về lợi ích. Khi cả dân tộc chỉ có một mục tiêu rõ ràng, một lợi ích rõ ràng. Đó là giành độc lập dân tộc. Ông Dương Trung Quốc nêu ví dụ: Thậm chí tháng 11/1945 để bảo đảm đại đoàn kết dân tộc, Đảng Cộng sản Đông Dương còn rút vào bí mật, tuyên bố tự giải tán chỉ để công khai một Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Rõ ràng khi đặt lợi ích dân tộc lên cao thì chúng ta tìm được sức mạnh. Vấn đề cơ bản là phải tìm được tiếng nói đồng thuận với nhân dân thì mới phát huy được tất cả lòng yêu nước của người dân phục vụ cho mục tiêu đúng đắn. Mỗi người đều phải biết hy sinh cái riêng của mình vì lợi ích chung. Việc Đảng Cộng sản Đông Dương rút vào bí mật tuyên bố tự giải tán – một Đảng được hình thành trong môi trường rất là khắc nghiệt, bao nhiêu người hy sinh mới xác lập được vị trí ấy - thế mà sẵn sàng tuyên bố tự giải tán (cho dù chỉ là hình thức) để hợp lòng dân, để tìm một sự đoàn kết rộng lớn hơn.

Cách mạng tháng Tám thành công là minh chứng rõ nhất cho
“Phúc chu thủy tín dân do thủy”.
Trong ảnh: Nhân dân Hà Nội giành chính quyền tại Bắc Bộ phủ.

Nhà sử học chia sẻ thẳng thắn: Hồi đó rất nhiều Bộ trưởng là Việt Minh sẵn sàng từ bỏ vị trí của mình để giao cho những nhân vật khác, để mở rộng khối đại đoàn kết trong Chính phủ. Việc ngay kể cả đối với một số đảng phái đối lập thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dùng sách lược là mời vào tham gia Quốc hội để dùng thực tiễn và sức mạnh của toàn dân trở thành yếu tố thúc đẩy sự phát triển cách mạng, loại trừ những phần tử cơ hội, thu hút những người mà còn có thể có sự dao động. Tôi cho đấy là những bài học rất lớn là tìm cách thuyết phục người dân vì lợi ích quốc gia và hy sinh cả chính quyền lợi của tổ chức. Như vậy, vai trò của Đảng thể hiện ở sự sáng suốt và tính gương mẫu. Sáng suốt vạch ra con đường đúng và gương mẫu thì người dân sẽ theo.

Theo ông Dương Trung Quốc: Nếu chúng ta đọc hồi ký của các nhà cách mạng thì một trong những băn khoăn lớn nhất của các nhà lãnh đạo thời ấy là phát động khởi nghĩa có thành khởi nghĩa non hay không? Có thất bại hay không? Vì trước đó đã có nhiều bài học rồi. Từ bài học của Việt Nam Quốc dân Đảng cho đến những bài học của những nhà cách mạng khác. Nhưng cái thước đo để những nhà lãnh đạo của Hà Nội quyết định khởi nghĩa là nghe được tiếng nói của người dân. Quyết định để Hà Nội khởi nghĩa trước khi nhận được lệnh của Trung ương chính là nắm bắt được nguyện vọng của người dân. Cho nên chỉ sau một cuộc biểu tình ngày 17/8 mà danh nghĩa là để ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim, khi đã thấy được lòng người, khi bài Tiến quân ca được hát lên, khi lá cờ đỏ sao vàng được thả xuống, khi các nhà lãnh đạo thấy được lòng dân đồng thuận thì chỉ 2 ngày sau Khởi nghĩa đã nổ ra, rất hòa bình.

Nhà sử học dẫn chứng: Khi nghe tin Hà Nội đã khởi nghĩa giành chính quyền thì Quốc dân Đại hội vẫn còn đang họp, đạo quân Nam tiến của ông Võ Nguyên Giáp với đại đội Việt - Mỹ còn đang ở Thái Nguyên thì Hà Nội đã khởi nghĩa rồi. Trong hồi ký của các nhà cách mạng còn viết rõ, khi báo cáo với Cụ Hồ là Hà Nội đã khởi nghĩa giành chính quyền xong, lúc ấy đang ốm, thì Cụ nói rất giản dị: Thế thì về Hà Nội thôi.

Khi các nhà sử học dẫn ra những bài học lịch sử từ các cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh của dân tộc, thì họ đều chia sẻ không phải qua đó chỉ để thấy lòng dân như nước khi cần bảo vệ chủ quyền. Những bài học ấy soi vào ngày hôm nay, tư tưởng an dân, coi trọng sức mạnh nhân dân -“Phúc chu thủy tín dân do thủy” - phải luôn luôn thường trực trong đời sống hàng ngày để đáp ứng được nguyện vọng ý chí của nhân dân, mới củng cố được niềm tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền, mới mong dân giàu nước mạnh.

Nguyễn Đức Thành Vĩnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/long-dan-nhu-nuoc/121712