Lòng biết ơn

Lòng biết ơn bao gồm ba nội dung: Lòng biết ơn luôn ghi sâu khắc kỹ trong trái tim mình, những biểu hiện để cảm tạ người đã ban ơn và những báo đáp, trung thành xứng đáng với lòng biết ơn đó'- Danh ngôn Ả rập.

1. Chịu ơn và biết ơn:

Từ lúc lọt lòng mẹ, oe oe cất tiếng khóc chào đời, bà nữ hộ sinh đã vất vả, khó nhọc đỡ ta ra chào đời, ánh mắt, nụ cười của con người đầu tiên trên trái đất đã chào đón ta, chia vui với ta, trìu mến ta.

Khi bà nữ hộ sinh đã tắm rửa sạch sẽ, quấn tã thơm phức cho ta và trao cho mẹ ta, thì đó là người mà ta phải mang ơn sâu, nghĩa nặng nhất, đã âu yếm đón lấy ta. Có nhiều bà mẹ, sau giây phút này đã ra đi mãi mãi vì kiệt sức, vì băng huyết, để lại cho người con lòng xót thương vô hạn, vì không có dịp đền ơn sinh thành của bà. Em bé lớn dần, mang ơn người nông dân làm ra lúa gạo để cho em ăn, mang ơn người công nhân dệt ra vải cho em mặc. Lớn nữa, em bé biết ơn bao thầy cô đã tận tụy chăm sóc, giáo dục, khiến em ngày càng thông minh, tài giỏi. Hàng ngày, khi em được hạnh phúc cắp sách tới trường, ban đêm được ngủ giấc yên bình là phải biết ơn những người công an đã khó nhọc giữ trật tự an ninh khu phố, biết ơn những người công nhân vệ sinh ngày đêm giữ sạch đường phố, tạo môi trường sống trong sạch, tươi mát.

Chao ôi, nếu cứ thống kê như thế cho một đời người thì ta cần phải biết ơn xã hội, biết ơn gia đình biết bao nhiêu điều và đã là người lương thiện, có học vấn, ai cũng mong muốn được có ngày đền đáp lại những công ơn đó. Đó là lòng biết ơn. Theo Từ điển tiếng Việt, Lòng biết ơn là: “Nhớ ơn, luôn luôn trong lòng nhận ra được rằng mình có chịu ơn người khác”. Còn nhà Triết học vĩ đại Ménandre (Thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên) đã đánh giá: “Lòng biết ơn là trái cây thơm ngon nhất ở trên quả đất” .

2. Lòng biết ơn qua văn chương, chữ nghĩa:

- Ở Việt Nam ta, ai cũng thuộc lòng :

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Trong 14 điều răn của Phật dạy con người, được in thành các tờ treo bán tại các cửa Chùa, các Trung tâm giáo dục tôn giáo, đều nêu rõ điều thứ 6: “Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu”. Vì rằng công ơn của cha mẹ là trời biển như vậy mà con người đó còn dám quay lưng lại như vậy thì thử hỏi người đó có đáng tin cậy, có đủ đạo đức tối thiểu để giao công việc không? Ở một số nước phương Đông, trong công tác bổ nhiệm đề bạt cán bộ, người ta đã bí mật về các địa phương điều tra lý lịch và tìm hiểu về cách người cán bộ đó đối xử với cha mẹ có hiếu thuận không, đối với hàng xóm láng giềng có lòng nhân hậu không, rồi mới dám tin tưởng để giao tiền, giao quyền lớn cho người đó. Quả nhiên đây là khâu điều tra cực kỳ quan trọng, vì nếu con người nào có lòng hiếu thuận với cha mẹ thì cũng chính là có đạo đức cơ bản để làm người.

Chả thế mà nhà khoa học phương Đông hiện đại Lâm Ngữ Đường đã khẳng định: “Cha mẹ luôn luôn yêu thương, hy sinh vì con. Nhưng chỉ có những người con có lòng thương người, có văn hóa mới kính yêu cha mẹ”. Cám ơn Lâm Ngữ Đường mãi mãi vì phát hiện có tính “chìa khóa” của ông đã giúp xác định được một con người đích thực thông qua lòng biết ơn của người đó đối với bậc sinh thành.

- Tại các nước nói tiếng Pháp, trong các sách giáo khoa dạy Đạo đức cho trẻ em, thì chương nói về lòng biết ơn cha mẹ là đoạn hay nhất. Hàng trăm năm qua, lời dặn dò của những đoạn văn tuyệt tác này đã là động cơ vượt khó, vươn lên làm người của bao trẻ em. Đó là: “Con cái bắt buộc phải biết ơn cha mẹ” . Hoặc: “Hạt lúa và lòng biết ơn chỉ mọc ở những miền đất tốt” .

3. Lòng biết ơn luôn đi đôi với sự báo đáp lại những người đã ban ơn, giúp đỡ cho mình trong lúc khó khăn:

Có thể mượn câu danh ngôn Ả rập rất nổi tiếng về lòng biết ơn: “Lòng biết ơn bao gồm ba nội dung: Lòng biết ơn luôn ghi sâu khắc kỹ trong trái tim mình, những biểu hiện để cảm tạ người đã ban ơn và những báo đáp, trung thành xứng đáng với lòng biết ơn đó” . Qua câu này có thể thấy:

Do hoàn cảnh, ta chưa có cơ hội báo đáp, nhưng ít ra phải luôn ghi xương, khắc cốt sự ban ơn đó. Nếu gặp may, có cơ hội báo đáp phải hết lòng tận tụy, trung thành. Thí dụ: Ta có dịp đền ơn thày cũ bằng cách giúp đỡ con thày được trưởng thành tấn tới (Điều 3 trong Lời thề Y đức của Hypocrat). Ông bà ta dạy: “Ơn ai một chút không quên” chính là một sự nhắc nhở đạo lý làm người. Trên chương trình vô tuyến hàng ngày, có đưa câu chuyện về sự biết ơn và lòng báo đáp tuyệt vời. Đó là cậu bé nghèo được một bà mẹ cho một ly sữa trong lúc đói khát. Cậu đã cố gắng phấn đấu nỗ lực và trở thành một bác sỹ giỏi. Về sau, gặp lúc bà mẹ bị bệnh rất hiểm nguy, người bác sỹ vốn nặng tình ơn nghĩa đó đã nhận ra bà và tận tụy cứu chữa cho bà khỏi bệnh. Lúc ra viện, bà mẹ gặp lại người bác sỹ có lương tâm cao quý đó và được người y tá giải thích rằng: “Lòng biết ơn một ly sữa khi đói đã cứu sống cuộc đời bà”.

Đây là một câu chuyện có thật về sự tử tế của một bác sỹ người Mỹ, một trong những người sáng lập ra Viện Nghiên cứu ung thư hàng đầu Thế giới – John Hopkin. Câu chuyện về tấm gương này đã trở thành kinh điển, đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên toàn thế giới để giáo dục con người.

Nhưng cũng thật đáng tiếc, cũng cần nêu vài dòng về sự vô ơn bạc nghĩa, quên ngay người đã cưu mang, cứu giúp mình lúc hoạn nạn. Đến nỗi nhà Triết học vĩ đại Aristote (Thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên) đã phải thốt lên: “Lòng biết ơn bị già đi nhanh chóng” . Hay một thành ngữ Đức cổ đã nhận xét cay đắng: “Lời thỉnh cầu thì nóng hổi, còn lời cảm ơn thì lạnh ngắt”.

Chao ôi, thật chua xót cho tình người bạc bẽo, nhanh quên ơn chứ đừng nói gì đến có ngày báo đáp. Để giáo dục con người đã có biết bao câu chuyện ngụ ngôn hoặc những tấm gương có thật hàng ngày về sự biết ơn, sự trung thành của các con vật nuôi trong gia đình, trong trang trại.

Cổ nhân có câu: “Giống ngựa và giống chó là những con vật có tình, có nghĩa” (khuyển mã chi tình). Có những bài văn nổi tiếng thế giới ca ngợi sự trung thành của con chó có nghĩa, có tình, tận tụy với chủ, dù chủ có phải đi ăn mày hoặc đã chết chôn trong nấm mồ sâu. Có con chó, sau khi người nhà phủi tay cho sạch rồi ra về, nó vẫn nằm phủ phục, ôm lấy mộ chủ, nước mắt đầm đìa, nhịn ăn, nhịn uống chết theo chủ.

Thật cay đắng, có một tục ngữ cổ Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt câu hỏi: “Tại sao giống vật còn có lòng biết ơn, mà sao lại có những con người không có lòng biết ơn”

Trần Hữu Thăng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/long-biet-on/125354