Long An: Bị mất nhà vì tòa áp dụng sai pháp luật?

Sau 2 năm thụ lý, do đương sự mua bán nhà đất không thành nên Tòa xử thu hồi vốn với lãi tăng theo thời gian đình chỉ!?

Bà Lê Thị Ngọc Thanh ngồi buồn bã đau khổ trước căn nhà đã phát mãi.

Theo đơn khiếu nại xin giám đốc thẩm và đơn khởi kiện của bà Lê Thị Ngọc Thanh, trước đây bà có vay của bà Nguyễn Thị Thúy Hồng 850 triệu đồng để làm ăn nhưng sau đó bà mất khả năng chi trả nên bà thỏa thuận bán cho bà Hồng căn nhà số 136/2 khu phố 2 (khu dân cư Mai Thị Non), thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An do bà đứng tên với giá 950 triệu đồng, bà Hồng chỉ cần trả thêm cho bà Thanh 100 triệu đồng là đủ. Việc mua bán nhà theo hợp đồng ngày 16/03/2006 và có xác nhận của UBND thị trấn Bến Lức.

Đến ngày 25/12/2006 hai bên làm giấy thỏa thuận thanh lý hợp đồng mua bán nhà, lúc này bà Hồng chấp nhận cho bà Thanh hoàn trả số tiền bán nhà làm hai đợt. Đợt 1: Trả 500 triệu đồng sau khi ký giấy thỏa thuận và đã trả xong ngay khi ký giấy. Đợt 2: Số tiền còn lại 450 triệu đồng bà Hồng đồng ý cho bà Thanh trả chậm trong vòng 5 năm không tính lãi. Giấy thỏa thuận được UBND thị trấn Bến Lức chứng thực ngày 25/12/2006. Nhưng liền một ngày sau khi ký giấy thỏa thuận, bà Hồng khởi kiện tại TAND huyện Bến Lức.

Kết quả giải quyết bằng Bản án dân sự sơ thẩm số: 127/2007/DSST ngày 18/9/2007, tuyên buộc bà Thanh phải trả cho bà Hồng số tiền vốn gốc 450 triệu đồng, tiền lãi đối với số tiền 950 triệu đồng kể từ ngày hai bên ký hợp đồng mua bán nhà cho đến ngày 25/12/2006 là 145 triệu đồng và tiền lãi đối với số tiền 450 triệu đồng từ ngày 25/12/2006 đến ngày xét xử sơ thẩm 61 triệu đồng.

Tổng cộng buộc bà Thanh phải trả cho bà Hồng vốn gốc 450 triệu đồng và tổng lãi 207 triệu đồng. Ngoài ra bà Thanh còn chịu án phí dân sự sơ thẩm 21 triệu đồng. Do hậu quả xét xử làm tăng thêm nợ nần chồng chất, buộc lòng bà Thanh phải kháng cáo.

Ngày 26/11/2007, TAND tỉnh Long An ra Bản án dân sự phúc thẩm số: 584/2007/DS-PT ngày 26/11/2007 giữ y án sơ thẩm. Bà Thanh tiếp tục khiếu nại ngày 28/6/2011 TAND Tối cao ra Quyết định giám đốc thẩm số: 490/2011/DS-GĐT, xét thấy theo quy định tại Điều 4 Bộ luật Dân sự thì thỏa thuận là hợp pháp, có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên.

Theo đó, bà Thanh có nghĩa vụ trả cho bà Hồng 450 triệu đồng (không có lãi) trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 25/12/2006 nhưng Tòa sơ thẩm và phúc thẩm buộc bà Thanh phải trả cho bà Hồng 450 triệu đồng trước thời hạn và 61 triệu đồng tiền lãi của số tiền này theo lãi suất nợ quá hạn là trái với nội dung của giấy thỏa thuận và không đúng với quy định tại khoản 1 Điều 285 Bộ luật Dân sự quy định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Ngoài ra, cũng theo Bản thỏa thuận trên thì giữa các bên không có thỏa thuận về trả lãi đối với tổng số tiền 950 triệu đồng, nhưng Tòa án các cấp lại buộc bà Thanh phải trả cho bà Hồng tiền lãi theo lãi suất quá hạn của khoản tiền trên kể từ ngày bà Hồng giao tiền cho bà Thanh (ngày 16/3/2006 đến ngày 25/12/2006) là 145 triệu đồng là không đúng và không có căn cứ. Do đó, TAND Tối Cao đã hủy Bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND huyện Bến Lức tỉnh Long An xét xử sơ thẩm lại vụ án.

Vì sao nguyện vọng chính đáng không được Tòa xem xét?!

Mặc khác do trong thời gian Bản án phúc thẩm có hiệu lực nhưng vì bà Lê Thị Ngọc Thanh không có khả năng trả tiền nên Chi cục thi hành án dân sự Bến Lức đã ra quyết định cưỡng chế bán đấu giá tài sản căn nhà số: 136/2 để trả nợ cho bà Hồng xong và còn buộc bà Thanh phải chịu tiền lãi chậm thi hành án 92 triệu đồng cho nên sau khi Giám đốc thẩm TAND huyện Bến Lức thụ lý lại vụ án lúc này vì quyền lợi của bà Hồng đã giải quyết xong, nên bà Hồng đã rút toàn bộ đơn khởi kiện, bà Thanh không đồng ý và yêu cầu TAND huyện Bến Lức tiếp tục giải quyết vụ án, địa vị tố tụng thay đổi bà Thanh trở thành nguyên đơn, bà Hồng thành bị đơn.

Trong quá trình giải quyết lại vụ án ngày 14/11/2011 bà Thanh xin được công nhận và thực hiện theo “Giấy thỏa thận” giữa các đương sự lập ngày 25/12/2006 nhằm hoàn trả khoản nợ 450 triệu với nguyện vọng được giữ lại căn nhà gồm 18 người đang sinh sống tại đây. Đồng thời bà Thanh yêu cầu bà Hồng phải trả số tiền lãi là 207 triệu đồng và tiền lãi chậm thi hành án là 92 triệu đồng đúng theo tinh thần bản án giám đốc thẩm.

Do Tòa xác định quan hệ pháp luật tranh chấp “Đòi tài sản” và cho rằng bị đơn bà Hồng hiện cư trú tại phường Tân Định, quận 1 nên đã ra quyết định chuyển vụ án về TAND Quận 1 TP.HCM để giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 05/7/2013 TAND Quận 1 ban hành Quyết định số:25/2013/QĐST-DS chuyển trả toàn bộ hồ sơ vụ án nêu trên về TAND huyện Bến Lức để giải quyết theo thẩm quyền vì có liên quan đến bất động sản là căn nhà đã bị phát mãi thi hành án.

Lúc này người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Chi cục thi hành án dân sự huyện Bến Lức và bà Vũ Ánh Nguyệt, ông Từ Minh là những người mua căn nhà thông qua bán đấu giá và đã được cấp giấy chủ quyền nhà, cũng được đưa vào tham gia tố tụng. Mặc dù về nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Thế nhưng về phía TAND huyện Bến Lức còn có văn bản xin ý kiến số: 290/2011/VBXYK ngày 25/10/2011 gửi lãnh đạo TAND tỉnh Long An để xin đường lối quan điểm xét xử (?!) Nội dung văn bản phản ánh: “…Trong Biên bản làm việc ngày 06/10/2011 và biên bản làm việc ngày 24/10/2011 bà Thanh yêu cầu Tòa án phải có trách nhiệm trả nhà cho bà và bồi thường thiệt hại tổn thất tinh thần trong thời gian hai năm gia đình bà phải thuê nhà trọ trong khi số tiền nợ 450 triệu thì đến ngày 25/12/2011 mới hết hạn trả nợ cho bà Hồng.

Riêng với số tiền lãi mà Tòa án sơ thẩm, phúc thẩm buộc bà Thanh phải trả cho bà Hồng theo nhận định của Quyết định giám đốc thẩm là không đúng, Tòa án nhân dân huyện Bến Lức đang gặp khó khăn trong việc giải quyết đối với yêu cầu của bị đơn bà Lê Thị Ngọc Thanh. Kính mong ban lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Long An cho quan điểm đường lối về việc giải quyết vụ án trên”?!

Sau 2 năm Tòa thụ lý kết quả vẫn là đình chỉ (!)

Tuy nhiên sau thời gian hơn hai năm kể từ ngày có quyết định giám đốc thẩm số 490 ngày 28/6/2011, Tòa Bến Lức vẫn chưa tổ chức xét xử theo các yêu cầu của bà Thanh, do đó bà Thanh rút lại phần yêu cầu bà Hồng phải trả lại số tiền lãi 207 triệu đồng và tiền lãi chậm thi hành án 92 triệu đồng, kể cả việc yêu cầu Chi cục thi hành án dân sự huyện Bến Lức hoàn trả cho bà số tiền án phí sơ thẩm, phúc thẩm và sẽ tách ra thành vụ kiện độc lập khác, do đó tại Tòa sơ thẩm bà Thanh và luật sư của bà nhiều lần đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận cho bà được trả số tiền 450 triệu đồng theo giấy thỏa thuận nhằm bảo lưu giữ nguyên căn nhà 136/2 thuộc quyền sở hữu của bà Thanh.

Nhưng bà Trinh Thị Phúc là thẩm phán TAND huyện Bến Lức vẫn phớt lờ xem như việc phát mãi căn nhà là đương nhiên đã rồi…(?!). Cụ thể trong phần xét thấy Tòa sơ thẩm lập luận số tiền 450 triệu đồng này đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Chi cục thi hành án dân sự huyện Bến Lức chi trả cho bà Hồng theo phiếu chi số: PC002674 và phiếu chi số: PC002977 ngày 25/5/2010 từ việc cưỡng chế bán đấu giá căn nhà của bà Thanh và tại phiên Tòa bà Hồng khẳng định bà Thanh không còn nợ bà Hồng số tiền nào cả do đó Tòa đình chỉ giải quyết vụ án và hoàn trả cho bà Thanh toàn bộ số tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Ngày 24/12/2013 bà Thanh kháng cáo không đồng ý phần bản án sơ thẩm. Bởi lý do trước đây bà không đồng ý các bản án sơ thẩm phúc thẩm nên đã khiếu nại xin giám đốc thẩm và không hợp tác thi hành bản án phúc thẩm, hơn nữa căn cứ Điều 80 Bộ luật tố tụng Dân sự quyết định giám đốc thẩm sẽ đương nhiên được xem là chứng cứ có giá trị pháp lý có nội dung tuyên hủy không công nhận bản án phúc thẩm.

Thế nhưng TAND tỉnh Long An vẫn ra Bản án dân sự phúc thẩm số: 88/2014 ngày 07/4/2014 không chấp nhận kháng cáo vẫn giữ y án sơ thẩm với nhận định cho rằng phần yêu cầu của bà Thanh xin được trả cho bà Nguyễn Thị Thúy Hồng số tiền 450 triệu theo Giấy thỏa thuận ngày 25/12/2006 không phải là một tranh chấp dân sự, vì bà Hồng không tranh chấp và không có yêu cầu phản tố.

Rõ ràng việc thụ lý và xét xử lại sơ thẩm, phúc thẩm lần hai đã lơ đi các nguyên tắc về quyền được yêu cầu Tòa án bảo vệ, quyền bình đẳng trong tố tụng qua bốn lần xét xử ở Long An đã làm cho người dân thật sự trắng tay bần cùng, không còn nơi cư trú, lòng tin vào quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật đối với bà Thanh để yêu cầu xin thực hiện hợp đồng thỏa thuận giữa 2 bên nhằm hoàn trả số nợ 450 triệu đồng cho bà Hồng đã bị sụp đổ.

Trong khi liên tục 2 cấp Tòa đã đưa người trúng đấu giá mua được căn nhà và cơ quan thi hành án vào tham gia tố tụng để làm gì? Trong khi Tòa đã chấp nhận thụ lý và cho bà Thanh đóng tạm ứng án phí nhưng rồi bất ngờ Tòa đình chỉ vụ án không xem xét yêu cầu của bà Thanh chứng tỏ quyền bình đẳng giữa các đương sự chưa được thực thi đảm bảo. Lần nữa dư luận đang trông chờ sự công tâm phán xét Giám đốc thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM.

Luật sư TRẦN THỊ ÁNH

Trưởng Văn Phòng Luật Sư Nguyễn Thanh Lương/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/long-an-bi-mat-nha-vi-toa-ap-dung-sai-phap-luat-p41799.html