Lợn kháng bệnh ra đời nhờ kỹ thuật sửa gene

Các nhà khoa học ở Viện nghiên cứu Roslin (Scotland), nơi ra đời của chú cừu Dolly nổi tiếng, vừa công bố họ đã đạt được dấu ấn quan trọng trong dự án tạo ra động vật miễn nhiễm bệnh dịch với sự ra đời của chú lợn biến đổi gene đầu tiên bằng kỹ thuật “sửa gene”.

Chú lợn 26 ra đời nhờ kỹ thuật "sửa gene"

Kỹ thuật sửa gene chính xác và hiệu quả hơn 100 lần kỹ thuật biến đổi gene thông thường, vì không tận dụng các gene chống kháng sinh bị chỉ trích lâu nay, các nhà nghiên cứu cho biết.

Chú lợn 26 ra đời vào tháng 8 năm ngoái nhờ kỹ thuật “biến đổi DNA nhỏ nhất”.

“Trong số 3 tỷ gene, chúng tôi chỉ loại bỏ 1. Điều đó có thể xảy ra trong tự nhiên, hoặc nhờ kỹ thuật sửa DNA”, GS. Bruce Whitelaw tại Viện nghiên cứu Roslin nói.

Phương pháp này không dựa vào quy trình nhân bản vô tính như trước đây, không dùng gene chống kháng sinh và có thể thực hiện trên trứng đã thụ tinh thay vì tế bào bình thường.

Chú lợn 26 nằm trong chương trình tạo ra lợn biến đổi gene kháng nhiều loại bệnh, như siêu vi khuẩn sốt lợn châu Phi.

Chú lợn 26 chỉ được sửa 1 gene để kháng nhiều loại bệnh

Phản ứng của người dân đối với thực phẩm biến đổi gene đã làm chậm quá trình đưa động thực vật biến đổi gene vào sử dụng. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) sắp đưa ra phán quyết có cho phép bán cá hồi biến đổi gene làm thực phẩm cho người hay không.

Loài cá này được công ty công nghệ Aquabounty ở Massachusetts tạo ra bằng gene của cá hồi Chinook, cho phép các hồi biến đổi gene tăng trưởng với tốc độ nhanh gấp đôi so với thông thường.

FDA sẽ đưa ra kết luận vào cuối năm nay, nhưng cơ quan này đã tuyên bố cá hồi biến đổi gene không gây nguy cơ gì cho sức khỏe con người hay môi trường.

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc/lon-khang-benh-ra-doi-nho-ky-thuat-sua-gene-c7a76344.html