Long An: Ngang nhiên lấp rạch để phân lô bán nền

San lấp rạch dẫn nước sản xuất của hơn 80 hộ dân để phân lô bán nền, thu lợi hàng tỷ đồng – hành động ngang ngược này của một “đầu nậu” chuyên thu gom đất ruộng để phân lô bán nền hơn một năm qua vẫn chưa được xử lý, chính là nguyên nhân khiến dư luận ở huyện Cần Giuộc bức xúc trong thời gian gần đây.

Vụ này phát sinh từ việc ông Nguyễn Văn Cường (ngụ ấp Lộc Trung, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) mua 2 mảnh ruộng nằm hai bên con rạch Nhiêu Phò của bà Trần Thị Yến (ngụ cùng địa phương), và tiến hành san lấp con rạch nhằm kết nối 2 mảnh ruộng này lại với nhau. Hành vi này đã bị người dân phát hiện và khiếu nại đến chính quyền địa phương.

Trong khi khiếu nại chưa được giải quyết, ông Cường tiếp tục “xóa sổ” dấu tích một đoạn con rạch chạy giữa 2 thửa ruộng và hoàn tất các thủ tục tách thửa thành nhiều lô, chuyển mục đích sử dụng các lô thành đất ở. Thậm chí ông Cường còn chuyển nhượng đất cho một số người khác, với tổng giá trị giao dịch hàng tỷ đồng.

Theo ông Đặng Văn Hùm (SN 1958) và nhiều người dân khác ngụ ấp Lộc Trung, rạch Nhiêu Phò bắt nguồn từ đập ngăn mặn Trị Yên chảy vào ấp Lộc Trung. Đây là con rạch tự nhiên đã tồn tại hàng trăm năm nay; con rạch không chỉ là nguồn nước duy nhất để người dân sử dụng để tưới tiêu, canh tác hoa màu, mà còn để thoát nước, tránh ngập úng vào mùa mưa lũ.

Hiện trường rạch Nhiêu Phò sau khi bị san lấp, xây tường ngăn dòng.

“Lúc con rạch mới bị san lấp, các hộ dân đã ra ngăn chặn và làm đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền địa phương nhưng không được xem xét, xử lý. Và từ đó đến nay, các hộ dân tiếp tục gửi đơn khiếu nại khắp nơi nhưng vụ việc vẫn chưa xử lý dứt điểm. Đó là chưa nói, tại văn bản trả lời khiếu nại của người dân, UBND Huyện Cần Giuộc còn cho rằng không có cơ sở xử lý về hành vi san lấp con rạch. Dù thực tế, hàng trăm năm qua rạch Nhiêu Phò là con rạch duy nhất giúp cho hơn 80 hộ dân có nguồn nước để canh tác 32 ha đất trồng hoa mầu” – Ông Hùm bức xúc.

Theo ghi nhận, con rạch Nhiêu Phò chảy qua ấp Lộc Trung có bề rộng khoảng 8 mét; ở phía đầu con rạch hiện có một bức tường được xây bít với chiều cao khoảng 3 mét, chiều dài hàng chục mét ngăn dòng chảy của con rạch. Phía bên trong và bên ngoài bức tường là hàng chục lô đất nhỏ được phân ranh bằng những cọc bê tông. Bên hông bức tường, ngoài những lô đất đã được cắm cọc là một cống nước mới có chiều rộng khoảng 1 mét chạy theo hình vòng cung, cặp theo bức tường mới xây để kết nối vào rạch Nhiêu Phò. Theo người dân sống gần đó, cống nước này xuất hiện sau khi người dân phản ánh, bày tỏ bức xúc với chính quyền địa phương về việc rạch Nhiêu Phò bị “bức tử”, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của người dân.

Trước bức xúc của người dân, bà Trần Thị Yến (người bán ruộng cho ông Nguyễn Văn Cường – PV) khẳng định, con rạch Nhiêu Phò có bề ngang rộng từ 7 – 8m chảy ngang qua giữa miếng đất của bà. Đó cũng là lý do khi bán đất, 700m2 đất được xác định là đất rạch nên không đưa diện tích đất này vào chuyển nhượng.

Nguyên Bí thư ấp Lộc Trung – bà Nguyễn Thị Sâm, bà Trần Thị Yến và người dân (từ trái qua) bày tỏ bức xúc trước hành vi lấp rạch của “đầu nậu” phân lô bán nền.

Không chỉ khẳng định giữa 2 lô đất của bà Yến có rạch nước rộng khoảng 8 m chảy ngang qua, nguyên Bí thư ấp Lộc Trung – bà Nguyễn Thị Sâm còn cho biết, nguồn gốc đất trước đây của ông Miên – cha chồng của bà Yến để lại. Sau này bà Yến bán cho ông Cường và ông Cường là người san lấp đã làm “biến dạng” con rạch này.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Thiệp, Bí thư huyện ủy Cần Giuộc cho biết, ngày 25/5 vừa qua, huyện đã tổ chức họp để lắng nghe ý kiến của các hộ dân và chỉ đạo các cơ quan ban ngành rà soát lại về việc này. Hiện trạng con rạch Nhiêu Phò từ xưa đã bị nhiều người dân lấn chiếm. Con rạch có 5 mét ngang thì trên bản đồ (tỷ lệ 1/5.000) sẽ không thể hiện, vì vậy cần phải rà soát lại bản đồ từ thời chế độ cũ và bản đồ mới như thế nào để xin ý kiến của người dân, ý kiến của các vị “lão nông tri điền” lớn tuổi ở địa phương để giải quyết… Sau 30 ngày sẽ tổ chức họp để có quyết định cụ thể. “Ai lấn chiếm sẽ phải trả lại hiện trạng, tạo lại dòng chảy, nguồn nước cho người dân sản xuất” – ông Thiệp khẳng định.

Qua tìm hiểu, ấp Lộc Trung có hơn 80 hộ dân đều sống bằng nghề nông nghiệp, thu nhập chính của các hộ dân nơi đây đều trông chờ vào các ruộng rau và dưa hấu. Thế nên từ khi con rạch bị san lấp, mùa nắng thì không còn nguồn nước để tưới tiêu, nhưng khi mưa thì lại rơi vào tình trạng bị ngập úng.

Thanh Hải

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/ngang-nhien-lap-rach-de-phan-lo-ban-nen/