Lối thoát cho nhà mạng nhỏ: Chọn 3G hay 4G?

Việc phát triển sản phẩm dữ liệu gần như là con đường duy nhất của các nhà mạng nhỏ trước áp lực thị phần từ 3 nhà mạng lớn.

Công ty Cổ phần Dịch vụ viễn thông Toàn cầu, đơn vị sở hữu mạng di động Gmobile, vừa có được giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G. Việc này gây không ít bất ngờ bởi trước đó Gmobile không hề thử nghiệm mạng 4G, trong khi 3 “ông lớn” Viettel, Vinaphone và Mobifone lại quảng bá rầm rộ từ cuối năm ngoái đến nay.

Nhắc đến lịch sử của Gmobile, nhiều người sẽ chỉ nhớ đến hình ảnh “chú ong” Beeline và gói cước “tỉ phú”. Các sản phẩm này đều đi theo chiến lược “đại hạ giá” để kích cầu. Gmobile tiền thân là nhà mạng liên doanh với Tập đoàn VimpelCom (Nga), nhưng sau này được đối tác trong nước mua lại toàn bộ cổ phần.

Nhiều năm qua, Gmobile “sống thực vật” bằng cách sử dụng chung hạ tầng của Vinaphone. Gmobile cũng không hề phát triển dịch vụ 3G trước đây, nên con đường 4G trước mắt càng rối rắm, nhất là khi đầu tư 4G không dễ dàng ngay cả với các nhà mạng lớn.

Dù vậy, một lý do để Gmobile tiến thẳng lên 4G là vì nhà mạng này đang sử dụng một phần dải băng tần 1800 MHz, vốn được quy hoạch cho công nghệ 4G. Một lý do quan trọng khác khiến Gmobile yên tâm bỏ qua 3G là vì hãng được cho là đã nhận khoản đầu tư từ Goldman Sachs, tuy không rõ giá trị thương vụ.

Bên cạnh Gmobile, một nhà mạng nhỏ khác cũng quay trở lại sau thời gian “mất hút” là Vietnamobile. Hồi tháng 4, nhà mạng này chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần (trước đây là hình thức hợp tác đầu tư) với vốn điều lệ 1,25 tỉ USD.

Vietnamobile cho biết sẽ đầu tư khoảng 450 triệu USD để phủ sóng 3G trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Ảnh: doanhnhanonline.com.vn

Trong khi Gmobile chưa công bố kế hoạch rõ ràng thì Vietnamobile lại chủ động hơn. Thay vì nhắm đến 4G, Công ty gần đây công bố sẽ đầu tư khoảng 450 triệu USD để phủ sóng 3G trên khắp lãnh thổ Việt Nam, từ chỗ chỉ mới phủ sóng ở 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang và Đà Nẵng. Vietnamobile hiện có gói cước 3G với mức giá cạnh tranh hơn so với 3 “ông lớn” .

Lựa chọn con đường khác nhau nhưng dù 3G hay 4G thì đều là sản phẩm dữ liệu, thay vì sản phẩm thoại thông thường. Việc phát triển sản phẩm dữ liệu gần như là con đường duy nhất của các nhà mạng nhỏ trước áp lực thị phần từ 3 nhà mạng lớn. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 8.2016, Việt Nam có 39 triệu số thuê bao 3G có phát sinh lưu lượng (tăng 39% so với cuối năm 2014), trong khi có đến 86 triệu thuê bao thoại thông thường. Nhưng con đường 3G hay 4G sẽ chông gai hơn?

Bắt đầu triển khai 3G từ năm 2009, đến nay các nhà mạng đang gặt hái thành quả khi thiết bị đầu cuối tăng nhanh chóng, đi cùng với xu hướng nhiều người sử dụng 2 SIM điện thoại để phục vụ cho các nhu cầu công việc và giải trí. Trong khi 3G đang mang lại tiện ích đáng kể thì công nghệ 4G dự kiến mở ra kỷ nguyên mới về các sản phẩm nội dung số nhờ băng thông rộng hơn nhiều lần so với 3G. Dù vậy, 4G hiện vẫn là sản phẩm của tương lai, bởi chi phí đầu tư lớn hơn, kéo theo chi phí sử dụng cao hơn. Đó sẽ là rào cản tiếp cận số đông khách hàng.

Trên thế giới, đầu tư 4G đòi hỏi một lộ trình đi từng bước như 3G cách đây nhiều năm. Dù một yếu tố hỗ trợ là các thiết bị đầu cuối xuất hiện ngày càng nhiều hơn, nhưng nhà mạng vẫn sẽ mất nhiều năm và tốn kém chi phí để duy trì hệ thống cho đến khi phát triển đủ lượng thuê bao cần thiết. Gần như bắt đầu từ con số 0, Gmobile sẽ gặp khó khăn hơn so với Vietnamobile, vốn chỉ cần mở rộng hạ tầng 3G ra các vùng lân cận.

Thiên Phong

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/doanh-nghiep/phan-tich/loi-thoat-cho-nha-mang-nho-chon-3g-hay-4g-3316631/