Lối thoát cho những cảnh đời khó khăn

Đạo diễn của bộ phim tài liệu gây sốt năm ngoái “Lửa Thiện Nhân” là Đặng Hồng Giang vừa tiếp tục cho ra chùm phim tài liệu hiện thực “Đáng sống”. Phim đang được chiếu tại các rạp ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, truyền thông điệp về sự vượt khó vươn lên tìm lối thoát cho cuộc đời.

Gia đình chị Hoàng Thị Kim Dung trong phim.

Trong buổi chiếu ra mắt, ngoài các nhân vật và người thân của họ, không ít khán giả đã rơi nước mắt suốt 90 phút của ba bộ phim. Khóc vì thương cảm nỗi đau của các nhân vật, vì nghị lực mãnh liệt của họ, vì những quyết định, vì niềm vui và hạnh phúc đến với mỗi người… Ba bộ phim hoàn toàn độc lập với nhau, với các tuyến nhân vật, cách giải quyết vấn đề khác nhau nhưng được sắp xếp logic và tạo thành một chùm phim “Đáng sống” đi vào lòng người.

“Mầm sống” là phim đầu tiên, kể về Tiến sĩ Hoàng Thị Kim Dung, hiện là giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Chồng chị Dung đột ngột ra đi sau một tai nạn. Trong hoàn cảnh ấy, mỗi người chúng ta sẽ như thế nào? Hẳn là vật vã khóc lóc, kêu gào. Nhưng chị Dung đã vượt lên đau khổ, tìm “mầm sống” cho tương lai của cuộc đời mình. Gắn với thực tế rằng, hằng năm ở Việt Nam có khoảng 9-10 nghìn người chết vì tai nạn giao thông, thì “mầm sống” gieo từ câu chuyện của chị Dung giúp nhiều người có hy vọng bù đắp phần nào mất mát.

Phim thứ 2, mang tên “Đáng sống”, nói về cuộc chiến chống ung thư của anh Tăng A Pẩu, một doanh nhân tại TP Hồ Chí Minh. Trước thông tin từ bác sĩ rằng, mình bị bệnh ung thư gan, dù có cắt bỏ khối u thì cũng chỉ sống được vài tháng, anh Tăng A Pẩu đã tìm ra lối thoát cho riêng mình. Đến nay, sau 11 năm, anh vẫn sống khỏe mạnh và có ích, trở thành nhiếp ảnh gia chụp được nhiều loài chim quý hiếm và giá trị nhất Việt Nam.

Dẫu có nghe đâu đó về người bị tai nạn với bom mìn còn sót lại ở mảnh đất miền Trung nhưng ít ai nghĩ rằng còn rất nhiều người đang hằng ngày phải đối mặt với cái chết, bị tàn phế khi mưu sinh bằng nghề đào bới phế liệu. Bộ phim thứ 3, mang tên “Một con đường”, nói về điều đó, về người dân ở tỉnh Quảng Trị. Anh Nguyễn Ngọc Triệu dẫn dắt người xem vào cuộc mưu sinh chết chóc đó và cũng đưa mọi người bước ra cùng anh trong một cái kết đẹp đẽ và mãn nguyện.

Ba bộ phim có bối cảnh ở ba miền Bắc - Trung - Nam, với những nhân vật thuộc tầng lớp khác nhau, người là trí thức, người là doanh nhân, người lao động chân tay. Đó hẳn là dụng ý của đạo diễn, vì theo anh: “Tai ương có thể ập đến với bất cứ ai, bất cứ lúc nào, nhưng bạn ứng xử ra sao mới là điều quan trọng. Những nhân vật trong “Đáng sống” đều có cách giải quyết rất tích cực, như lời khuyên mà nhiều người trong xã hội đang cần”. Là phim tài liệu nhưng cả ba phim đều không có lời bình, những cảnh quay đẹp, những thước phim đầy chất nghệ thuật lôi cuốn khán giả không khác gì phim truyện.

Bộ phim thứ 3 bấm máy trước tiên, cùng thời điểm với “Lửa Thiện Nhân” cách đây 4 năm, có sự tham gia của nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn bên cạnh đạo diễn Đặng Hồng Giang. Ở thời điểm ấy, đạo diễn Đặng Hồng Giang đã xác định rằng con đường đi của mình là làm phim tài liệu hiện thực. “Xung quanh ta có quá nhiều câu chuyện đẹp, cần được đưa tới mọi người để nhân lên sự chia sẻ và niềm vui thay vì vùi mình trong u uất, than vãn về khó khăn”.

Một chùm phim tài liệu, với người xem đến rạp chắc chắn không phải có 90 phút giải trí. Xem “Đáng sống” thực sự rất ám ảnh, bởi có quá nhiều điều đáng suy nghĩ. Cứ nhìn vào hai đứa trẻ vui đùa hồn nhiên bên người mẹ can đảm hay anh Tăng A Pẩu say sưa khắp muôn nơi để săn ảnh về các loài chim quý, rồi bạn trẻ Nguyễn Ngọc Bắc - con anh Nguyễn Ngọc Triệu đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định, ai cũng thấy cuộc đời thật đẹp và đáng sống!

Yên Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phim/856070/loi-thoat-cho-nhung-canh-doi-kho-khan