Lợi thế khi ở trong Accelerator giữa Silicon Valley

Được nhận vào một accelerator là một lợi thế, nhưng khi accelerator này ở Silicon Valley thì đây là cơ hội “ngàn năm có một”.

500 Startups là gì?

“À tôi đã nói với bạn là tôi khùng chưa nhỉ?” – Dave McClure trả lời câu hỏi “làm việc với Dave McClure mang lại cảm giác như thế nào?” trên Quora – một mạng xã hội hỏi đáp do hai cựu kỹ sư của Facebook sáng lập.

Ở Silicon Valley, không ai lạ gì Dave McClure, một nhà đầu tư “Siêu Thiên Thần” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (Startup). Ông là người sáng lập 500 Startups, một accelerator (khóa tăng tốc khởi nghiệp) đáng chú ý nhất ở thung lũng công nghệ này. Với hàng nghìn doanh nhân khởi nghiệp tự ứng cử từ khắp thế giới, tối đa là 35 doanh nghiệp khởi nghiệp được chọn cho mỗi khóa học kéo dài bốn tháng ở đây. Đó còn chưa kể, quá trình ứng cử vào 500 Startups cũng “khùng” như người sáng lập của nó. Tức là không hề có thứ tự nộp đơn – xét duyệt – phỏng vấn nào cả. Bằng cách nào đó, các doanh nhân khởi nghiệp phải tự khiến Dave chú ý để có cơ hội thuyết trình về sản phẩm của mình.

Có một công ty của Việt Nam được tham gia vào 500 Startups. Đó là GreenGar, một công ty công nghệ với sản phẩm Whiteboard/Smartboard - ứng dụng cho phép mọi người đồng thời vẽ/viết một bức tranh trên các thiết bị công nghệ khác nhau. Một trong những lí do GreenGar được mời vào 500 Startups là nhờ sự thể hiện xuất sắc của CEO Trương Thanh Thủy tại cuộc thi hùng biện dành cho các nữ doanh nhân khởi nghiệp tại San Francisco. Sau khi vượt qua 290 ứng cử viên rồi lọt vào top 10, trước 1.000 người, Thủy đã thuyết trình về sản phẩm của mình và đoạt giải Nhì. Điều này đã khiến một nhà đầu tư chú ý và giới thiệu GreenGar tham gia 500 Startups. Mỗi một khóa học, được gọi là Batch, diễn ra trong vòng bốn tháng. GreenGar tham gia Batch thứ 6, nơi 22 trong tổng số 28 doanh nghiệp khởi nghiệp đến từ các quốc gia bên ngoài Mỹ.

Ngoài 500 Startups, GreenGar còn được một accelerator khác chấp nhận là Founder Fuel (Canada). Tuy nhiên, Thủy lựa chọn 500 Startups để công ty của mình có cơ hội đặt chân vào Silicon Valley. Đây chính là môi trường tuyệt vời cho các startups mà cô từ lâu luôn hướng tới trên con đường khởi nghiệp của mình.

Sống giữa Silicon Valley, một cộng đồng cùng chí hướng

“Những người khởi nghiệp là những người mà người bình thường không bao giờ hiểu được. Có những điều chỉ những người CEO hiểu với nhau. Đó là vị trí cực kì cô đơn. Khi bạn khởi nghiệp, có những vấn đề chỉ riêng mình bạn phải đối mặt trong khi đi giải quyết vấn đề cho cả thế giới”– Thủy, làm CEO đã được tám năm, kể từ năm 21 tuổi, nói.

Trương Thanh Thủy từng viết trên blog của mình vào ngày 4/8/2013: “Ứng cử và tham gia 500 Startups hẳn là quyết định gây tranh cãi nhất nhưng cũng là quyết định tuyệt vời nhất khi là CEO của GreenGar”.

500 Startups có mối liên kết với mạng lưới cộng đồng khởi nghiệp rộng lớn, gồm ít nhất 500 startups và mạng lưới chuyên gia gồm hơn 1.000 người sáng lập (founders) và hơn 200 người hướng dẫn (mentors) ở mọi lĩnh vực, giúp đỡ giải quyết và định hướng mọi vấn đề mà các doanh nghiệp khởi nghiệp thường gặp phải. Ngoài ra, 500 Startups còn tổ chức ngày Demo Day để các doanh nhân khởi nghiệp và các nhà đầu tư có thể gặp gỡ, giao lưu. Trương Thanh Thủy viết rằng, cô học được hàng ngàn thứ ở đây. Là một doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam – một hệ sinh thái khởi nghiệp còn nhiều khiếm khuyết so với Mỹ, GreenGar mang về nước sau bốn tháng ở 500 Startups những mối quan hệ và tinh thần khởi nghiệp của Silicon Valley.

Với một khóa accelerator của 500 Startups, các công ty khởi nghiệp cùng nhau làm việc trong một không gian. Trương Thanh Thủy từng viết trong blog của mình: “Với lợi thế từ co-working space (không gian làm việc chung) chúng tôi học từ những chiến hữu (Batch mates) nhiều như học từ những người hướng dẫn và các nhân viên của 500 Startups. […] Trong suốt chương trình accelerator, tôi có nhiều người bạn tuyệt vời. Chúng tôi dành đêm ngày cùng nhau ở văn phòng, giúp đỡ nhau một tay, cổ vũ động viên nhau hoặc chỉ đơn giản là một lời khen để khiến nhau vui vẻ”.

Nhưng quan trọng hơn, 500 Startups được đặt trong thung lũng Silicon Valley nơi mà “tôi có được sự ủng hộ của những người thậm chí không biết gì về mình cả. Có những người, mình chỉ gặp họ trên đường, trở thành bạn và giúp mình rất nhiệt tình” – Thủy kể.

“Họ có khả năng giúp đỡ. Ở Việt Nam, mọi người có lòng mà không có sức, họ muốn nhưng không thể hỗ trợ. Mấy tháng trước, server của tôi bị hỏng, ở Việt Nam, tôi không thể gọi ai giúp được. Tôi gọi cho bạn (ở Silicon Valley) và anh ấy sửa từ xa” – Thủy kể lại. “Điều đó quý hơn tiền đúng không? Họ bỏ ra một tiếng để giúp mình, trong khi một tiếng ở Silicon Valley trị giá rất nhiều tiền”.

“Nhà đầu tư ở đó cũng mang lại những lợi thế khác biệt, không chỉ là bỏ tiền ra hỗ trợ mình mà họ còn đưa ra nhiều chiến lược. Những chiến lược đến từ Silicon Valley tốt hơn nhiều so với từ Việt Nam”.

Thất bại và cảm hứng để đi tiếp

GreenGar là một trong những công ty khởi nghiệp hiếm hoi của Việt Nam lọt vào 500 Startups và nhận được 14 triệu lượt tải với doanh thu 1 triệu đô la trước khi tham gia 500 Startups. Nhưng, GreenGar đã thất bại và dừng hoạt động vào tháng 6 vừa qua.

Khởi nghiệp là một con đường khó khăn, sống và làm việc tại Silicon Valley truyền cảm hứng đi tiếp cho CEO cuối cùng của GreenGar. Đội ngũ của GreenGar hiện giờ quay trở lại thị trường ứng dụng di động bằng công ty mới toanh mang tên Tappy.Co với sản phẩm kết nối và tương tác mọi người trong một không gian sự kiện.

Khi được hỏi tại sao khởi nghiệp, Thủy đã dẫn ngay câu nói của Paul Singh, đối tác của 500 Startups, người hướng dẫn GreenGar trong những ngày đầu tiên: “Nếu bạn muốn một cuộc sống vui vẻ hạnh phúc thì hãy kiếm một công việc (trong công ty) đi, đừng khởi nghiệp”.

“Tôi khởi nghiệp vì khởi nghiệp vui? Không, nó chẳng có gì vui cả. Lý do duy nhất mà tôi khởi nghiệp là vì tôi muốn đem lại giá trị cho những người xung quanh”- Thủy nói.

Silicon Valley là nơi đã hình thành văn hóa khởi nghiệp lâu đời, nơi mà startups không phải là câu chuyện kinh doanh kiếm tiền mà vì muốn tạo ra giá trị. Đỗ Hoài Nam, một doanh nhân khởi nghiệp ở Silicon Valley với Emotiv Systems, công ty có sản phẩm là máy đọc não EPOC mà James Cameron sử dụng để đo phản ứng khán giả khi xem Avatar vào năm 2008, từng nói: “Tôi nhớ, những người thành công mà tôi từng gặp như Bill Gates hay Mark Zuckerberg cho đến những người bước chân vào Silicon Valley, chưa một ai khởi nghiệp vì tiền cả, nhất là khởi nghiệp trong ngành công nghệ, một ngành cực kỳ vất vả”.

Nguồn Tia Sáng: http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?CategoryID=43&News=7825&tabid=112