Lời xin lỗi của thanh niên mang trọng tội gửi đến gia đình nạn nhân

Chỉ vì con ma men không làm chủ được bản thân đã cướp đi sinh mạng của người bạn học cùng trường.

Đang nhậu trong phòng vui vẻ thì anh Thịnh bước vào đôi co chuyện tiền bạc giữa anh và Tuấn. Thấy vậy, những người có mặt trong phòng đã đuổi anh Thịnh ra ngoài. Anh Thịnh đi ra, kéo theo cả Tuấn và lần này, thay vì cãi nhau, họ xông vào nhau đấm đá. Cho rằng anh Thịnh là kẻ phá cuộc vui nên Long và các bạn đã chạy ra đánh Thịnh, bênh Tuấn, gây nên cái chết cho nạn nhân...

Sau 5 năm cải tạo trong trại giam Ninh Khánh, nhưng nhắc lại lỗi lầm xưa của mình Bùi Trần Long, SN 1989 tại Quỳnh Phụ, Thái Bình vẫn luôn day dứt. Hỏi tại sao lại làm như vậy, anh ta chỉ biết lắc đầu và bảo chỉ có thế đổ lỗi cho rượu. Hơi men đã khiến Long trở nên hung dữ hơn và khiến cậu ta có can đảm cầm hung khí xuống tay với nạn nhân. Chỉ muốn cho bạn một bài học nhưng ngờ đâu hai nhát dao đó đã cướp đi sinh mạng của bạn, anh Thịnh tử vong do mất máu cấp.

Bênh bạn thành kẻ gây trọng tội...

16 năm tù là cái giá mà Long phải trả cho hành động của mình. Với dáng người thanh mảnh và một gương mặt chân chất của người sinh ra ở vùng nông thôn, gặp chúng tôi Long vẫn có chút gì đó ngại ngùng, e dè. Qua vài câu chuyện vu vơ, Long cảm thấy thoải mái hơn và từ tốn trò chuyện với chúng tôi về cuộc đời mình. Thái độ rụt rè lúc đầu của anh ta khiến chúng tôi không nghĩ thanh niên này từng có hai năm phục vụ trong quân ngũ.Long bảo từ ngày gây án đến nay, anh ta vẫn không sao quên được buổi tối định mệnh ấy. Cái đêm cầm dao đâm bạn mãi mãi ám ảnh trong đầu mà theo lời Long thì cả đời này anh ta sẽ không bao giờ quên được.

Bức thư đầu tiên Long viết không phải viết cho bố mẹ mình mà cậu ta viết cho bố mẹ nạn nhân “Em đã viết thư cho bố mẹ Thịnh, xin lỗi cô chú ấy nhưng cho dù cô chú ấy có tha thứ cho em thì bản án giết người sẽ mãi theo em suốt cả đời này, đến chết mới thôi”, Long tâm sự.

Theo bản án tháng 10-2010, một người bạn của Long tên là Tuấn có dùng chứng minh nhân dân của mình cho Thịnh, cũng là bạn cùng học ở trường dạy nghề mượn để vay tiền ở tiệm cầm đồ. Hứa là một tuần sẽ thu xếp trả tiền để lấy lại giấy tờ cho Tuấn nhưng Thịnh cứ lần nữa mãi không thực hiện. Nhiều lần yêu cầu Thịnh lấy chứng minh thư về cho mình nhưng lần nào Tuấn cũng bị Thịnh khất lần.

Khoảng 21h ngày 4-5-2011, tại phòng trọ của Tuấn, nhóm bạn trong đó có Long tổ chức uống rượu. Đang ăn uống vui vẻ thì Thịnh cùng hai người bạn nữa đi vào. Thấy Tuấn có thái độ muốn đòi tiền mình, Thịnh ghé tai nói nhỏ với mục đích chỉ để mình Tuấn nghe thấy song có lẽ quá bực bội vì người bạn thất hứa nên Tuấn không chịu bỏ qua. Tuấn lớn tiếng đòi tiền Thịnh và có câu nói xúc phạm đến thanh niên này nên bị Thịnh tát cho một cái vào mặt.

Cho rằng Thịnh đến phá đám cuộc nhậu của mình nên mấy thanh niên trong phòng đã đuổi Thịnh ra ngoài. Tuấn cũng ra theo và giữa hai người đã xảy ra xô xát. Hơi men trong người đã khiến số thanh niên này không kìm nén được giận dữ và họ đã trút giận lên người Thịnh. Họ xông vào đấm đá Thịnh nhưng nguyên nhân dẫn đến cái chết của Thịnh chính là hai nhát dao do Long đâm vào ngực. Với hành vi này, Long bị kết án 16 năm tù về tội giết người.

Phạm nhân Bùi Trần Long cùng nhiều phạm nhân khác đang nỗ lực cải tạo mong sớm trở về

Nỗi day dứt chưa bao giờ yên...

Được phân về trại giam Ninh Khánh cải tạo, Long đem theo cả nỗi mặc cảm tội lỗi về hành vi của mình. Lúc nào cậu ta cũng sống trong tâm trạng day dứt, ân hận cho dù nhiều lần nhìn mọi người trong buồng cười đùa vui vẻ, Long cũng muốn bứt ra khỏi những suy nghĩ quẩn quanh để sống mà không thể.

Nhận xét về phạm nhân Bùi Trần Long, thiếu tá Nguyễn Văn Hồng, đội trưởng đội giáo dục trại giam Ninh Khánh cho biết từ ngày vào trại, Long chưa lần nào vi phạm nội quy, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“Khi trại phát động cuộc thi phạm nhân viết thư, gửi lời xin lỗi, Long là người hăng hái tham gia ngay đợt đầu. Tôi có hỏi Long là gửi lời xin lỗi ai thì anh ta đáp gửi cho bố mẹ nạn nhân Thịnh. Hỏi sao không viết thư xin lỗi bố mẹ như nhiều phạm nhân thường làm thì Long cười bảo: lỗi với bố mẹ là hiển nhiên rồi nhưng có người mà cả đời này nói lời xin lỗi vẫn không đủ nên phải viết từ bây giờ. Nghĩ cũng tội cho anh ta”, thiếu tá Hồng cho biết.

Sinh ra ở quê lúa Thái Bình, tốt nghiệp phổ thông, Long lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sau hai năm đi lính, cậu về trường dạy nghề X20, Bộ quốc phòng học nghề cơ khí. Thời gian ở đây, Long kết thân với một số bạn trong đó có Tuấn và Thịnh. Nhắc đến ngày còn ở trường học nghề, Long bảo có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ rằng có ngày anh ta lại xuống tay cướp đi mạng sống của người bạn mình.

“Hôm đó chúng em ai cũng uống rượu, đang vui vẻ thì Thịnh vào, thế là xảy ra cãi vã. Nghĩ tức Thịnh vả lại cũng vì bênh Tuấn không lấy được chứng minh nhân dân do cho Thịnh mượn cầm cố trong khi chuẩn bị tốt nghiệp rồi nên chúng em đã quá tay. Trời tối, em cầm dao đâm bừa nên cũng không biết vào đâu. Thấy Thịnh được bạn dìu về, chúng em cứ nghĩ là không sao nên quay vào tiếp tục uống rượu, tới khi lực lượng công an xuất hiện mới biết Thịnh đã chết”, Long kể.

“Em day dứt vì tự hủy hoại tương lai của mình thì ít mà nghĩ nhiều đến bố mẹ Thịnh. Cậu ấy cũng là con một như em nhưng giờ thì mãi mãi không bao giờ còn được gặp bố mẹ. Em đi tù, thời gian có dài thì vẫn còn cơ hội để đoàn tụ với gia đình, còn cơ hội sửa chữa và làm lại chứ bạn ấy thì chẳng bao giờ…”, Long bở dở câu nói, mắt chợt đỏ hoe.

Long bảo, những ngày tạm giam chờ tòa xét xử tâm trạng Long lúc nào cũng lo sợ. Nghĩ về tương lai, còn bao dự định chỉ vì một phút nóng giận trở thành dang dở. Long khóc vì tiếc và sợ hãi khi nghĩ đến mức án dành cho mình. Hai mươi năm tù hoặc lâu hơn nữa là mức án mà trong suốt thời gian trong trại tạm giam Long luôn mường tượng đến.

Cậu ta cũng hình dung tới cảnh bị cha mẹ, người thân của Thịnh chửi bới, xỉa xói khi đứng trước vành móng ngựa. Long chuẩn bị tâm lý đón nhận nhưng ngày hầu tòa, anh ta đã hoàn toàn bất ngờ. Cha mẹ Thịnh, mặc dù rất đau khổ vì mất con nhưng đã xin Tòa giảm nhẹ hình phạt cho Long vì nghĩ có phạt nặng hơn nữa thì Thịnh cũng không sống lại.

“Nghe những lời nói ấy của cô chú, em đã òa lên khóc vì xúc động. Sau phút giây đó, em hiểu rằng từ lúc đó trở đi, em đã mang một món nợ ân tình mà cả cuộc đời này sẽ không bao giờ trả nổi. Em nợ cô chú ấy mạng sống của cậu con trai, nợ tấm lòng bao dung mà cô chú ấy dành cho mình. Chính vì thế mà trong em lúc nào cũng hiện hữu sự ân hận và day dứt”, Long thành thật.

Được phân công cải tạo ở đội dệt cói, dù công việc đập, giũ, phơi cói phải tốn nhiều công sức nhưng với cậu con trai sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, quanh năm tiếp xúc với ruộng đồng như Long thì chẳng nhằm nhò gì. Long nhanh chóng thích nghi với công việc và tháng nào cũng hoàn thành tốt định mức đề ra. Theo lời quản giáo Việt, người quản lý đội phạm nhân của Long ở phân trại số 2 thì từ ngày vào trại đến nay, năm nào Long cũng được xếp loại khá. Tính đến thời điểm này, Long đã cải tạo được hơn 5 năm.

Nhắc đến gia đình, đến người thân, Long cho biết vài tháng bố mẹ lại lên trại thăm anh ta. Nhận lời động viên của bố mẹ, Long chỉ biết khóc bởi đáng ra anh ta phải là chỗ dựa của bố mẹ lúc tuổi già thì bây giờ vẫn phải để bố mẹ thăm nuôi mình.“Em cũng là con trai duy nhất trong nhà. Cứ nghĩ đến bố mẹ mình, em lại chạnh long nghĩ đến bố mẹ Thịnh. Bố mẹ em dù bây giờ có vất vả, khổ sở vì em thì vẫn còn được gặp, được trò chuyện với con trai mình chứ bố mẹ Thịnh thì làm sao có thể. Càng nghĩ, em càng ân hận”, Long thành thật.

Cậu ta cho biết sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được trở về đoàn tụ với gia đình. Việc đầu tiên mà Long dự định sẽ làm sau khi bước ra khỏi cổng trại giam này là tới nhà Thịnh, thắp cho người bạn một nén hương và nói lời xin lỗi với gia đình Thịnh. Long bảo nói một lời xin lỗi không phải là xong nhưng nếu làm được điều đó sẽ có cảm giác day dứt trong long vơi đi nhưng “nỗi ám ảnh về cái chết của bạn ấy thì sẽ theo em đến hết đời”.

Nghe Long bộc bạch suy nghĩ của mình, chúng tôi chợt nghĩ tới những kẻ cũng phạm tội giết người như Long rồi thầm nghĩ chắc họ cũng luôn có cảm giác nặng nề, day dứt như thanh niên này. Đó là bản án lương tâm mà ở đó, chẳng cần nhà tù hay một hình phạt giam giữ nào nhưng chính những kẻ đã gây tội ác này lại không thể trả tự do cho tâm hồn mình.

Nguyễn Vũ – Hương Vũ

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/loi-xin-loi-cua-thanh-nien-mang-trong-toi-gui-den-gia-dinh-nan-nhan-96162/