Long An: tiền bảo hiểm xã hội dễ bị doanh nghiệp giật

SGTT.VN - Tỉnh Long An đang có hơn 2.500 đơn vị nộp bảo hiểm xã hội (BHXH) với hơn 138.000 lao động tham gia và tình trạng các doanh nghiệp chiếm dụng tiền BHXH của người lao động đang diễn biến phức tạp.

Ảnh minh họa: một vụ đình công tự phát vì tiền BHXH bị chiếm dụng. Ảnh: Hùng Anh Ngày công ty TNHH Hán Vũ giải thể, anh Nguyễn Văn Minh và những lao động khác yêu cầu được thanh toán tiền BHXH và các chế độ ngừng việc, nhưng lãnh đạo công ty làm ngơ, lặn mất tăm. Đến các cơ quan hữu trách của tỉnh Long An khiếu nại, anh Minh và mọi người tá hỏa khi biết: từ tháng 8.2008 đến lúc giải thể, công ty TNHH Hán Vũ chẳng hề nộp tiền BHXH cho người lao động, số tiền BHXH bị công ty Hán Vũ chiếm dụng của người lao động do BHXH tỉnh Long An ghi nhận là hơn 371 triệu đồng. “Công ty đã giải thể, nên hiện nay, cho dù chúng tôi có đi kiện bất cứ chỗ nào cũng không ai giải quyết, xem như mất trắng”, anh Minh than. Tình trạng chiếm dụng tiền BHXH của công nhân đang diễn ra khá phổ biến ở Long An, nơi có hơn 2.500 đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh và phải nộp BHXH cho người lao động. Theo bà Trần Thị Thơi, trưởng phòng quản lý thu của BHXH Long An, từ đầu năm 2010 đến nay, BHXH tỉnh ghi nhận có 14 đơn vị nợ BHXH từ sáu tháng trở lên, với tổng số tiền hơn 4,4 tỉ đồng, trong đó đã có bốn doanh nghiệp giải thể, với gần 400 triệu đồng tiền BHXH chiếm dụng của người lao động. “Đây chỉ là những đơn vị chiếm dụng tiền BHXH trong thời gian dài, trên thực tế số doanh nghiệp nợ tiền BHXH còn cao hơn, cụ thể khoảng 20% doanh nghiệp nợ gối đầu một tháng vì còn trong giới hạn cho phép”, bà Thơi nói. Theo cơ quan BHXH Long An, do bị chiếm dụng tiền BHXH, nên công nhân phải chịu nhiều thiệt thòi khi gặp ốm đau, thai sản, hoặc nghỉ việc, vì BHXH tỉnh không thể giải quyết trợ cấp, dẫn đến tình trạng công nhân tự phát đình công, để phản đối giới chủ. Gần đây nhất, vào tháng 3.2010, một vụ đình công lớn kéo dài bốn ngày đã xảy ra ở công ty TNHH SH Vina tại huyện Đức Hòa với sự tham gia của gần 2.000 công nhân. Khi BHXH tỉnh Long An cùng các cơ quan hữu trách của tỉnh đến giải quyết, phát hiện trong hai tháng đầu năm 2010, công ty này không nộp tiền BHXH cho công nhân. Khi xảy ra đình công, giới chủ của công ty này hứa sẽ chuyển tiền nộp trả khoản BHXH đã thu của công nhân, và công nhân nào trở lại làm việc, công ty sẽ thanh toán đầy đủ tiền lương của những ngày đình công. Biện pháp chế tài không đủ sức răn đe “Hiện nay, nếu doanh nghiệp chậm nộp BHXH quá quy định, cơ quan BHXH chỉ được xử phạt vi phạm tối đa 15 triệu đồng/vụ và phạt lãi 10,5%/năm theo lãi suất đầu tư quỹ, nên chẳng doanh nghiệp nào ngán ngại. Chúng tôi đã lập hồ sơ khởi kiện hai doanh nghiệp ra tòa là công ty TNHH Đồng Phát, nợ BHXH từ tháng 8.2008 với số tiền nợ gần 70 triệu đồng và công ty cổ phần thương mại và sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Mỹ nợ BHXH từ tháng 8.2008 với số tiền nợ hơn 321 triệu đồng”, bà Trần Thị Thơi, trưởng phòng quản lý thu của BHXH tỉnh Long An nói. “Hiện nay, nếu doanh nghiệp chậm nộp BHXH quá quy định, cơ quan BHXH chỉ được xử phạt vi phạm tối đa 15 triệu đồng/vụ và phạt lãi 10,5%/năm theo lãi suất đầu tư quỹ, nên chẳng doanh nghiệp nào ngán ngại. Chúng tôi đã lập hồ sơ khởi kiện hai doanh nghiệp ra tòa là công ty TNHH Đồng Phát, nợ BHXH từ tháng 8.2008 với số tiền nợ gần 70 triệu đồng và công ty cổ phần thương mại và sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Mỹ nợ BHXH từ tháng 8.2008 với số tiền nợ hơn 321 triệu đồng”, bà Trần Thị Thơi, trưởng phòng quản lý thu của BHXH tỉnh Long An nói. Sở dĩ tình trạng chiếm dụng BHXH xảy ra triền miên là do các biện pháp chế tài theo luật định không đủ sức răn đe các doanh nghiệp vi phạm. Tuy nhiên, theo cơ quan BHXH Long An, dù có khởi kiện ra tòa, bản án đã tuyên, nhưng các doanh nghiệp không thi hành án, thì BHXH tỉnh cũng… chào thua. Trước đây, cơ quan BHXH Long An đã khởi kiện một doanh nghiệp ra tòa vì chiếm dụng và nợ BHXH quá lâu, nhưng sau khi thành án, doanh nghiệp này tuyên bố giải thể, cơ quan BHXH không thể làm gì được. Do đó, hiện nay, BHXH Long An đành: một mặt làm hồ sơ khởi kiện, một mặt điều đình với các doanh nghiệp nợ BHXH chây ì để yêu cầu họ trả dần nợ gốc, hàng tháng trả lãi phát sinh, nếu doanh nghiệp chấp nhận thì không kiện nữa. Theo các cơ quan bảo vệ quyền lợi người lao động của Long An, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang “chia sẻ” phương thức chiếm dụng tiền BHXH mới: hàng tháng vẫn thu tiền BHXH của công nhân, nhưng không đăng nộp về cơ quan BHXH, mà lập một nguồn quỹ riêng để giải quyết các chế độ ốm đau đột xuất, thai sản và các quyền lợi khác cho công nhân, khiến người lao động vẫn lầm tưởng đó là chế độ họ được hưởng từ việc đăng nộp BHXH. Chỉ đến khi công nhân nghỉ việc, hoặc công ty giải thể, người lao động mới phát hiện doanh nghiệp chiếm dụng tiền BHXH vì cơ quan BHXH không giải quyết chế độ nghỉ việc.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/126913/long-an-tien-bao-hiem-xa-hoi-de-bi-doanh-nghiep-giat.html